Ứng dụng siêu âm nội mạch: Chữa tổn thương động mạch vành

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Văn Thưởng - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh vừa bảo vệ thành công đề tài 'Ứng dụng kỹ thuật siêu âm nội mạch trong can thiệp tổn thương phức tạp động mạch vành'. Đây là giải pháp mới, hữu hiệu đối với những bệnh nhân tổn thương phức tạp bệnh mạch vành.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Thưởng, bệnh động mạch vành ngày càng phổ biến, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Thế giới và Việt Nam những năm qua chứng kiến bước phát triển vượt bậc về điều trị bệnh mạch vành. Trong đó, biện pháp can thiệp động mạch vành qua da bằng đặt stent được áp dụng thành công trong toàn quốc và Khánh Hòa. Tuy nhiên, đối với những tổn thương phức tạp động mạch vành gây khó khăn cho việc điều trị.

 Kíp phẫu thuật của bác sĩ Thưởng với sự hỗ trợ của máy IVUS.

Kíp phẫu thuật của bác sĩ Thưởng với sự hỗ trợ của máy IVUS.

Cách đây 5 năm, BVĐK tỉnh được trang bị máy IVUS (máy siêu âm nội mạch), được các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Chợ Rẫy, đoàn chuyên gia Mỹ trên tàu USNS Mercy chuyển giao. Nhờ đó, các bác sĩ của BVĐK tỉnh đã áp dụng thành công IVUS trong điều trị bệnh lý mạch vành. Bước đầu cho thấy kỹ thuật này có hiệu quả cao đối với bệnh nhân tổn thương mạch vành. Để có cơ sở nghiên cứu sâu hơn hiệu quả can thiệp của kỹ thuật mới, nhóm nghiên cứu đã thực hiện đề tài “Ứng dụng kỹ thuật siêu âm nội mạch IVUS trong can thiệp tổn thương phức tạp động mạch vành” với 2 mục tiêu chính: Đánh giá kết quả ngay sau khi can thiệp tổn thương phức tạp động mạch vành với sự ứng dụng của IVUS; đánh giá kết quả sau 1 năm can thiệp bằng kỹ thuật này.

Từ tháng 9-2019 đến tháng 3-2022, nhóm nghiên cứu đã thu thập 41 trường hợp tổn thương động mạch vành phức tạp được tiến hành chụp và can thiệp mạch vành qua da dưới sự trợ giúp của máy IVUS. Việc ứng dụng IVUS trong can thiệp tổn thương mạch vành phức tạp trong nghiên cứu cho kết quả thành công thủ thuật cao, chiếm 97,6%; stent áp sát thành mạch 100%; stent phủ hết sang thương; đường kính stent sau can thiệp tương đương đường kính động mạch tham khảo. Kết quả sau 12 tháng theo dõi, các chỉ số nhồi máu cơ tim, huyết khối stent hay tử vong đều bằng 0; tái hẹp chỉ có 2,4% trường hợp, đó là một bệnh nhân nữ 46 tuổi, có nhiều yếu tố nguy cơ về tim mạch như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu... Kết quả nghiên cứu đề tài cho thấy can thiệp điều trị động mạch vành tổn thương phức tạp với sự hỗ trợ của IVUS có kết quả tốt hơn, tỷ lệ các biến cố chính về tim mạch thấp hơn so với can thiệp không có sự hỗ trợ của IVUS.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Lê Tấn Phùng - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, ưu điểm lớn nhất của nghiên cứu là số lượng nghiên cứu vượt số lượng ghi trong hợp đồng, đây là một nỗ lực rất lớn của nhóm. Việc sử dụng kỹ thuật IVUS vào can thiệp tổn thương động mạch vành phức tạp mở ra một hướng mới cho điều trị bệnh lý mạch vành, đạt kết quả điều trị tối ưu, giảm thiểu các biến cố trong và sau can thiệp, đem lại niềm tin cho bệnh nhân bị bệnh tim mạch trong tỉnh và các tỉnh lân cận.

V.L

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/yte-suckhoe/202210/ung-dung-sieu-am-noi-mach-chua-ton-thuong-dong-mach-vanh-8266972/