Ứng dụng sơ đồ tư duy trong việc tổng hợp thông báo rút kinh nghiệm
Nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân, tại Hội nghị trao giải và rút kinh nghiệm Cuộc thi 'Xử lý tình huống trong giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình' của VKSND tỉnh Thanh Hóa tổ chức ngày 12/9/2024, đồng chí Phạm Thị Hoàn, Trưởng Phòng 9 VKSND tỉnh Thanh Hóa đã tổng hợp các thông báo rút kinh nghiệm đối với các VKSND cấp huyện trong việc kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình bằng phương pháp xây dựng sơ đồ tư duy.
Sơ đồ tư duy tổng hợp thông báo rút kinh nghiệm trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình do đồng chí Phạm Thị Hoàn thực hiện nhằm giúp các đơn vị VKSND cấp huyện hệ thống, theo dõi các thông báo rút kinh nghiệm của VKSND cấp trên một cách dễ dàng, trực quan và đạt hiệu quả cao nhất.
Trong 8 tháng đầu năm 2024, Phòng 9 VKSND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành 21 Thông báo rút kinh nghiệm nghiệp vụ đối với VKSND cấp huyện. Để giúp các Kiểm sát viên, công chức thuận tiện trong việc theo dõi, ghi nhớ các thông báo rút kinh nghiệm của VKSND cấp trên, Phòng 9 đã ứng dụng phần mềm Xmind xây dựng báo cáo án bằng sơ đồ tư duy trong việc tổng hợp các thông báo rút kinh nghiêm này bằng sơ đồ hình ảnh.
Theo đó, đơn vị đã tổng hợp 21 thông báo thành 10 nhóm quan hệ tranh chấp thường xảy ra trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình. Trong từng nhóm quan hệ tranh chấp có nội dung cụ thể của từng vụ án, về quyết định của bản án sơ thẩm, về những nội dung vi phạm của Tòa án và quyết định của bản án phúc thẩm.
Phương pháp tổng hợp thông báo rút kinh nghiệm bằng sơ đồ tư duy như một đồ thị với những ghi chú ngắn gọn, súc tích nhưng đầy đủ thông tin và rất dễ tiếp cận, giúp cho Kiểm sát viên, công chức VKSND hai cấp tỉnh Thanh Hóa thuận lợi trong việc tiếp cận các thông báo rút kinh nghiệm của VKSND cấp trên, dễ dàng hệ thống được toàn bộ các vi phạm của Tòa án, những vấn đề cần rút kinh nghiệm, từ đó hỗ trợ hiệu quả cho Kiểm sát viên trong hoạt động nghiệp vụ.
Với sơ đồ tư duy này, các đơn vị VKSND cấp huyện có thể tiếp tục kế thừa và bổ sung các thông báo rút kinh nghiệm tiếp theo của VKSND cấp trên vào sơ đồ, làm cẩm nang hữu ích cho hoạt động nghiệp vụ của đơn vị mình.