Ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản thời Covid

Thanh toán mã QR code, áp dụng công nghệ Blockchain… là cách các sàn thương mại điện tử sử dụng để tiêu thụ nông sản Việt khi tình hình dịch Covid-19 vẫn có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay.

Với “chợ nông sản 4.0” này, sản phẩm của người nông dân, doanh nghiệp làm ra có thể tiếp cận trực tiếp tới người tiêu dùng mà không phải qua bất cứ mắt xích trung gian nào, qua đó có thể giảm giá thành, tăng cường điều kiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Là một nước xuất khẩu gạo, chè, cà phê, hồ tiêu, tôm, cá với sản lượng lớn nhất nhì thế giới nhưng những sản phẩm nông sản Việt Nam lại ít tạo nên dấu ấn với người tiêu dùng thế giới vì không có tên tuổi hoặc khả năng cạnh tranh yếu kém.

“Chợ nông sản 4.0” (Ảnh minh họa: KT)

“Chợ nông sản 4.0” (Ảnh minh họa: KT)

Số liệu thống kê của Cục Sở hữu Trí tuệ cho thấy, có đến 80% hàng nông sản của Việt Nam bán ra thị trường quốc tế bị “đội lốt” các doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, việc xây dựng thương hiệu cho nông sản đang trở thành yếu tố rất quan trọng để có thể trở thành một cường quốc nông nghiệp.

Ông Hoàng Xuân Trường, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển hệ thống nông nghiệp, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết, với công nghệ Blockchain truy xuất hành trình sản xuất trên mỗi sản phẩm, qua đó, cho phép người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc, hành trình nông sản, thủy sản, thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn một cách minh bạch. Đáng chú ý, công nghệ thanh toán nhanh, bảo mật đi kèm với hợp đồng thông minh, tích hợp công nghệ hiện đại giúp các bên tham gia đều cùng theo dõi, giám sát chuỗi theo cách minh bạch.

“Sàn giao dịch thương mai điện tử nông sản có ý nghĩa trong việc phát triển nông nghiệp ở nước ta, đặc biệt là nguời nông dân và người tiêu dùng lâu nay chưa gặp nhau, chưa tìm được nắm được thông tin của nhau. Qua đây, nhiều khách hàng biết được các sản phẩm của các vùng quê đang triển khai, đặc biệt là chương trình nông thôn mới, OCOP, nhiều nước trên thế giới đều có thể biết được những sản phẩm an toàn ở Việt Nam để họ tìm cơ hội liên kết liên doanh đầu tư”, ông Hoàng Xuân Trường cho hay.

Ông Đinh Văn Hồng, Giám đốc Hợp tác xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, với việc thường xuyên có được thông tin cập nhật về thị hiếu của khách hàng, sản phẩm của đối thủ cạnh tranh… sẽ giúp các HTX, hộ sản xuất đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng của hàng hóa và dịch vụ: “Cách thức trao đổi ở đây sẽ thay đổi tư duy của người tiêu dùng, tư duy sản xuất của người nông dân, từ đó họ quan tâm sản phẩm sạch để đưa ra thị trường. Chúng tôi sẽ có phối hợp chặt chẽ để làm sao tất cả sản phẩm được kiểm duyệt và có truy suất nguồn gốc rõ ràng”.

Theo ông Vũ Chiến Chính, Giám đốc marketing Công ty cổ phần Kim cương Việt chuyên sản xuất trà chiết xuất từ nấm, linh chi, qua sàn thương mại điện tử về nông sản có thể cho phép người mua người bán kết nối, giao dịch trực tiếp với nhau dễ dàng và an toàn. Ví dụ như, với chợ thương mại điện tử Gcaeco, người mua hàng chỉ cần truy cập Gcaeco.vn hoặc tải ứng dụng Gcaeco về smartphone của mình, đăng ký tài khoản miễn phí rồi nhập tên sản phẩm cần mua, các tính năng của sàn thương mại điện tử sẽ giúp khách hàng chọn lựa các loại sản phẩm theo đúng tiêu chí bạn mong muốn. Những doanh nghiệp có thể tiếp cận được nhiều khách hàng hơn mà chi phí thì lại giảm đi khá nhiều so với trước.

“Chúng tôi tham gia sàn giao dịch điện tử bởi vì chúng tôi kì vọng tăng được hiệu quả, tính kinh tế sản phẩm đầu ra của chúng tôi. Chúng tôi muốn đa dạng kênh phân phối, mở rộng kênh bán hàng của mình, khác biệt so với những kênh truyền thống mà chúng tôi vẫn làm. Lớn nhất là cắt giảm được chi phí cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ngay từ ban đầu, có thể tiếp cận được với rất nhiều khách hàng không chỉ trong nội địa mà còn khách hàng nuớc ngoài cũng như thị trường quốc tế”, ông Vũ Chiến Chính chia sẻ.

Dịch bệnh COVID-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp thúc đẩy người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm hàng ngày. Chính vì vậy, các đơn vị kinh doanh cũng phải nhanh chóng chuyển đổi để đáp ứng nhu cầu của khách hàng tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là phải giữ chữ tín để có thể tồn tại lâu dài chứ không phải là một phương án tạm thời trong mùa dịch. Các sàn giao dịch thương mại điện tử nông sản sẽ là trung gian giao dịch giúp người bán nhanh chóng đưa sản phẩm của mình ra thị trường với những thông tin minh bạch, giúp cho người mua tìm kiếm, tiếp cận nhà cung cấp, sản phẩm thực phẩm sạch nhanh hơn với chi phí tiết kiệm hơn./.

Hà Phương/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/ung-dung-thuong-mai-dien-tu-trong-tieu-thu-nong-san-thoi-covid-857108.vov