Ứng dụng tiện ích từ Đề án 06
Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt Đề án 06), tỉnh Đồng Nai đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt các biện pháp, hoàn thành các nhiệm vụ.
Nếu như những ngày này của năm 2023, lực lượng công an cùng các cơ quan, đơn vị chức năng, đoàn thể trong tỉnh đang gấp rút hoàn thành các chỉ tiêu của Đề án 06 thì nay lại là thời điểm các cơ quan chức năng, đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương tập trung triển khai hiệu quả các mô hình ứng dụng những tiện ích được phát triển từ nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân (CCCD) và định danh điện tử vào đời sống, góp phần phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp
Sau gần 2 năm triển khai, hiện nay các mô hình ứng dụng Đề án 06 đang được triển khai hiệu quả tại Đồng Nai. Đại tá Trần Ngọc Minh, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh cho biết, đến nay tỉnh đã hoàn thành 100% việc cấp thẻ CCCD cho công dân đủ điều kiện đang cư trú trên địa bàn tỉnh và hoàn thành 100% chỉ tiêu kích hoạt tài khoản định danh điện tử, thuộc nhóm 10 địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành chỉ tiêu này.
“Địa phương cũng đã rất quyết liệt trong việc định danh, xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội với kết quả nổi bật: đồng bộ số định danh cá nhân/CCCD với thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) gần 2,6 triệu trường hợp (đạt 97,52%); 100% cơ sở khám chữa bệnh triển khai sử dụng CCDC trong khám, chữa bệnh BHYT; làm sạch thông tin cán bộ, giáo viên, học sinh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gần 700 ngàn dữ liệu (đạt 88,76%)…” - ông Minh chia sẻ.
Hiện tại Đồng Nai đã hoàn thành kết nối hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Người dân có thể ngồi nhà để thực hiện 36/53 thủ tục hành chính dịch vụ công thiết yếu môi trường điện tử liên quan đến lĩnh vực: điện lực, tư pháp, giao thông - vận tải, tài nguyên - môi trường, giáo dục - đào tạo, bảo hiểm xã hội, thuế, lao động thương binh - xã hội và thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của lực lượng công an.
Nhiều tiện ích từ dữ liệu dân cư, CCCD, định danh điện tử đã được cung cấp. Trong đó, hiệu quả mang lại rõ nét nhất là trên lĩnh vực y tế. Chỉ cần có thẻ CCCD gắn chíp đã được tích hợp BHYT là người dân có thể sử dụng để đi khám bệnh tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Việc này còn tránh được sai sót cũng như chấm dứt được tình trạng mượn thẻ BHYT của người khác đi khám chữa bệnh nhằm trục lợi Quỹ BHYT.
Đến khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Nhẫn (P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) cho biết: “Thay vì phải khai báo thông tin như trước đây rất mất thời gian, tôi chỉ cần quét mã QR trên CCCD là đã hoàn thành nhanh gọn các thủ tục đăng ký khám chữa bệnh, tôi thấy rất tiện lợi”.
Ngoài sử dụng CCCD gắn chíp điện tử thay thế thẻ BHYT, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn còn thực hiện khai báo lưu trú (phần mềm ASM) thông qua CCCD hoặc qua ứng dụng VneID. Việc này đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân, các cơ sở y tế, cơ sở lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ...). Giúp người dân tiết kiệm thời gian còn các cơ sở quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn đối với các dịch vụ do đơn vị mình cung cấp.
TS-BS Phạm Anh Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất chia sẻ, phần mềm ASM chính là bài giải cho việc quản lý người ra, vào, lưu trú tại bệnh viện, kiểm soát chặt chẽ thông tin thân nhân bệnh nhân lưu trú chăm nuôi bệnh mà trước đây bệnh viện chưa thể thực hiện tốt và đặc biệt là việc thực hiện nghiêm công tác thông báo lưu trú theo quy định của Luật Cư trú năm 2020.
“Phần mềm ASM giúp việc đăng ký lưu trú trở nên đơn giản hơn. Khách đến thuê phòng chỉ cần quét mã QR trên thiết bị do công an cung cấp, dữ liệu sẽ được điền tự động vào hệ thống. Chúng tôi không phải đến cơ quan công an khai báo trực tiếp như trước đây, giúp rút ngắn thời gian đăng ký cũng như giảm sai sót trong cập nhật thông tin khách lưu trú, vừa có thể quản lý khách ra vào chính xác, tiện lợi” - ông Lưu Ngọc Sơn, quản lý Nhà nghỉ S.N.D. (P.Hóa An, TP.Biên Hòa) chia sẻ.
Điểm sáng trong chuyển đổi số
Ngoài ra, việc ứng dụng VNeID để thay giấy tờ cá nhân khi làm thủ tục đi máy bay; thông báo lưu trú; tố giác tội phạm; giúp công dân có thể thay thế CCCD gắn chíp và các loại giấy tờ đã đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng (giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, BHYT)… đã tạo nhiều thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan chức năng trong thực thi nhiệm vụ.
Một trong những nhóm tiện ích của Đề án 06 đang được triển khai khá thành công trên địa bàn tỉnh là giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng nhiều lợi ích như: tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại; làm chủ được thời gian nộp hồ sơ; chi phí gián tiếp trong giải quyết tục hành chính... Ông Phong Nhật Hoàng (ngụ xã Bàu Hàm, H.Trảng Bom) cho hay, ông đã thực hiện trực tuyến thủ tục đăng ký biến động quyền sử dụng đất. Khi giao dịch thành công thấy rất vui, trước đây cũng thủ tục như trên nhưng phải đi lại nhiều lần từ xã đến huyện. Giờ thì ông có thể ngồi nhà gửi hồ sơ và chỉ cần đến văn phòng một cửa huyện một lần là hồ sơ đã hoàn tất.
“Dịch vụ công trực tuyến quá tiện ích, khi gửi hồ sơ trực tuyến người dân, doanh nghiệp có thể kiểm tra, giám sát về tình trạng giải quyết hồ sơ, biết được hồ sơ của mình đang ở khâu nào trong quy trình xử lý, ngày nhận kết quả... được hiển thị minh bạch, rõ ràng” - ông Hoàng chia sẻ.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số nhận định, một trong những "điểm sáng" của chuyển đổi số ở nước ta trong 2 năm qua là Đề án 06. Thực tế, nhận định trên rất sát với tình hình tại Đồng Nai.
Theo Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh, thời gian qua, để thực hiện các nhiệm vụ được giao, tỉnh Đồng Nai đã tập trung nỗ lực trong việc phát triển công dân số, nhờ đó cũng đã đạt một số kết quả đáng khích lệ, góp phần vào sự thành công chung của Đề án 06 của Chính phủ. Trong đó, đáng chú ý là kết quả nổi bật trong công tác định danh số và xác thực. Xác định đây là yếu tố nền tảng cho hình thành công dân số (cũng là một phần của Đề án 06), tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành 100% việc cấp thẻ CCCD cho công dân đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh trước thời hạn 63 ngày; hoàn thành vượt chỉ tiêu kích hoạt tài khoản định danh điện tử, đạt tỷ lệ 112% và thuộc nhóm 10 địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành chỉ tiêu do Bộ Công an đề ra. Đồng thời, địa phương cũng đã triển khai quyết liệt việc định danh, xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Song song đó, tỉnh triển khai một số hoạt động hướng đến cải thiện năng lực số cho người dân; gắn kết công dân với dịch vụ số của chính quyền, nâng cao sự hài lòng của công dân khi trở thành công dân số và trải nghiệm các dịch vụ số thông qua 3 nhóm giải pháp chính: đảm bảo hạ tầng số; tăng cường cung cấp và nâng cao chất lượng các dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo 100% dịch vụ đủ điều kiện thực hiện trên môi trường mạng để cung cấp trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh; triển khai các giải pháp hỗ trợ cho người dân tham gia sử dụng các dịch vụ số từ khâu bắt đầu tạo tài khoản trực tuyến từ định danh mức độ 2 thông qua các Tổ công nghệ số cộng đồng (trên 1.000 tổ với hơn 6.500 thành viên), lực lượng đoàn viên thanh niên, công chức bộ phận tiếp nhận hồ sơ; hỗ trợ thao tác trên các cổng dịch vụ công, nhận kết quả và cả ghi nhận phản ánh, kiến nghị