Ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Nâng hiệu quả phục vụ người dân
Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào thực tiễn tại thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua đã bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ. Các cấp, ngành của thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng AI trong nhiều ngành nghề để tăng hiệu quả công việc và phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
Nhiều ứng dụng thiết thực
Nhóm nghiên cứu thuộc Phân viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành công trong việc ứng dụng AI vào phân tích các dữ liệu mưa và đưa ra mô hình dự báo, cảnh báo về tình trạng úng ngập có thể xảy ra sau mưa tại thành phố Hồ Chí Minh.
Tiến sĩ Phạm Thanh Long, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, nhóm đã xây dựng hệ thống camera giám sát hàng chục điểm ngập thường xuyên tại thành phố Hồ Chí Minh. Với những hình ảnh số hóa thu nhận được và dữ liệu mưa ngập nhiều năm qua, nhóm sử dụng các thuật toán so sánh "hình ảnh gốc" với các "mốc marker" tại hiện trường để xác định mức ngập tương ứng, từ đó tạo dữ liệu nền giúp phần mềm AI nhận biết thế nào là ngập; với lượng mưa thế này, thời gian ngập sẽ kéo dài bao lâu…
“Chúng tôi đã vận hành thành công hệ thống cảnh báo ngập bằng camera giám sát cùng trọn bộ phần mềm quản lý ngập, thông tin ngập bằng WebGIS (bản đồ dữ liệu địa lý) và ứng dụng trên thiết bị di động thông qua sự phân tích, nhận biết của AI. Từ đó đưa ra dự báo, cảnh báo ngập, giúp tăng năng lực giám sát, vận hành và điều phối chống ngập của cơ quan chức năng. Cùng với đó, xây dựng công cụ trực quan tại địa chỉ http://chongngap hcm.info, vừa phục vụ dân sinh, vừa kết nối chung cho mô hình đô thị thông minh của thành phố Hồ Chí Minh”, Tiến sĩ Phạm Thanh Long nói.
Cũng ứng dụng AI vào phân tích dữ liệu từ hình ảnh, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Quang làm trưởng nhóm, đã nghiên cứu, phát triển thành công ứng dụng “Cảnh báo tắc đường” Utraffic từ hình ảnh thu nhận qua camera công cộng và hình ảnh người dân gửi về từ hiện trường.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Quang, thành phố Hồ Chí Minh có 60.000 camera công cộng các loại, trong đó có khoảng 2.000 camera chuyên theo dõi tình hình giao thông. Cùng với đó, cộng đồng người tham gia giao thông vẫn giữ thói quen chia sẻ tình trạng giao thông tuyến đường mình đi qua bằng thông tin, hình ảnh… với nhiều nền tảng mạng xã hội. Việc xây dựng phần mềm có ứng dụng AI để tiếp nhận, phân tích những dữ liệu hình ảnh này theo thời gian thực, từ đó đưa ra cảnh báo sớm về tình trạng tắc đường có ý nghĩa quan trọng.
Nhóm nghiên cứu đã thành công trong việc thu thập dữ liệu giao thông; phân tích, ước lượng và dự báo tình trạng giao thông; cảnh báo ùn tắc giao thông… Công nghệ mới này có chi phí rẻ hơn, tốc độ phân tích tương đương với những hệ thống tương tự, nhưng đắt tiền (như hệ thống máy dò vòng lặp (loop detectors), rada, cảm biến phương tiện, lưu lượng giao thông (RFID). Hiện ứng dụng đã được đưa lên trang web và thiết bị di động để cộng đồng cùng thụ hưởng.
Hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo
Ngày 30-5 vừa qua, Công an thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức “đặt hàng” Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu, ứng dụng AI vào 5 “đơn hàng” lớn, phục vụ công tác nghiệp vụ của ngành Công an. Đó là nghiên cứu xây dựng ứng dụng trên điện thoại thông minh cung cấp thông tin và giải đáp thắc mắc của người dân và doanh nghiệp về các dịch vụ hành chính công của Công an thành phố; ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong công tác huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; ứng dụng hỗ trợ phòng, chống tội phạm sử dụng không gian mạng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản...
Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Sự hợp tác này nhằm đẩy mạnh công tác bảo đảm an ninh mạng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh”.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Sở hỗ trợ các nghiên cứu, ứng dụng nêu trên và tăng cường hợp tác với các cấp, ngành của thành phố trong nghiên cứu khoa học nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực công, nâng cao nghiệp vụ, chất lượng công tác quản lý nhà nước của từng ngành.
“Sở Khoa học và Công nghệ đã chủ động ký kết với Sở Y tế, Sở Xây dựng, Sở Giáo dục và Đào tạo và Công an thành phố Hồ Chí Minh trong hợp tác nghiên cứu, triển khai các ứng dụng khoa học và công nghệ. Các nội dung hợp tác sẽ không chỉ dừng ở năm 2023 mà sẽ kéo dài nhiều năm sau nữa. Mục tiêu cuối cùng của sự hợp tác là hình thành được một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo dựa trên công nghệ ở tất cả các cấp, ngành, từ đó giúp triển khai các nghiệp vụ khoa học công nghệ có tính hệ thống và bài bản hơn, mang hàm lượng khoa học công nghệ cao hơn, góp phần tăng cường hiệu quả của mọi mặt đời sống xã hội”, Tiến sĩ Nguyễn Việt Dũng nói.