Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán điều trị đột quỵ

Phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID lần đầu tiên được ứng dụng trong chẩn đoán, điều trị đột quỵ tại ĐBSCL.

Các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành trong lĩnh vực đột quỵ tham gia hội thảo

Các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành trong lĩnh vực đột quỵ tham gia hội thảo

Ngày 19-6, tại Bệnh viện (BV) Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ, Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM tổ chức hội thảo và đào tạo y khoa liên tục CME với chủ đề “Cập nhật chẩn đoán điều trị đột quỵ năm 2020”.

Hội thảo và đào tạo kéo dài từ ngày 19-6 đến 20-6, với sự tham gia của hơn 200 bác sĩ và các chuyên gia đầu ngành về điều trị đột quỵ tại các BV lớn trong cả nước như: BV Bạch Mai, BV Đại học Y dược TPHCM, BV 115, BV Đại học Y dược Cần Thơ, BV Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ...

Các chuyên gia cảnh báo, hàng năm, trên thế giới có hơn 15 triệu người bị đột quỵ, cứ mỗi 45 giây trôi qua có 1 người bị đột quỵ và mỗi 3 phút có 1 người tử vong do đột quỵ. Ở nước ta, hàng năm có hơn 200.000 trường hợp bị đột quỵ, riêng ĐBSCL có khoảng hơn 10.000 trường hợp/năm, với tỷ lệ tử vong, tàn phế cao, có khuynh hướng gia tăng và trẻ hóa.

Hội thảo tập trung thảo luận 30 chủ đề về chẩn đoán và điều trị đột quỵ từ lý thuyết đến thực hành. Các bác sĩ tham gia sẽ được các chuyên gia huấn luyện kỹ năng, thực hành can thiệp trên động vật tại phòng Animal Lab. Đồng thời, giới thiệu các công nghệ và trang thiết bị hiện đại như: CT 128 Lát cắt, MRI 3 Tesla, Can thiệp nội mạch DSA... trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ.

Lần đầu tiên, ĐBSCL ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID phục vụ chẩn đoán, điều trị đột quỵ

Lần đầu tiên, ĐBSCL ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID phục vụ chẩn đoán, điều trị đột quỵ

Đặc biệt, ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID phục vụ chẩn đoán, điều trị đột quỵ được các bác sĩ rất quan tâm. RAPID là phần mềm hỗ trợ các bác sĩ sớm xác định được những vùng não bị tổn thương, những vùng nhu mô não sẽ chết trong những giờ tiếp theo, từ đó sẽ đưa ra các giải pháp can thiệp điều trị kịp thời, hiệu quả đối với bệnh nhân đột quỵ. Với công nghệ RAPID có thể kéo dài “thời gian vàng” lên đến 24 giờ thay vì 6 giờ như phương pháp thông thường.

RAPID được phát triển bởi Đại học Stanford - Hoa Kỳ và đã được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ - FDA chấp thuận cho sử dụng tại nước này. Phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID hiện được sử dụng phổ biến trên toàn thế giới với 1.200 bệnh viện lắp đặt tại 40 quốc gia.

TS-BS Trần Chí Cường, Giám đốc BV Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ cho biết, với nỗ lực tiên phong trong ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác điều trị, chúng tôi đã quyết định chi 200.000 USD để mua bản quyền 5 năm sử dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID. Đặc biệt, tại BV Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ, sẽ không thu phí, hay nói cách khác là miễn phí hoàn toàn đối với bệnh nhân khi sử dụng RAPID. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng chuẩn đoán, điều trị bệnh nhân đột quỵ tại khu vực ĐBSCL.

TUẤN QUANG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/ung-dung-tri-tue-nhan-tao-trong-chan-doan-dieu-tri-dot-quy-668463.html