Ứng dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước: Khó mở rộng diện tích

Ứng dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước là cơ sở để xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả cao, giúp nâng cao năng suất cây trồng và thích ứng với biến đổi khí hậu. Dù vậy, để mở rộng diện tích tưới tiết kiệm nước vẫn còn khá nhiều khó khăn.

Mô hình chè tưới ẩm của gia đình anh Vũ Hải Bảy, thôn Thọ Bằng, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) thu được sản lượng chè lớn nhất từ trước đến nay. Tính đến giữa tháng 10 vừa qua, đồi chè của gia đình anh Hải cho thu hái trên 30 tấn chè búp tươi, doanh thu đạt trên 150 triệu đồng, tăng trên 20% so với cùng thời điểm năm 2018. Theo ông Bảy, có được sản lượng vượt trội, doanh thu cao là bởi hơn 2 ha chè của gia đình anh đã lắp đặt công nghệ tưới ẩm tiên tiến bằng van xoay văng nước và tưới mưa. Nước được bơm dẫn theo đường ống lên đồi chè, khoảng 4 - 5 m có một van xoay văng nước tưới cho cây chè. Sử dụng công nghệ tưới ẩm tiên tiến giảm được công lao động, giúp cung cấp đủ nước cho cây, rửa được sương muối, phòng tránh sâu bệnh hại chè. Khi sử dụng phương pháp tưới chè bằng van xoay, anh Bảy còn có thể kết hợp phun thuốc bảo vệ thực vật và bón phân vi sinh dạng lỏng, tăng khả năng hấp thụ cho cây chè do phân được hòa tan, ngấm ngay xuống đất...

Ông Trần Quốc Quân, thôn Hòn Vang, xã Thắng Quân (Yên Sơn)đầu tư mô hình tưới tiên tiến tiết kiệm nước cho bưởi, cam.

Mô hình tưới ẩm cho cây ăn quả của ông Trần Quốc Quân, thôn Hòn Vang, xã Thắng Quân (Yên Sơn) đã mang lại nhiều mùa quả ngọt. Theo ông Quân, 3,8 ha bưởi, cam của gia đình trồng trên đất đồi, độ dốc cao, nguồn nước không sẵn nên gia đình đã đầu tư lắp đặt hệ thống đường ống, van tưới nước phun mưa. Chủ động được nước tưới cây phát triển tốt, sai quả, ngon, ngọt rất đắt hàng.

Ông Bùi Chí Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho rằng, tưới tiết kiệm nước là một giải pháp căn cơ thích ứng, ứng phó hiệu quả với mùa khô, thiếu nước. Bên cạnh đó, tưới tiên tiến tiết kiệm nước còn tạo tiền đề, cơ sở thực tiễn quan trọng để khai thác hiệu quả tiềm năng đất dốc. Hiệu quả tưới tiên tiên tiết kiệm mang lại hiệu quả cao, song chi phí cũng rất lớn trong lúc sức cạnh tranh, giá trị sản phẩm/đơn vị diện tích còn thấp; giá cả, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, chưa hình thành được các chuỗi sản xuất khiến cho việc mở rộng diện tích tưới ẩm bằng biện pháp này gặp khó và mới chỉ tập trung ở địa phương có điều kiện thuận lợi. Toàn tỉnh có 53,9 ha cây trồng cạn được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, chiếm 0,14% tổng diện tích cây trồng, trong đó 21,9 ha chè, 12,1 ha mía, 10,7 ha cam, 9,1 ha cây trồng khác.

Để tiếp cận hiệu quả mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Công Hàm, cần đồng bộ được khu vực dự kiến canh tác, loại cây trồng cùng với đánh giá được nhu cầu tưới, thời điểm tưới, cách thức tưới,... để tiến hành triển khai mô hình. Thực tế, toàn tỉnh có 38.000 ha cây trồng cạn, trong đó có 8.634 ha cam, 8.575 ha chè, 4.456 ha mía và 16.600 ha các loại cây khác vẫn cần tưới theo phương pháp tiên tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm nguồn nước trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/khoa-hoc/cong-nghe/ung-dung-tuoi-tien-tien-tiet-kiem-nuoc-kho-mo-rong-dien-tich-125384.html