Ứng dụng y tế từ xa nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho nhóm yếu thế tại 10 tỉnh của Việt Nam
Ngày 21/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế thông qua Cục Quản lý Khám chữa bệnh, phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Chăm sóc Sức khỏe Quốc tế Hàn Quốc (KOFIH), chính thức khởi động dự án 'Ứng dụng Y tế từ xa nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam'. Dự án hướng tới cải thiện sức khỏe cho nhóm yếu thế bằng cách đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế và tăng cường khả năng tiếp cận cũng như chất lượng dịch vụ y tế cơ sở.
Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và khả năng tiếp cận dịch vụ y tế. Tuy vậy, người dân ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số và những người chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Dự án hướng tới mục tiêu giải quyết những hạn chế này bằng hình thức khám chữa bệnh từ xa, tập trung vào 10 tỉnh: Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Tây Ninh, Hậu Giang, Bến Tre và Cà Mau. Bằng cách sử dụng hệ thống khám chữa bệnh từ xa "Bác sĩ cho mọi nhà", hơn 1,3 triệu người dân đã được kết nối với cơ sở y tế, hơn 3.000 nhân viên y tế được đào tạo về hệ thống. Dự án sẽ tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đào tạo đội ngũ y bác sĩ và tích hợp hệ thống khám chữa bệnh từ xa “Bác sĩ cho mọi nhà” vào nền tảng VTelehealth.
TS.BS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh đã khẳng định cam kết của Bộ trong việc đảm bảo công bằng trong việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết: “Từ năm 2020, nhằm nâng cao năng lực y tế cơ sở và cải thiện tiếp cận của người dân và đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu vùng xa với dịch vụ y tế chất lượng cao, với mục tiêu "Không để ai bị bỏ lại phía sau", UNDP đã đồng hành cùng Bộ Y tế phát triển và thực hiện chương trình tư vấn khám chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở sử dụng phần mềm "Bác sĩ cho mọi nhà" tại 8 tỉnh: Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Đắk Lắk, Cà Mau và đạt được những kết quả tích cực. Từ những kết quả tích cực của chương trình phối hợp này, Bộ Y tế đã phối hợp với KOFIH Hàn Quốc và thông qua UNDP để huy động nguồn lực với tổng kinh phí viện trợ không hoàn lại là trên 2,3 triệu USD thực hiện Dự án: "Ứng dụng y tế từ xa nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam" tại 10 tỉnh khó khăn, vùng sâu,vùng xa”.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh: "Cùng với Bộ Y tế và KOFIH Hàn Quốc, mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo không để bất kỳ ai, đặc biệt là những người dân ở vùng sâu, vùng xa và dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, bị bỏ lại phía sau trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu. Dự án là minh chứng rõ ràng cho thấy công nghệ số có thể nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe tại tuyến cơ sở, giúp cải thiện sức khỏe của nhóm yếu thế nhất”.
"Mục tiêu của dự án là giúp cho nhóm yếu thế ở Việt Nam có cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế tốt hơn và xây dựng một mô hình hợp tác bền vững trong lĩnh vực y tế số, phù hợp với chiến lược chuyển đổi số quốc gia và các thỏa thuận quan trọng đã đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc - Việt Nam năm 2021. Các hoạt động như cung cấp trang thiết bị công nghệ thông tin, nâng cấp hệ thống khám chữa bệnh từ xa và đào tạo nguồn nhân lực đã và đang được triển khai, góp phần đảm bảo dự án sẽ đạt được những kết quả tích cực và bền vững trong tương lai", bà Kyungnam Ryu, Trưởng đại diện của KOFIH Hàn Quốc tại Việt Nam chia sẻ.
Dự án là kết quả của sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam, UNDP và KOFIH Hàn Quốc nhằm thúc đẩy cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế bình đẳng. Bằng việc tập trung vào các giải pháp thiết thực như cung cấp trang thiết bị công nghệ thông tin, đào tạo nhân lực y tế và gắn kết cộng đồng, dự án hướng tới những lợi ích thiết thực cho những người cần nhất. Mặc dù còn nhiều thách thức nhưng sáng kiến này là một cơ hội đầy hứa hẹn để mở rộng các dịch vụ y tế và nâng cao sức khỏe cho cộng đồng dễ bị tổn thương trên khắp Việt Nam.