Ứng Hòa đã vi phạm theo kết luận của Sở Tài nguyên Hà Nội thế nào?
Việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm còn chậm, chưa giải quyết triệt để. Công tác khắc phục hậu quả chưa được kịp thời. Việc xây dựng kế hoạch thực hiện giải tỏa các vi phạm đất đai, trật tự xây dựng tồn đọng, chưa quyết liệt và đồng bộ.
Ngày 28/02/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Hà Nội có văn bản số 348/KL-STNMT-TTr kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật đất đai trong công tác quản lý Nhà nước đối với việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, nông nghiệp công ích, đất công thuộc trách nhiệm của UBND huyện Ứng Hòa và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn.
Theo đó, đối với việc thực hiện nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị 04: Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 14/01/2014 của UBND TP, UBND huyện Ứng Hòa đã có các văn bản tổ chức thực hiện đến các xã, thị trấn. UBND huyện đã xây dựng kế hoạch và tiến hành kiểm tra, thanh tra đối với các trường hợp vi phạm được phát hiện.
Tuy nhiên, việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm còn chậm chưa giải quyết triệt để. Công tác khắc phục hậu quả chưa được kịp thời. Việc xây dựng kế hoạch thực hiện giải tỏa các vi phạm đất đai, trật tự xây dựng tồn đọng chưa quyết liệt và đồng bộ. Đến nay, các vi phạm còn tồn tại chưa được xử lý, khắc phục triệt để theo quy định. Trách nhiệm thuộc Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa cần có biện pháp khắc phục.
Đối với đất nông nghiệp giao theo Nghị định 64: UBND huyện Ứng Hòa báo cáo có 464 trường hợp vi phạm trên đất nông nghiệp với diện tích là 34.0144 ha. Trong đó có sử dụng đất không đúng mục đích, xây dựng trái phép 423 trường hợp với tổng diện tích đất bị vi phạm là 31,1977 ha; 41 trường hợp vi phạm khác với tổng diện tích đất vi phạm là 2,8168 ha.
UBND huyện Ứng Hòa xác định các vi phạm đối với đất nông nghiệp xảy ra từ trước năm 2014 là 182 trường hợp và 282 trường hợp vi phạm sau năm 2014. Trong đó, số vi phạm đã xử lý dứt điểm là 158 trường hợp với tổng diện tích đất vi phạm là 3.4252 ha, số vi phạm chưa khắc phục còn phải xử lý là 306 trường hợp với tổng diện tích là 30.5893 ha.
Tuy nhiên, từ khi thực hiện Chỉ thị số 04 của UBND TP đến nay, UBND huyện Ứng Hòa chưa lập hồ sơ xử lý hoặc đề xuất biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
Trách nhiệm thuộc Chủ tịch UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Đặc biệt là các xã có số lượng vi phạm lớn gồm: Viên An, Phù Lưu, Kim Đường, Vạn Thái, Cao Thành, Đại Cường cần được kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cá nhân đối với Chủ tịch UBND xã thời điểm để xảy ra vi phạm và Chủ tịch UBND xã thời điểm từ năm 2014 đến nay.
Đối với các vi phạm từ năm 2014 đến nay: Sau khi UBND TP có Chỉ thị 04, UBND huyện Ứng Hòa có các kế hoạch xử lý các vi phạm nhưng các vi phạm nêu trên không được UBND các xã trên và một số xã có nhiều vi phạm sau năm 2014 như Hồng Quang, Đại Cường lập hồ sơ xử lý theo đúng quy định hoặc đã lập hồ sơ xử lý nhưng số lượng còn hạn chế.
Trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND các xã thời điểm để phát sinh vi phạm sử dụng đất không đúng mục đích, xây dựng trái phép và Chủ tịch UBND xã thời điểm từ năm 2014 đến nay không đề xuất biện pháp xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, cần được kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và có biện pháp khắc phục.
Đối với đất nông nghiệp công ích: UBND huyện Ứng Hòa báo cáo có 96 trường hợp vi phạm với tổng diện tích là 4,3719 ha, chiếm 0,32% đất nông nghiệp công ích. Trong đó, 54 trường hợp với tổng diện tích đất vi phạm là 0,5831 ha đã lập hồ sơ xử lý dứt điểm; 42 trường hợp với tổng diện tích đất vi phạm là 3,7888 ha còn phải xử lý, khắc phục.
Xã có nhiều vi phạm chưa khắc phục là Trường Thịnh (có 14 trường hợp vi phạm nhưng chưa xử lý được trường hợp nào), Cao Thành, Lưu Hoàng, Vân Đình, Liên Bạt. Trách nhiệm thuộc Chủ tịch UBND các xã thời điểm để phát sinh vi phạm và Chủ tịch UBND xã thời điểm từ năm 2014 đến nay.
Về việc ký Hợp đồng giao thầu cho thuê đất công ích: Đoàn kiểm tra xác suất một số hợp đồng tại thị trấn Vân Đình, xã Liên Bạt, xã Quảng Phú Cầu, xã Vạn Thái cho thấy: Hợp đồng giao thầu đất công ích ký không đúng thẩm quyền (thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu, Chi hội Cựu chiến binh thôn Vân Đình, thị trấn Vân Đình).
Ngày 12/3/2015, UBND huyện Ứng Hòa có văn bản số 90/CV-UBND về yêu cầu các xã, thị trấn bàn giao quỹ đất công cho các thôn đang quản lý về UBND xã quản lý theo thẩm quyền.
Tuy nhiên trên thực tế, trên địa bàn huyện Ứng Hòa vẫn còn nhiều diện tích đất nông nghiệp công ích, HTX nông nghiệp các thôn vẫn đang quản lý và cho các hộ gia đình thuê thầu. Trách nhiệm thuộc UBND xã Quảng Phú Cầu, thị trấn Vân Đình trong công tác quản lý đất đai tại địa phương và UBND huyện Ứng Hòa trong việc chỉ đạo, đôn đốc thực hiện.
Hầu hết các hợp đồng không thực hiện việc đấu giá để giao thầu đất công ích, không lập hồ sơ xác định ranh giới, mốc giới để làm căn cứ quản lý theo quy định, không có biên bản bàn giao diện tích đất cho bên thuê để quản lý sử dụng theo quy định.
Nội dung các hợp đồng cho thuê đất công ích thể hiện không căn cứ kết quả đấu giá để giao thầu sử dụng đất công ích, không căn cứ vào Nghị quyết của HĐND xã, thị trấn về quyết định phương án sử dụng đất công ích thuộc trách nhiệm của UBND xã, thị trấn quản lý.
Trách nhiệm thuộc Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu, thị trấn Vân Đình, xã Vạn Thái trong công tác quản lý Nhà nước đối với diện tích đất công ích trên địa bàn xã, cần được xem xét trách nhiệm và có hình thức xử lý theo quy định pháp luật.
Theo kết quả kiểm tra hiện trạng xác định: Có một số khu đất công ích do UBND xã Vạn Thái cho thuê để sử dụng vào mục đích nông nghiệp nhưng đã được một số hộ chuyển đổi mục đích làm nhà ở, xây dựng tường bao và công trình trái phép như hộ ông Nguyễn Xuân Sách, HTX chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ thôn Đồng Tý (chủ sử dụng là ông Nguyễn Văn Thanh).
UBND xã Vạn Thái không có biện pháp xử lý theo quy định, không báo cáo được thời điểm các hộ tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng và các biện pháp xử lý đã được áp dụng đối với các công trình xây dựng trái phép.
Đối với đất công: Tổng diện tích đất công trên địa bàn là 1.396,64 ha, có 137 trường hợp vi phạm với tổng diện tích đất bị vi phạm là 1,5564 ha, chiếm 0,11% đất công. Trong đó đã xử lý dứt điểm 108 trường hợp với tổng diện tích đất đã khắc phục vi phạm là 1,20212 ha; số vi phạm còn phải xử lý 29 trường hợp với tổng diện tích đất vi phạm là 0,354 ha.
Xã có nhiều vi phạm đất đai là Trường Thịnh, Quảng Phú Cầu, Cao Thành, Đại Hùng. Trách nhiệm thuộc Chủ tịch UBND các xã thời điểm để phát sinh vi phạm và Chủ tịch UBND xã thời điểm từ năm 2014 đến nay không đề xuất biện pháp xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, cần được kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và có biện pháp khắc phục.
UBND huyện Ứng Hòa báo cáo: Các vi phạm trên đất công chủ yếu là do các hộ gia đình tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang 1 vụ lúa, 1 vụ cá.
Đối với việc thực hiện Thông báo số 199/TB-UBND ngày 26/6/2013 của UBND TP đối với diện tích 2.383,3 ha đất công tại xã Liên Bạt. Tại thời điểm thanh tra, các phòng chuyên môn của UBND huyện Ứng Hòa chưa giải quyết dứt điểm. Trách nhiệm thuộc về Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, Trưởng phòng Nội vụ và UBND huyện Ứng Hòa trong công tác chỉ đạo, đôn đốc thực hiện.
Đối với đất sử dụng vào mục đích kinh tế trang trại: UBND huyện có 267 trang trại với tổng diện tích đất sử dụng vào mục đích kinh tế trang trại là 209,95 ha. Tuy nhiên, UBND huyện Ứng Hòa chưa báo cáo được kết quả kiểm tra, tổng hợp các vi phạm phát sinh trong hoạt động kinh tế trang trại. Trách nhiệm thuộc về Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường.
Xã Đại Cường là một trong các xã đã được nêu tên trong Kết luận số 348/KL-STNMT-TTr của Sở TNMT Hà Nội tồn tại nhiều trường hợp vi phạm đất đai.
Theo Kết luận số 348/KL-STNMT-TTr của Sở TNMT Hà Nội, trên địa bàn xã Đại Cường có 40 trường hợp vi phạm Luật Đất đai. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại đã hơn 4 năm, chính quyền xã Đại Cường đã xử lý các vi phạm trên như thế nào?
Về việc này, ông Dương Tuấn Anh, Trưởng phòng TNMT huyện Ứng Hòa cho biết: Ngày 23/6/2023, UBND xã Đại Cường ban hành văn bản số 45/BC-UBND báo cáo phúc đáp Công văn số 242/TNMT ngày 21/6/2023 của đơn vị.
Ngày 05/10/2021, UBND xã Đại Cường có Báo cáo số 42/BC-UBND về việc thực hiện xử lý, khắc phục các vi phạm theo Kết luận thanh tra số 348/KL-STNMT-TTr ngày 28/02/2019 của liên ngành Sở TNMT; Thanh tra thành phố. Xã kiến nghị đề xuất 11 trường hợp vi phạm chưa khắc phục hậu quả theo kết luận được giữ nguyên hiện trạng. Những trường hợp này nằm trong vùng quy hoạch chuyển đổi của xã và đang canh tác sản xuất ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ gia đình.
UBND xã Đại Cường đã tổ chức làm việc và hướng dẫn các hộ thực hiện việc đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất trồng lúa. Nguyện vọng của các hộ xin được giữ nguyên hiện trạng, cam kết không phát sinh vi phạm mới và thực hiện việc đăng ký đất đai chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy định.
Trong thời gian tới, các hộ chưa hoàn thiện hồ sơ đăng ký đất đai chuyển đổi cơ cấu cây trồng, UBND xã Đại Cường đôn đốc yêu cầu các hộ dân hoàn thiện hồ sơ để tổng hợp báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của UBND huyện.
Nhiều người dân ở thôn Giang Triều phản ánh thông tin, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Bình (nguyên Trưởng phòng TNMT huyện Ứng Hòa) xây dựng nhà kiên cố, san gạt đất để trồng cây lâu năm trên diện tích nuôi trồng thủy sản.
Theo tài liệu ông Tuấn Anh cung cấp, thể hiện khu vực đất nhà ông Bình ở xứ đồng Mả Và Ngoài, thuộc thửa đất số 07, tờ bản đồ số 02, diện tích 18.875.3m2; mục đích là LUC (trồng lúa nước). Được UBND huyện Ứng Hòa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất ngày 30/12/2016; số phát hành Giấy chứng nhận CG 607752; số vào sổ cấp Giấy chứng nhận: CH08577. Nguồn gốc sử dụng: Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất.
Năm 2015-2016, sau khi thực hiện công tác dồn điền đổi thửa trên địa bàn thôn Giang Triều, hộ gia đình ông Bình được giao khu đất trên. Do thửa đất này là ruộng trũng, canh tác sản xuất khó khăn nên ngày 20/2/2016, ông Bình làm đơn đăng ký chuyển đổi cây trồng trên đất chuyên trồng lúa nước sang nuôi trồng thủy sản và được xã Đại Cường xét duyệt chuyển đổi cơ cấu cây trồng ngày 17/3/2016.
Từ năm 2016, hộ gia đình ông Bình đã cải tạo diện tích đất trên sang mô hình đa canh nuôi trồng thủy sản, trồng cây. Ông Bình có dựng 01 lều lán trông nom để thuận tiện canh tác sản xuất, bảo vệ cây cối, tài sản trên đất, nguyên liệu bằng gỗ, dễ tháo dỡ, di chuyển.
Thửa đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch nông thôn mới đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt tại Quyết định số 5182/QĐ-UBND ngày 09/12/2021 của UBND TP. Hà Nội về việc duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030. Hiện tại, hộ gia đình ông Bình đề nghị xin giữ nguyên hiện trạng. Hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất đang chờ TP. Hà Nội giải quyết.