Ứng phó bão số 1: Hải Dương tiêu thoát nước sớm, chủ động phòng úng khi mưa lớn
Hải Dương đang tích cực triển khai các biện pháp để chủ động ứng phó với bão số 1, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đang phục vụ tưới tiêu cho 192.045ha canh tác thuộc huyện Gia Lâm quận Long Biên của Hà Nội, thị xã Thuận Thành và hai huyện: Lương Tài, Gia Bình của Bắc Ninh; 7 huyện, thị xã, thành phố của Hải Dương (Bình Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Thanh Miện, Thành phố Hải Dương, huyện Cẩm Giàng, Ninh Giang) và toàn bộ tỉnh Hưng Yên. Chiều dài kênh trục là 232km.
Những ngày qua, đơn vị đã tích cực, quyết liệt triển khai các biện pháp chủ động ứng phó với bão số 1. Ông Lương Xuân Chính, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, cho biết: Ngay khi có thông tin về bão số 1, Bắc Hưng Hải đã chủ động phối hợp với các địa phương tiêu nước đệm trên hệ thống từ ngày 14/7 nên đến sáng 17/7, mực nước trên các kênh trục Bắc Hưng Hải đã hạ thấp, bình quân chỉ 0,6m - 0,8m, sẵn sàng phòng úng khi mưa lớn xảy ra.
Trước đó, ngay từ đầu năm, Bắc Hưng Hải đã thành lập Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai năm 2023 của Công ty và tổ chức kiểm tra công trình, phát hiện các hư hỏng để kịp thời sửa chữa. Công ty Bắc Hưng Hải cũng đã tổ chức tập huấn cho toàn bộ người lao động kỹ năng kiểm tra hư hỏng, sự cố bờ kênh, các phương án ứng phó, xử lý kỹ thuật.
Đồng thời, Công ty phối hợp với địa phương kiểm tra toàn bộ hệ thống bờ kênh trục Bắc Hưng Hải để phát hiện các hư hỏng của bờ kênh, cùng địa phương đánh giá chất lượng công trình, các điểm xung yếu cần quan tâm trong mùa mưa bão. Trên cơ sở đó, Công ty đã lập phương án kỹ thuật tổng thể điều hành hệ thống theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện - vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ).
Theo thống kê, hiện nay, hệ thống Bắc Hưng Hải có trên 100 vị trí xung yếu, mất an toàn khi xảy ra mưa lớn. Công ty đã xây dựng phương án phối hợp với từng huyện, thị xã, thành phố để ứng phó với bão để sẵn sàng phối hợp, không bị động khi có tình huống xảy ra trong đó cụ thể các tình huống đối với từng điểm xung yếu. Hiện nay, địa phương nhiều điểm xung yếu nhất là huyện Bình Giang với 31 điểm, huyện Thanh Miện với 30 điểm.
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương, toàn tỉnh hiện có trên 52.000 ha lúa mùa, 6.744 ha rau màu vụ hè thu và khoảng 20.000 ha cây ăn quả, trên 12.400ha diện tích nuôi trồng thủy sản, có 7.800 lồng nuôi cá trên sông, trong đó gần 7.400 lồng đang nuôi.
Hệ thống đê sông có 30 trọng điểm công trình đê điều, 41 vị trí xung yếu đê, kè, cống cần đặc biệt chú ý. Các trọng điểm này đã được Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã xây dựng và phê duyệt các phương án bảo vệ “4 tại chỗ”.
Đối với hệ thống công trình thủy lợi do Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh quản lý, có 12 vị trí bờ xung yếu, 22 trạm bơm xuống cấp, 24 cống dưới kênh cũ, hỏng; 6 đoạn kênh bị sạt lở có nguy cơ mất an toàn khi có bão, mưa lớn.
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương đã ban hành công điện số 3 yêu cầu các địa phương, các ngành chủ động ứng phó với bão số 1 và mưa lũ sau bão gồm 11 nhiệm vụ.
Theo đó, tỉnh Hải Dương yêu cầu Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thị xã, các cấp, ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lớn, thông tin kịp thời cho chính quyền, người dân biết để chủ động các biện pháp phòng, chống phù hợp nhằm đảm bảo an toàn cho người, tài sản và sản xuất nhất là diện tích lúa mới cấy, rau màu ở vùng trũng, thấp, khu vực nuôi trồng thủy sản tập trung, các cơ sở nuôi cá lồng bè trên sông, các khu vực dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, công trình, nhà cửa xung yếu.
Đồng thời, các đơn vị kiểm tra các công trình trọng điểm đê điều, các sự cố sạt lở bờ sông, bờ kênh trục Bắc Hưng Hải chưa được xử lý, các công trình đang thi công, khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt để có giải pháp ứng phó. Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh, Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, Công ty cổ phần quản lý công trình đô thị Hải Dương phối hợp với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thị xã chủ động triển khai phương án tiêu úng, ưu tiên diện tích lúa, rau màu ở vùng trũng, thấp, khu nuôi trồng thủy sản tập trung.
Thành phố Hải Dương chủ động phương án chống úng khu vực đô thị. Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Điện lực Hải Dương chủ động kiểm tra hệ thống công trình điện, có phương án ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm để phục vụ tiêu úng khi có yêu cầu. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh Hải Dương sẵn sàng lực lượng, phương tiện cho công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả mưa bão khi có yêu cầu…
Tại cuộc họp với các ngành, địa phương ngày 17/7, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương Nguyễn Minh Hùng yêu cầu các ngành, các địa phương kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Lãnh đạo tỉnh đặc biệt lưu ý nguy cơ ngập úng cục bộ và lũ quét tại hai địa phương: Chí Linh và Kinh Môn. Các địa phương phải sẵn sàng phương án chống úng, dự phòng mạ để thay thế ngay nếu lúa bị thiệt hại do ngập úng; bảo đảm an toàn cho các lồng cá; thu hoạch nhanh gọn diện tích rau màu; rà soát lại toàn bộ hệ thống phòng, chống thiên tai, phân công rõ lực lượng ứng trực…