Ứng phó bão số 2 và mưa lũ

Ngày 22/7, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh có Công văn hỏa tốc số 29/BCH-PCTT về việc ứng phó bão số 2 và mưa lũ. Nội dung như sau:

Sáng ngày 21/7/2024, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đã mạnh lên thành bão (cơn bão số 02). Theo tin bão khẩn cấp (cơn bão số 02) của Đài Khí tượng thủy văn Hưng Yên, hồi 10h00 ngày 22/7/2024, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,8 độ Vĩ Bắc, 109 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông của khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ, cách Bạch Long Vỹ khoảng 150km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-102km/h), giật cấp 12, di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 15km/h.

Dự báo trong những ngày tới, bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, hoàn lưu bão có thể gây mưa to đến rất to. Trong khi hiện nay, mực nước lũ một số sông khu vực Bắc Bộ (sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Đào, sông Trà Lý, sông Lạch Tray...) lên mức BĐ1-BĐ2, đặc biệt một số tỉnh, thành phố khu vực hạ du sông Hồng, sông Thái Bình do ảnh hưởng của thủy triều, mực nước sông lên mức BĐ3 (sông Ninh Cơ tại trạm Trực Phương, Nam Định lúc 19h ngày 21/7/2024 là 2,64m, trên BĐ3 là 0,04m).

Thực hiện Công điện số 70/CĐ-TTg ngày 21/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó bão số 2 và mưa lũ; Công văn số 703/ĐĐ-QLĐĐ ngày 21/7/2024 của Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai về việc ứng phó với bão số 2 và bảo đảm an toàn hệ thống đê điều. Để ứng phó với bão số 2 và bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, công trình thủy lợi, chủ động phòng, chống ngập úng, hạn chế thiệt hại do mưa lớn gây ra, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện, thị xã và thành phố, Công ty Điện lực Hưng Yên, Công ty TNHH một thành viên KTCTTL tỉnh, các chủ đầu tư xây dựng công trình khẩn trương triển khai thực hiện một số nội dung sau:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các Ban QLDA công trình, các chủ đầu tư các dự án nông nghiệp, giao thông liên quan tới các công trình thủy lợi khẩn trương đôn đốc các nhà thầu thi công phá bỏ các đập thi công, nạo vét ngay các đoạn san lấp, khơi thông dòng chảy trên các tuyến kênh mương như: Kênh Quyết Thắng, kênh Hiệp Hòa, cống Võng Phan... để kịp thời phòng, chống úng khi có mưa, bão xảy ra.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, ngập lụt để chỉ đạo, triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó bão, mưa lũ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản.

- Triển khai hiệu quả phương án phòng, chống úng vụ mùa 2024; kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu trên các tuyến đê, công trình thủy lợi; chỉ đạo các địa phương, đơn vị và người dân chủ động nạo vét, khơi thông các vị trí ách tắc dòng chảy, chủ động triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn, nhất là trong tình huống bão đổ bộ và mưa lớn kéo dài gây lũ trên hệ thống sông; khẩn trương thu hoạch các loại cây rau màu, hoa đã đến kỳ thu hoạch; đối với cây ăn quả, tập trung thu hoạch nhanh, gọn, đồng thời chủ động các phương án chằng, chống đề phòng mưa lớn, gió mạnh; đối với nuôi trồng thủy sản, chủ động thu hoạch khi đã đến kỳ thu hoạch, điều tiết nước trong các ao nuôi và có các phương án bảo đảm an toàn cho việc nuôi trồng thủy sản.

- Bố trí sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để hộ đê, kịp thời xử lý các sự cố công trình thủy lợi, đê điều ngay từ giờ đầu, bảo đảm an toàn cho các tuyến đê.

- Tăng cường công tác kiểm tra và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều, đặc biệt những công trình chính, quan trọng, những vị trí xung yếu; thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo đúng quy định của Luật Đê điều và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 06/01/2009.

- Chỉ đạo, đôn đốc các ban quản lý dự án và nhà thầu thi công xây dựng các công trình có liên quan đến công trình thủy lợi trên địa bàn chủ động có phương án và bảo đảm khơi thông dòng chảy, bảo đảm an toàn cho công trình đang thi công xây dựng và các công trình có liên quan.

- Phân công các đơn vị, cán bộ chuyên môn thường trực, trực ban để theo dõi chặt chẽ thông tin thời tiết, dự báo của các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, bám sát cơ sở và chỉ đạo của các cơ quan chuyên môn, nắm bắt tốt tình hình mưa, úng để có biện pháp chủ động ứng phó kịp thời và xử lý nhanh với ảnh hưởng xấu của thời tiết gây ra.

- Thường xuyên cập nhật và phản ánh tình hình ngập úng (về diện tích, các thiệt hại khác nếu có,...) và công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Chủ động tiêu thoát nước đệm phòng, chống ngập úng, triển khai các phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp; sẵn sàng tiêu úng khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp. Chuẩn bị sẵn sàng phương án, phương tiện sẵn sàng tiêu úng, bảo vệ cho cây trồng, cụ thể:

+ Cây lúa: Khoanh vùng những diện tích lúa mới cấy, diện tích lúa gieo thẳng, lúa cấy bằng mạ nền cứng dễ bị ngập úng để ưu tiên tiêu, thoát nước trước; những diện tích còn lại thoát nước sau. Sử dụng mạ dự phòng đã gieo để kịp thời cấy dặm, bổ sung cho những diện tích bị ngập úng mất lúa hoặc chủ động mua giống rau ngắn ngày để dự phòng khi úng ngập gây mất lúa từ giữa tháng 8 trở đi.

+ Cây rau màu: Thu hoạch kịp thời diện tích đã đến kỳ thu hoạch, hạn chế thiệt hại do mưa bão, đồng thời vun cao luống, khơi thông rãnh thoát nước, che chắn, buộc giàn trên diện tích rau, màu mới trồng, chưa đến kỳ thu hoạch... hạn chế ngập úng, giập nát khi có mưa to, gió lớn.

+ Cây ăn quả: Có phương án chằng, chống cho các loại cây trồng nhất là các loại cây dễ gãy, đổ như nhãn, chuối, đu đủ,... đề phòng mưa lớn, gió mạnh xảy ra; những cây cao, chống hướng gió có thể đốn, tỉa bớt những cành tán rậm rạp để giảm sức cản gió của cây, hạn chế gãy, đổ và rụng quả; khơi thông rãnh thoát nước, vun cao xung quanh tán không để ngập, úng ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây, sự phát triển của quả. Thu hoạch các diện tích cây ăn quả đã chín để hạn chế ảnh hưởng của mưa, bão. Khi xảy ra ngập, úng phải khẩn trương vận hành công trình để tiêu úng, bảo đảm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại.

3. Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hưng Yên:

- Triển khai hiệu quả phương án phòng, chống úng vụ mùa 2024.

- Chủ động rút nước đệm hợp lý trong hệ thống kênh mương nội đồng để phòng, chống và tiêu úng khi có mưa lớn xảy ra, vận hành tối đa công suất các trạm bơm tiêu để bảo đảm tiêu úng, nhất là đối với diện tích rau màu, hoa, cây cảnh, cây ăn quả.

- Khoanh vùng những khu vực có khả năng úng ngập cục bộ, khu vực khó khăn về tiêu úng để chủ động bố trí máy bơm dã chiến phục vụ bơm tiêu úng; cần lưu ý giải pháp bảo vệ cho các khu vực lúa mới gieo cấy, đặc biệt là gieo sạ.

- Thực hiện quản lý tài sản, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi theo đúng quy định; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và kịp thời ngăn ngừa các hoạt động gây ảnh hưởng đến việc vận hành, khai thác bảo đảm nhiệm vụ tưới, tiêu nước của công trình thủy lợi.

- Chủ động phối hợp với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu thi công xây dựng các công trình có liên quan đến công trình thủy lợi để kiểm tra, đôn đốc việc khơi thông dòng chảy, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi và phòng, chống úng.

- Tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi chặt chẽ thông tin thời tiết, mực nước trên các kênh trục, dự báo của các cơ quan dự báo khí tượng, thủy văn, bám sát cơ sở và chỉ đạo của các cơ quan chuyên môn, nắm bắt tốt tình hình vận hành công trình, mưa, úng để điều hành kịp thời, hiệu quả. Thường xuyên báo cáo tình hình ngập úng, công tác tiêu úng về Sở Nông nghiệp và PTNT.

4. Chủ đầu tư các công trình xây dựng đê điều, thủy lợi, giao thông và các công trình xây lắp khác chuẩn bị sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn cho công trình đê điều, thủy lợi, giao thông khi có sự cố xảy ra; bảo đảm tiêu thoát nước và giao thông được thông suốt, không làm ảnh hưởng đến việc chống úng, ngập khi có mưa lớn.

5. Đề nghị Công ty Điện lực Hưng Yên cấp điện cho các trạm bơm tham gia tiêu úng trên địa bàn tỉnh bảo đảm chất lượng điện và thời gian 24/24 giờ.

6. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hưng Yên: Thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến của bão, đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân chủ động phòng, tránh.

7. Tổ chức trực ban theo quy định và theo dõi tình hình diễn biến thiên tai, thiệt hại, tổng hợp báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (qua Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh; email: ccqlddhungyen@gmail.com).

Đề nghị các đơn vị quan tâm, tổ chức thực hiện.

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/ung-pho-bao-so-2-va-mua-lu-3173995.html