Ứng phó 'điểm rơi' của lao động mất việc
Số lao động làm hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp càng lúc càng tăng cho thấy, thị trường lao động đang dần 'ngấm đòn' từ đại dịch COVID- 19. Dẫu thị trường lao động được nhìn nhận đã có những dấu hiệu tích cực hơn sau khoảng thời gian giãn cách xã hội, nhưng theo các chuyên gia, nhà quản lý, đó mới chỉ là 'phần nổi của tảng băng chìm'. Số lao động mất việc sẽ tăng trong thời gian tới, nhất là trong những tháng của quý III/2020.
Lao động mất việc tăng mạnh
Từng gắn bó với một doanh nghiệp xây dựng hơn 10 năm qua, anh Phan Văn Hào (Cầu Giấy, Hà Nội) chưa từng nghĩ có ngày mình lại phải làm hồ sơ để xin được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Anh Hào cho hay, từ thời điểm cuối năm 2019 khi thị trường bất động sản giảm sút, tại các dự án công ty đang thầu xây dựng chỉ hoạt động cầm chừng.
Bước sang đầu năm 2020, vướng vào đại dịch COVID- 19, mọi hoạt động của công ty gần như tê liệt. “Từ khi có dịch COVID-19, công ty cắt giảm nhân sự cùng với việc tôi muốn tìm kiếm một công việc với môi trường mới nên quyết định nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp”, anh Hào nói.
Khó khăn việc làm của người lao động được thể hiện rất rõ từ việc, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã phải bố trí thêm 6 quầy làm thủ tục cho số lao động đến trụ sở chính 215 Trung Kính để làm hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp thời gian qua.
Theo con số của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, chỉ tính từ ngày 3 đến 15-6-2020, Trung tâm đã tiếp nhận thêm hơn 4.000 hồ sơ và đang làm thủ tục trình xin quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời gian mất việc. Hiện nay, hằng ngày trung tâm có hàng ngàn lao động đến làm thủ tục để được nhận chính sách này. Con số đáng chú ý là từ đầu tháng 5 đến nay, lượng người nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng cao so với cùng kỳ, cụ thể tăng khoảng 40%..
Theo Bộ LĐ-TB&XH, tính tới 12-6, cả nước có 1.383 đơn vị được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, tương ứng với 121.505 người lao động. Bên cạnh đó, số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trên cả nước cũng tăng lên 478.943 người.
Liên quan đến số lượng người nộp hồ sơ trợ cấp thất nghiệp, bà Nguyễn Thị Quyên, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, theo thống kê của các trung tâm dịch vụ việc làm 63 tỉnh, thành phố, đến trung tuần tháng 6- 2020, cả nước có gần 500 nghìn người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Chỉ tính đến tháng 5- 2020 tổng số người nộp hồ sơ xin nhân trợ cấp thất nghiệp là 343.376 người (tăng 18,7% so với cùng kỳ 5 tháng đầu năm 2019); với tổng số tiền là 6.028 tỷ đồng. Riêng trong tháng 5- 2020 số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 157.945 người bằng 144,2% so với tháng 5- 2019.
Sẽ tăng mạnh thời gian tới
Là cơ quan bảo vệ quyền lợi cho người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã có những khảo sát đánh giá cụ thể về đời sống, việc làm của người lao động. Theo bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), qua làm việc với các doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương thì các đơn hàng xuất khẩu đang giảm mạnh.
“Một số doanh nghiệp đã có phương án xây dựng cùng công đoàn để hỗ trợ cho người lao động, ít nhất thời gian qua, để duy trì việc làm với mức lương thấp nhất bằng mức lương tối thiểu vùng cho người lao động. Nhưng nếu tháng 7, 8 tới, nếu vẫn ảnh hưởng tới doanh thu thì doanh nghiệp sẽ có phương án sắp xếp lại lao động tùy thuộc vào các đơn hàng.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp với doanh nghiệp để nắm rõ được số lượng lao động sẽ bị mất việc làm thời gian tới, nhất là những tháng cuối năm 2020”, bà Ngân cho biết.
Để giải quyết khó khăn cho người lao động, bà Ngân thông tin, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ cùng với Bộ LĐ- TBXH sẽ có các phương án như hỗ trợ người lao động từ kinh phí quỹ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp để chuyển đổi đào tạo nghề cho người lao động, tham gia vào việc tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động.
Dự báo về thị trường lao động, việc làm thời gian tới, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó ban Chính sách (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cũng cho rằng, việc người lao động sẽ còn bị ảnh hưởng lâu dài chứ không chỉ là 6 tháng vừa qua. Ông Quang phân tích, 3 tháng đầu năm bước vào dịch, một số doanh nghiệp đã dần phải cho người lao động nghỉ hoặc làm việc theo ca. 3 tháng tiếp theo là đỉnh của dịch, phải thực hiện giãn cách xã hội.
“Chúng tôi cho rằng đó chưa phải là đỉnh điểm của mất việc. Các doanh nghiệp vẫn đang duy trì các đơn hàng từ trước đã ký được nên vẫn có việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, việc các thị trường tiếp nhận hàng xuất khẩu chủ yếu của chúng ta hiện nay, tình hình dịch COVID- 19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Thậm chí một số nước lại đang có dấu hiệu bùng phát dịch trở lại. Do đó, đơn hàng của doanh nghiệp sẽ hết dần trong những tháng tới đây. Khả năng chống chọi của các doanh nghiệp ra sao là vấn đề rất lớn và điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc làm và thu nhập của người lao động. Điều này sẽ thể hiện rõ nhất trong tháng 7, 8, 9 tới đây. Đây có thể sẽ là đỉnh điểm của việc người lao động mất việc nhiều hơn”, ông Quang dự báo.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/thi-truong/ung-pho-diem-roi-cua-lao-dong-mat-viec-599391/