Ứng phó hiệu quả với bão số 4, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản
Trước diễn biến phức tạp của bão số 4, các đơn vị BĐBP từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đã chủ động triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất, không để bị động, bất ngờ, đặt mục tiêu bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân lên trên hết, trước hết nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước. Với tinh thần 'Giúp dân, cứu dân là mệnh lệnh trái tim', hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đã không quản ngại khó khăn, gian khổ sát cánh cùng chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang địa phương chạy đua với thời gian để thực hiện tốt nhiệm vụ khẩn cấp này.
Bão số 4 được cảnh báo là cơn bão mạnh nhất trong gần 20 năm qua và sẽ đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh miền Trung nước ta. Trước diễn biến phức tạp của bão số 4, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận duy trì nghiêm quân số theo quy định, đảm bảo phương tiện để phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng triển khai các mặt công tác sát với tình hình thực tế.
Cụ thể, các đơn vị BĐBP đã duy trì 2.568 cán bộ, chiến sĩ với 257 phương tiện (143 tàu, xuồng, 114 ô tô các loại) để chủ động giúp dân ứng phó, sẵn sàng tham gia xử lý khi có tình huống xảy ra. Tại những địa bàn trọng điểm được xác định sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp khi bão số 4 đổ bộ vào đất liền như Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận, đơn vị phụ trách. Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố đã thành lập các đoàn công tác trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị triển khai nhiệm vụ.
Thượng tá Hồ Sỹ Hậu, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP thành phố Đà Nẵng cho biết: “Trước diễn biến phức tạp của bão số 4, chúng tôi đã chỉ đạo các đồn Biên phòng, đơn vị cơ sở chủ động triển khai nhiệm vụ theo đúng kế hoạch đã được đề ra và sát với tình hình thực tế. Thành phố Đà Nẵng có số lượng lớn tàu thuyền, cư dân sống ven biển đông đúc, khối lượng công việc phải chuẩn bị trước khi bão đổ bộ là rất lớn. Chính vì vậy, chúng tôi đã động viên cán bộ, chiến sĩ các đơn vị khắc phục khó khăn để chủ động bám địa bàn, bám cơ sở hỗ trợ nhân dân với tinh thần khẩn trương nhất”.
Khi cơn bão mới hình thành, chính thức đi vào Biển Đông, các đơn vị BĐBP tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền của ngư dân vào bờ tránh trú. Công tác kêu gọi tàu thuyền không chỉ được thực hiện qua kênh thông tin liên lạc tại các đơn vị, mà cán bộ BĐBP phụ trách địa bàn thông qua thân nhân gia đình chủ tàu, ngư dân để kết nối, thông báo cho lao động trên tàu về tình hình bão số 4 để khẩn trương tránh trú. Nhờ vậy, phần lớn tàu thuyền của ngư dân đánh bắt hải sản ở khu vực biển miền Trung đều đã nắm bắt được thông tin, hướng đi của bão số 4 và cho tàu thuyền về nơi neo đậu an toàn hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.
Tại các điểm neo đậu tàu thuyền, các đơn vị BĐBP phối hợp với chính quyền địa phương, ban quản lý các khu neo đậu yêu cầu ngư dân đưa tàu thuyền vào nơi quy định, phòng ngừa cháy nổ và đảm bảo an ninh, trật tự. Khu vực gần bờ, nơi có diện tích nuôi trồng thủy sản, các đơn vị thông báo, yêu cầu nhân dân phải vào tìm nơi tránh trú trước khi bão đổ bộ. Trên cơ sở nắm chắc tình hình địa bàn, dân cư, các đồn Biên phòng đã kịp thời tham mưu và cùng chính quyền địa phương, lực lượng chức năng hỗ trợ nhân dân gia cố nhà cửa. Đặc biệt, có phương án tổ chức di dân tại khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An phụ trách địa bàn phường Thuận An, xã Hải Dương, thành phố Huế và 2 xã Phú Thuận, Phú Hải, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trên địa bàn có dân cư đông đúc, phân bố chủ yếu sát theo chiều dài bờ biển, cuộc sống người dân chủ yếu dựa vào nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản. Hằng năm, khi mùa mưa bão đến, nhân dân địa phương luôn phải đối diện với nhiều nỗi lo lớn. Đặc biệt, “siêu bão” số 4 đang tiến vào Biển Đông nước ta và được cảnh báo sẽ tác động lớn đến vùng biển tỉnh Thừa Thiên Huế, có thể gây nguy hiểm về tính mạng, tài sản của nhân dân.
“Trong những ngày qua, phần lớn quân số của đơn vị đều được điều động tăng cường bám địa bàn thực hiện nhiệm vụ, trọng tâm là kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền của ngư dân vào nơi neo đậu an toàn. Tổ chức giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát, kiên quyết di dời các hộ dân ở vị trí xung yếu đến nơi an toàn” - Thiếu tá Lê Văn Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An cho biết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Tiến Thùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, huyện Phú Vang cho biết: “Trước diễn biến phức tạp của bão số 4, chúng tôi đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện các biện pháp để chủ động ứng phó, giảm nhẹ thiên tai. Những ngày qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An đã sát cánh cùng chính quyền địa phương triển khai tốt các nhiệm vụ được giao. Trong những ngày tới, các lực lượng sẽ bám sát địa bàn để xử lý các tình huống phát sinh với quyết tâm đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân”.
Viết Lam - Văn Chương
Triển khai ứng phó với bão số 4, ngày 26/9, Bộ Tư lệnh BĐBP đã có điện chỉ đạo các đơn vị BĐBP từ Thanh Hóa đến Bình Thuận và BĐBP Gia Lai, Kon Tum chủ động triển khai các biện pháp ứng phó trên cơ sở thực tế của đơn vị. Đồng thời duy trì nghiêm chế độ trực, sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia xử lý khi có tình huống, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng tham gia giúp dân chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu, thuyền; sẵn sàng đón nhân dân vào tránh trú bão theo khả năng của đơn vị.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, BĐBP các tỉnh, thành phố tuyến biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đã tổ chức bắn pháo hiệu báo bão tại 33 điểm. Các đơn vị BĐBP cũng phối hợp với địa phương, gia đình các chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 57.840 phương tiện với 299.678 người biết hướng đi của bão số 4 để chủ động di chuyển, vòng tránh, thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
Trước khi bão số 4 đổ bộ vào đất liền, BĐBP các tỉnh, thành phố ven biển từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa đã điều 1.802 cán bộ, chiến sĩ với 31 phương tiện tham gia giúp di dời 2.285 hộ dân đến nơi sơ tán tránh trú; chằng chống 914 nhà dân, neo buộc 6.254 lồng bè, kéo 1.326 phương tiện lên bờ an toàn; thu hoạch 5ha hoa màu các loại; neo buộc, sắp xếp cho 1.840 tàu thuyền các loại và gia cố hơn 440m đê, kè bờ biển.
Theo thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo duy trì 244.768 cán bộ, chiến sĩ với 2.921 phương tiện ứng trực sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định đã rà soát, sẵn sàng sơ tán dân bị ảnh hưởng do bão với tổng số 114.036 hộ/398.556 người. Bích Nguyên