Ứng phó linh hoạt để đẩy mạnh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN - PTNT) ngày 5.7 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Lê Minh Hoan yêu cầu các đơn vị liên tục cập nhật chính sách nông nghiệp của các quốc gia, đưa ra các giải pháp ứng phó linh hoạt, phù hợp để đẩy mạnh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Trong 6 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp đạt tăng trưởng GDP khá cao 3,07%; trong đó, nông nghiệp tăng 3,14%; lâm nghiệp tăng 3,43%; thủy sản tăng 2,77%; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 đạt 24,59 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Ngành đã bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm trong mọi tình huống, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tuy giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giảm, nhưng nhóm nông sản chính tăng rất cao so với nhiều năm trở lại đây, đạt 12,79 tỷ USD, tăng 12%.

Số xã, huyện đạt chuẩn và hoàn thành xây dựng nông thôn mới tăng, sản phẩm đạt chuẩn OCOP tăng mạnh; đến hết tháng 6, cả nước có 6.011/8.177 xã (73,5%) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 0,43% so với cuối năm 2022). Các địa phương công nhận 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (trong đó 42 sản phẩm 5 sao) với 5.069 chủ thể tham gia. Sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân tín nhiệm. Các sản phẩm OCOP 5 sao đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước tin tưởng, lựa chọn làm quà tặng trong các hội nghị quan trọng và các chuyến công tác nước ngoài.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng chỉ ra, các đơn vị cần tận dụng các hiệp định thương mại tự do để xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường, tăng cường xuất khẩu nông sản đa giá trị; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng mới, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc xuất khẩu; bên cạnh xuất khẩu cũng cần quan tâm nhiều hơn đến thị trường trong nước.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, cần tiếp cận tốt hơn với thị trường trong nước thông qua các kênh thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội tương tác. Điển hình gần đây, tỉnh Bắc Giang chủ động kết nối nhiều hình thức đa dạng, mới lạ, thu hút sự tham gia của các nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, đến từ nhiều vùng miền khác nhau để xúc tiến tiêu thụ vải thiều.

“Các kênh bán hàng, các hình thức thương mại điện tử, giới thiệu, quảng bá nông sản tương tác đa chiều trên mạng xã hội, không phải là mục tiêu cuối cùng, mà là “chiếc cầu” để người nông dân chủ động nâng cấp, cập nhật, mở những con đường khác để nông sản ra thị trường”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay.

Về sản xuất, Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu theo dõi sát tình hình thời tiết, bão lũ, thiên tai, nguồn nước, xâm nhập mặn để kịp định hướng thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp; chủ động trong ứng phó, xây dựng các phương án kiểm soát rủi ro thiên tai; ngành chăn nuôi cần kiểm soát tốt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, tăng đàn gia súc, theo dõi diễn biến cung cầu mặt hàng thịt lợn, tránh tăng đột biến về giá cả.

Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị đề xuất các giải pháp đáp ứng, bảo đảm các yêu cầu mới về sản xuất kinh doanh, tiêu thụ nông sản, gắn với việc tuân thủ cam kết chống phá rừng; thực hiện Kế hoạch hành động nói không với khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của EC.

Các đơn vị quan tâm đến khuyến nông, quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm; quản lý tốt việc cấp mã vùng trồng, vùng nuôi, hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh thêm, các đơn vị phải hoàn thành đúng tiến độ, có chất lượng các chương trình, đề án, văn bản; trong đó có 4 quy hoạch ngành cấp quốc gia; chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đề án Phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long; đề án phát triển logistics gắn với vùng sản xuất, kinh doanh nông nghiệp...

Kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế trong nước đang trong quá trình phục hồi, nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức do tăng trưởng kinh tế chậm lại; sức chống chịu của doanh nghiệp đã tới hạn, tạo thách thức rất lớn để duy trì sản xuất kinh doanh; mặc dù vậy nhưng Bộ NN - PTNT vẫn phấn đấu trong 6 tháng cuối năm để tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành cả năm đạt từ 3 - 3,5%, giá trị xuất khẩu đạt từ 54 - 55 tỷ USD.

Để hoàn thành cao nhất các mục tiêu đã đề ra, ngành nông nghiệp tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các luật, chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành theo định hướng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Minh Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/ung-pho-linh-hoat-de-day-manh-xuat-khau-nong-lam-thuy-san-i335098/