Ứng phó sạt lở ĐBSCL: Nơi thích ứng, nơi 'căng mình' chịu trận
Có những nơi sạt lở đã chực chờ uy hiếp đời sống người dân nhưng chưa thể triển khai các giải pháp căn cơ.
Đến xã Vĩnh Hải (thị xã Vĩnh Châu, huyện Sóc Trăng) đứng trước những cánh rừng phòng hộ bạt ngàn cây đước, mắm lấn ra biển hàng trăm mét ít ai biết rằng, khoảng 15 năm trước, khu vực này là bãi đất trống, mỗi lần thủy triều lên, sóng biển cuốn trôi cả hoa màu, uy hiếp đến tính mạng của người dân địa phương. Những tán rừng đang ngày đêm lấn biển này còn đang là sinh kế của rất nhiều hộ dân. Kết quả đó đến từ mô hình đồng quản lý rừng ven biển được triển khai từ hơn 10 năm trước.
Ông Thạch Soal, người dân tộc Khmer, Trưởng nhóm đồng quản lý rừng ngập mặn ven biển ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải cho biết, ngày trước, vì đời sống khó khăn, nhiều người dân chặt phá rừng làm củi hoặc bán để lo cuộc sống. Khi mô hình được triển khai, bà con dần nhận thức được tầm quan trọng của rừng. Thực tế, khi những tán rừng hình thành bà con được khai thác thủy sản dưới tán rừng, có thêm sinh kế nên lại càng có ý thức, thậm chí họ tình nguyện tham gia bảo vệ rừng. Những “tấm khiêng rừng phòng hộ” đang che chở, bảo vệ hàng ngàn hộ dân mà trước đây họ cứ phải thấp thỏm sống cạnh sóng biển do sạt lở.
"Khi nào rừng rậm rạp thì mình sống cũng yên tâm, không lo sợ sóng gió, đê biển cũng được bảo vệ"- ông Thạch Soal chia sẻ.
Sự hài hòa lợi ích của mô hình Đồng quản lý rừng đã giúp những tán rừng ngập mặn ven biển tỉnh Sóc Trăng ngày càng lấn dài ra biển. Khoảng 10 năm nay, tỉnh đã phát triển được gần 1.000 ha rừng. Đây được xem là mô hình “kiểu mẫu” để các tỉnh ven biển trong vùng học tập kinh nghiệm. Tuy nhiên, thực tế tình hình sạt lở ven biển ở các tỉnh trong vùng ĐBSCL khác nhau về tính chất, mức độ nên không phải nơi nào cũng thực hiện được. Như tại Cà Mau, từ năm 2007 đến nay sạt lở đã làm mất khoảng 9.000 ha đất rừng nhưng việc phát triển trồng rừng ven biển như Sóc Trăng không khả thi. Bởi bờ biển Cà Mau nhiều năm nay đa phần chỉ lở, không có bãi bồi để trồng rừng.
Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau cho biết, để bảo vệ đê phòng hộ và tính mạng, tài sản người dân, những điểm sạt lở nguy cấp nhất của tỉnh đã được triển khai nhiều giải pháp kè. Trong đó, có khoảng 21 km kè ngầm tạo bãi đã phát huy hiệu quả. Dễ thấy nhất là đoạn kè trong Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, đoạn kè thuộc xã Khánh Tiến – Khánh Hội (huyện U Minh) bãi bồi đã hình thành với chiều dài trung bình 100 mét, khoảng 100 ha rừng đã được tái tạo.
Ông Nam thông tin thêm, toàn tỉnh Cà Mau còn khoảng 33 km đường bờ biển và khoảng 24 km bờ sông sạt lở ở mức nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng. Nhiều khu dân cư tập trung tiềm ẩn nguy cơ bị sạt lở cao nhưng chưa thể di dời do nguồn lực của địa phương không đảm bảo, còn nguồn hỗ trợ từ trung ương chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu cấp thiết nên phải chọn lọc thực hiện.
"Mình tuyên truyền, vận động người dân sơ tán, ai có đất thì di dời lên. Về lâu dài, nhu cầu cần có khu dân cư tập trung để sắp xếp, đưa bà con vào. Trước mắt, những nơi nào ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng, lộ, trường thiết yếu, nơi nào thật cần thiết thì làm giải pháp công trình bảo vệ"- ông Nam cho biết.
Cũng như Cà Mau, thời gian qua, tỉnh Bến Tre chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của sạt lở cả bờ sông và bờ biển. Năm 2019, địa phương này cũng là một trong số nhiều tỉnh đã phải công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển. Vừa qua, tỉnh đã kiến nghị Trung ương xem xét hỗ trợ kính phí khoảng 325 tỷ đồng để triển khai các giải pháp chống sạt lở khu vực đặc biệt nghiêm trọng và vẫn đang chờ nguồn vốn.
Nguyên nhân xảy ra sạt lở được cơ quan chức năng tỉnh Bến Tre đánh giá là do sự biến đổi dòng chảy trực tiếp dẫn đến sạt lở. Còn đối với sạt lở sông rạch, tình trạng bơm hút cát cũng là tác nhân chính. Từ đó, các ngành, các cấp và người dân địa phương đã tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, xử lý việc khai thác cát trái phép. Đầu năm nay, Công an tỉnh đã khởi tố 8 bị can có liên quan đến vụ án khai thác tài nguyên cát tại sông Hàm Luông và Cổ Chiên. Từ đó, tình trạng sạt lở của địa phương có phần giảm nhiệt.
"Nếu xảy ra sạt lở có đoàn đến khảo sát, nếu sạt lở lớn thì mời các ngành tỉnh cùng tham gia để đánh giá, khắc phục. Xây bờ kè thì hiệu quả nhưng cũng tùy theo khu vực, không phải chỗ nào cũng làm kè hết vì làm kè rất tốn kinh phí"- ông Phạm Anh Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách – huyện từng được xem là “điểm nóng” sạt lở của tỉnh Bến Tre cho biết.
Trong vùng ĐBSCL, tỉnh An Giang đang là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi sạt lở bờ sông với 52 điểm, chiều dài khoảng 170 km. Mới đây nhất, vào ngày 20-7, tại huyện Châu Phú của tỉnh lại xảy ra 3 vụ sạt lở. Trước “bài toán sạt lở khó giải”, UBND tỉnh An Giang đã mạnh dạn đề xuất thực hiện chỉnh trị dòng chảy.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, một trong những nguyên nhân chính gây xói lở bờ phải QL91 là do xuất hiện dòng chảy xoắn có tốc độ lớn. Chiều rộng lòng sông Hậu qua khu vực này đã bị thắt hẹp, làm gia tăng vận tốc dòng chảy nên giải pháp kiên cố hóa chỉ bảo vệ cục bộ, tạm thời. Phương án chỉnh trị dòng chảy được thực hiện theo hướng nạo vét, mở rộng lòng sông để giảm tốc độ dòng chảy, đảm bảo hướng lâu dài cho cả khu vực.
Tuy nhiên, việc chỉnh trị dòng chảy rất phức tạp, chưa có tiền lệ ở An Giang nên cần được nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng ở nhiều phương diện. Hơn 8.000 hộ dân sống trong vùng rủi ro thiên tai sạt lở đặc biệt nguy hiểm của tỉnh An Giang vẫn đang tiếp tục với nỗi lo sạt lở bờ sông và chờ một giải pháp căn cơ. Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, giải pháp chỉnh trị dòng chảy là tối ưu, nhằm giảm gánh nặng về vốn, tỉnh đề xuất xã hội hóa dự án.
"Về xử lý khắc phục sẽ có hai nhóm. Nhóm thứ nhất là chỉnh trị dòng chảy, hay nói cách khác là xử lý mà không tốn tiền, đó là ưu tiên 1. Trọn ra những vị trí để đưa vào trong các dự án xã hội hóa, kết hợp việc chỉnh trị dòng chảy để nạo vét tận thu khoáng sản. Chỉ cần nạo vét xong, chỉnh trị dòng chảy là hạn chế sạt lở"- ông Trần Anh Thư cho biết.
Thực trạng sạt lở bờ sông, bờ biển đang làm ảnh hưởng trực tiếp đời sống hàng chục ngàn hộ dân vùng ĐBSCL. Ngành chức năng các tỉnh trong vùng đã triển khai nhiều giải pháp nhưng đa số các giải pháp chỉ mang tính tạm thời, khắc phục cục bộ. Thực trạng sạt lở vẫn đang đang diễn ra thường xuyên, liên tục, không chỉ người dân “như ngồi trên lửa” mà cơ quan chức năng các địa phương cũng “đứng ngồi không yên”./.