Ứng phó với bão số 2: Chủ động phòng, chống sạt lở đất đá và cảnh báo mưa lũ trên các sông

Để ứng phó với bão số 2, các tỉnh, thành phố đã chủ động phòng, chống sạt lở đất đá và cảnh báo mưa lũ trên các sông.

Sạt lở đất, đá gây ách tắc đường lên Sa Pa (Lào Cai)

Sáng 23-7, ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lào Cai cho biết, khoảng 19 giờ 45 phút ngày 22-7, tại Km127+700, Quốc lộ 4D (đoạn thuộc xã Cốc San, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai) xảy ra sạt lở đất đá kèm theo đổ cây từ taluy dương đã gây tắc đường, ảnh hưởng đến quá trình tham gia giao thông của người dân.

Ngay sau khi nhận được thông tin, các lực lượng chức năng đã khẩn trương có mặt tại hiện trường, chủ động lập gác chặn, cắm biển cảnh báo 2 đầu đường không cho người điều khiển phương tiện di chuyển vào đoạn đường đang sụt, sạt. Tuy nhiên, do đất đá tại điểm sạt lở vẫn tiếp tục rơi và tràn ra lòng đường nên lực lượng chức năng đã triển khai phong tỏa hai đầu điểm sạt lở để phân luồng giao thông, không cho người và phương tiện đi qua nhằm đảm bảo an toàn; đồng thời hướng dẫn người điều khiển phương tiện di chuyển theo đường tỉnh lộ 155 mới.

Hiện, các đơn vị chức năng tiếp tục theo dõi và chuẩn bị nhân lực, phương tiện sẵn sàng khi an toàn sẽ khẩn trương dọn dẹp thông đường.

Theo dự báo, từ chiều tối 23 đến ngày 24-7, do chịu ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với cơn bão số 2 trên vịnh Bắc Bộ có xu hướng nâng trục dần lên phía Bắc nên các địa phương trong tỉnh Lào Cai có mưa, mưa vừa và dông rải rác, có nơi mưa to đến rất to tập trung tại các huyện: Mường Khương, Bát Xát, Si Ma Cai, Bắc Hà, Bảo Yên, Văn Bàn và thị xã Sa Pa. Do đó, khả năng sạt lở đất, đá từ trên núi cao xuống lòng đường là rất cao. Người dân cần chủ động khi tham gia giao thông để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Ảnh minh họa / Vietnam+

Ảnh minh họa / Vietnam+

Thanh Hóa cảnh báo mưa lũ trên các sông

Theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn Thanh Hóa, từ ngày 23 đến 24-7, trên các sông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khả năng xảy ra một đợt lũ với biên độ lũ lên tại các trạm thượng lưu và các sông nhỏ 2 - 4 m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên thượng lưu sông Mã và các sông nhỏ có khả năng đạt mức báo động 1.

Trong sáng 23-7, trên vùng biển ven bờ Thanh Hóa (bao gồm đảo Hòn Nẹ, Hòn Mê, Hòn Miếu và Hòn Đót) có gió cấp 5, có lúc cấp 6, biển động nhẹ, sóng biển cao 0,7 - 1,5 m. Vùng biển ngoài khơi Thanh Hóa, gió cấp 6 - 7, giật cấp 8, biển động mạnh, sóng biển cao 1,5 - 3 m. Toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác trên vùng biển Thanh Hóa đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.

Theo báo cáo nhanh của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh có 6.037 phương tiện với 21.691 lao động. Đến sáng 23-7, hầu hết các phương tiện đã vào nơi trú ẩn an toàn. Hiện còn 27 phương tiện với 171 lao động đang hoạt động gần bờ (trên vùng biển Thanh Hóa, Nghệ An). Các phương tiện vẫn thường xuyên giữ liên lạc với cơ quan chức năng, gia đình, chính quyền địa phương.

Hải Dương chủ động ứng phó với bão số 2

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hải Dương, do ảnh hưởng của bão số 2, khu vực Đông Bắc tỉnh gồm thành phố Chí Linh, các huyện, thị xã Kinh Môn, Kim Thành, Nam Sách, Thanh Hà có lượng mưa phổ biến 80 - 150 mm có nơi trên 150 mm. Khu vực Tây Nam tỉnh gồm các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Thanh Miện, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Ninh Giang và thành phố Hải Dương có lượng mưa phổ biến 100 - 200 mm, có nơi trên 200 mm.

Để chủ động ứng phó những tình huống do mưa, lũ sau bão số 2 gây ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương yêu cầu, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố, các cấp, ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ sau bão; có phương án bảo vệ rau màu, cây ăn quả, lúa mới gieo cấy; chú ý phương án chống úng các khu vực trũng thấp, phòng, chống ngập úng đô thị, khu nuôi trồng thủy sản tập trung; rà soát, bảo đảm an toàn hồ đập, đê điều...

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã bổ sung trang bị, công cụ cho các đội tuần tra, canh gác đê; kiểm tra, rà soát toàn bộ công trình thủy lợi, hồ đập, xác định trọng điểm để chủ động ứng phó bảo đảm an toàn công trình; cảnh báo sớm cho người dân vùng hạ du trước khi hồ chứa xả lũ hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố; kịp thời xử lý tình huống bất thường theo phương châm “4 tại chỗ”...

TTXVN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/ung-pho-voi-bao-so-2-chu-dong-phong-chong-sat-lo-dat-da-va-canh-bao-mua-lu-tren-cac-song-786521