Ứng phó với chính sách thuế quan của Mỹ: Trong nguy có cơ

Việc Mỹ áp thuế đối ứng với Việt Nam được đánh giá là thách thức đối với hàng hóa xuất khẩu, tuy nhiên, trong nguy luôn có cơ. Đây chính là thời điểm để chúng ta nhìn lại chiến lược phát triển, nâng cao năng lực nội tại, chủ động thích ứng với những biến động.

Nhận diện thách thức

Ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định: Tình hình thương mại quốc tế diễn biến khó lường, nhất là trong bối cảnh Mỹ công bố áp dụng chính sách thuế quan mới đối với hàng hóa của nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam.

Mức thuế bổ sung sẽ có những tác động bất lợi, ảnh hưởng lớn đến hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ như: Dệt may, da giày chiếm 21,9%; Gỗ và sản phẩm từ gỗ chiếm 7,58%; Nông - thủy - hải sản chiếm 3,45%... Khi bị áp dụng chính sách này, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ khó cạnh tranh hơn với hàng hóa nội địa và hàng hóa từ các nước khác được áp mức thuế thấp hơn khi nhập khẩu vào Mỹ. Điều này gây áp lực lớn cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam.

Xuất khẩu hàng hóa đối diện nhiều áp lực, song cũng có nhiều cơ hội để bứt phá. Ảnh: Quang Vinh.

Xuất khẩu hàng hóa đối diện nhiều áp lực, song cũng có nhiều cơ hội để bứt phá. Ảnh: Quang Vinh.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, thuế đối ứng của Mỹ tác động trực tiếp tới DN sản xuất, xuất khẩu đi Mỹ, trong đó tác động đặc biệt lớn về cạnh tranh, thị phần, chuỗi cung ứng. Các DN tham gia chuỗi sản xuất xuất khẩu hàng hóa đi Mỹ cũng bị tác động gồm DN cung ứng nguyên phụ liệu, DN tham gia phối hợp sản xuất (gia công, đóng gói…) và DN dịch vụ hỗ trợ như hậu cần, logistics, tài chính…

Ông Tuấn dẫn chứng, với tỉnh Bình Dương, thị trường Mỹ chiếm khoảng 43% kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Trong vòng 3 ngày sau sắc lệnh thuế đối ứng của Mỹ (5 – 8/4/2025), 44 tờ khai xuất khẩu trị giá hơn 708 triệu USD bị hủy, 273 đơn hàng bị khách hàng Mỹ thông báo hủy hoặc tạm dừng. Cùng với đó, ngành gỗ nếu áp thuế trên 10% sẽ giảm 30 – 40% sức cạnh tranh.

TS Cấn Văn Lực -Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cũng cho rằng, xuất khẩu có thể giảm do nhu cầu yếu đi, vốn đầu tư nước ngoài (kể cả từ Mỹ) bị ảnh hưởng vì tâm lý nhà đầu tư, rủi ro chính sách toàn cầu và chính sách khuyến khích sản xuất tại Mỹ. Xu hướng tăng bảo hộ thương mại, kiểm soát xuất khẩu và điều tra (trốn thuế, nguồn gốc xuất xứ, trung chuyển) sẽ gây ra rủi ro bị áp thuế đối ứng và hạn chế xuất khẩu công nghệ cao. Cạnh tranh hàng hóa từ các nước khác xuất khẩu sang Việt Nam do thừa cung nhất là từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong nguy luôn có cơ. TS Cấn Văn Lực cho rằng đây là thời điểm để chúng ta nhìn lại chiến lược phát triển, nâng cao năng lực nội tại, chủ động thích ứng và định vị lại vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Lực chỉ ra Việt Nam có một số cơ hội nhất định trong việc mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác khi họ tìm nguồn thay thế. Việt Nam cũng có cơ hội từ xu hướng dịch chuyển đầu tư, chuỗi cung ứng.

Doanh nghiệp chủ động ứng phó

Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp cá tra lớn nhất cho thị trường Mỹ. Việc Mỹ hoãn thuế 90 ngày mang lại tâm lý tích cực hơn cho thị trường. Đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) nhìn nhận, có thể coi đây là “thời gian vàng” để cả Việt Nam và Mỹ tiếp tục đàm phán, hướng tới khả năng kéo dài thời hạn hoặc lý tưởng hơn là loại bỏ hoàn toàn thuế đối ứng, tức giảm về 0%. Bên cạnh đó, thời điểm này cũng là lúc để các DN tái cấu trúc chiến lược, tìm kiếm thị trường và đối tác thay thế, nhằm xây dựng một hệ thống đủ sức chống chịu trong kịch bản chiến tranh thương mại kéo dài.

Vasep khuyến nghị DN cá tra Việt Nam nên tập trung đẩy nhanh các lô hàng còn đang trong quá trình trung chuyển, vận chuyển đến quốc gia tiêu thụ đích, ít nhất là trong 90 ngày tới để hạn chế tối đa rủi ro bị áp thuế cao. Đồng thời, tích cực chủ động chuẩn bị phương án để tìm kiếm, mở rộng, thay thế thị trường Mỹ bằng các thị trường khác như ASEAN, Trung Đông...

Trong vòng xoáy thuế quan, nhiều DN cũng đã chủ động ứng phó. Tổng Giám đốc Hòa Phát Nguyễn Việt Thắng cho biết, hiện Hòa Phát xuất khẩu các sản phẩm đến 40 nước trên thế giới. Việc chia nhỏ thị trường giúp DN giảm thiểu được tác động khi khi thị trường có biến động.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, chiến tranh thương mại – công nghệ gia tăng sẽ diễn ra xu hướng dịch chuyển một phần dòng vốn đầu tư, chuỗi cung ứng. Việt Nam có lợi thế thu hút dòng vốn đầu tư đó nếu thuế đối ứng thấp. Ngoài ra, việc nới lỏng xuất khẩu sản phẩm dầu khí, LNG, yêu cầu về xanh hóa… cũng là cơ hội để Việt Nam có thể nhập khẩu LNG, DN Việt có lộ trình đáp ứng yêu cầu xanh hóa.

Giới chuyên gia khuyến cáo, các DN nên tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất… tiết giảm chi phí, tinh giản quy trình, bộ máy. Nắm bắt các xu hướng lớn chuyển đổi kép xanh hóa và số hóa để xây dựng và thực hiện chiến lược chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và ESG (tiêu chuẩn về Môi trường - Xã hội - Quản trị DN). Nâng cao năng lực cạnh tranh gồm cả quản lý rủi ro, nhất là rủi ro tài chính, tỷ giá, pháp lý; minh bạch xuất xứ hàng hóa, mức độ trung chuyển, gian lận thương mại; đáp ứng yêu cầu xanh hóa, tiêu chuẩn môi trường…

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, yêu cầu đặt ra là DN phải nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động kinh doanh. Đây là yếu tố then chốt để DN Việt Nam bảo vệ lợi ích chính đáng của mình trong các tranh chấp thương mại quốc tế, đồng thời tăng uy tín quốc gia. Chủ động nâng cấp chất lượng sản phẩm, tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn về môi trường, lao động và nguồn gốc xuất xứ, từ đó không chỉ đối phó với thuế quan hiện tại mà còn đón đầu các xu thế thương mại bền vững trong tương lai.

Hiện Mỹ đang tạm dừng áp thuế đối ứng trong 90 ngày để các nước đàm phán. Theo các chuyên gia, quá trình chuẩn bị và đàm phán này sẽ là giai đoạn quyết định. TS Cấn Văn Lực cũng đề nghị chủ động giải quyết kịp thời, hợp lý các quan ngại, vướng mắc từ phía Mỹ quan tâm. Việt Nam cần có phương án đàm phán nhanh, hiệu quả với những cam kết, giải pháp và lộ trình cụ thể để đạt được kịch bản thuế suất thấp hơn 20-25%. Về lâu dài, nâng năng lực thích ứng và tăng sức chống chịu của khu vực DN là yếu tố then chốt để Việt Nam vượt qua cú sốc hiện tại và vươn lên mạnh mẽ hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

T.Hằng – P.Vân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ung-pho-voi-chinh-sach-thue-quan-cua-my-trong-nguy-co-co-10304690.html