Ứng phó với dịch bệnh: Các trường đại học dần chuyển sang thế chủ động
Theo số liệu từ Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong hệ thống các cơ sở giáo dục đại học, hiện có hơn 70 nhà trường đã tổ chức dạy, học trực tuyến cho sinh viên. Có thể nói, các cơ sở giáo dục đại học khi ở tình thế phải thực hiện kế hoạch học tập trong điều kiện phòng, chống dịch, đang dần giành được sự chủ động, để vừa có thể bảo đảm chất lượng dạy-học, vừa bảo đảm an toàn cho người học, cán bộ, giảng viên.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, để bảo đảm an toàn cho sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh, Trường đại học Kinh tế quốc dân đã ra thông báo tiếp tục tạm hoãn tổ chức học tập tập trung từ ngày 23-3 đến hết ngày 5-4. Trong thời điểm này nhà trường không tiếp nhận sinh viên vào ký túc xá, các cuộc họp có quy mô trên 40 người tham dự sẽ chuyển sang hình thức họp trực tuyến.
Cũng tương tự, Trường đại học Sư phạm Hà Nội hiện thông báo sinh viên, học viên không lên giảng đường cho đến khi có thông báo tiếp theo của nhà trường.
Không chỉ hai trường nói trên, rất nhiều các cơ sở giáo dục đại học đến thời điểm này chưa thể cho sinh viên trở lại học tập tập trung. Nhưng cho sinh viên nghỉ học không có nghĩa là các hoạt động đào tạo phải dừng lại. Trong thời gian không học tập trung tại giảng đường, Trường đại học Kinh tế quốc dân áp dụng cho tất cả các lớp học phần học theo hình thức Blended learning. Cán bộ, viên chức, giảng viên của nhà trường làm việc bình thường và cũng thực hiện giảng dạy theo hình thức Blended learning.
Đối với Trường đại học Sư phạm Hà Nội, sinh viên được tổ chức học online theo hướng dẫn của giảng viên trên hệ thống e-learning. Bên cạnh đó, là nơi tập trung các nhà sư phạm đa lĩnh vực, giảng viên của trường còn xây dựng kho học liệu học trực tuyến với các bài giảng được biên soạn bám sát theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, với các công cụ quản lý lớp học để cung cấp cho giáo viên, học sinh các cấp học phổ thông.
Tại Trường đại học Mở Hà Nội, trong thời điểm dịch đang diễn biến phức tạp, sinh viên vẫn học theo thời khóa biểu bình thường qua hình thức học trực tuyến. Trên hệ thống đào tạo trực tuyến, giảng viên thực hiện điểm danh sinh viên, xuất báo cáo, chấm điểm, ghi nhận kết quả học tập của sinh viên.
Hiện nay, theo số liệu do Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, trong hệ thống đã có 84 cơ sở giáo dục đại học đã và đang tổ chức học tập trung, hơn 70 cơ sở dạy, học trực tuyến…. Những trường còn lại đang tích cực chuẩn bị điều kiện để sớm triển khai kế hoạch dạy học trực tuyến, từ xa hoặc luân phiên kết hợp giữa đào tạo trực tuyến (lý thuyết) với học tập trung (thực hành, thí nghiệm) để bảo đảm chương trình và giảm lượng học tập trung…
“Có thể nói, các trường đang dần chuyển từ thế bị động sang thế có kế hoạch chủ động ứng phó với dịch bệnh, thực hiện kế hoạch học tập trong điều kiện phòng chống dịch, để vừa bảo đảm chất lượng, vừa bảo đảm an toàn cho người học, cho cán bộ, giảng viên của nhà trường”, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thị Kim Phụng đánh giá.
Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết thêm, Luật Giáo dục đạị học đã quy định cho khối giáo dục đại học có quyền tự chủ rất lớn trong việc quyết định phương thức tổ chức và quản lý đào tạo các trình độ, hình thức đào tạo. Các nhà trường có quyền chủ động trong việc xây dựng, thực hiện, điều chỉnh kế hoạch giảng dạy trong kỳ học, năm học, khóa học… Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có văn bản hướng dẫn để thống nhất việc triển khai đào tạo từ xa và công nhận kết quả học tập tích lũy tại các cơ sở đào tạo đối với các khóa đào tạo chính quy và vừa làm vừa học trong thời gian dịch Covid-19.
Việc nhiều nhà trường triển khai và làm tốt phương án dạy học trực tuyến, nhận đươc sự đón nhận của sinh viên và xã hội, cho thấy đây không chỉ là giải pháp tình thế, nhằm phù hợp trong bối cảnh hoạt động đào tạo truyền thống bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, mà còn cho thấy sự tích cực chủ động của các đơn vị, mức độ sẵn sàng tham gia vào một xu hướng đào tạo mới, sự tiếp cận nhanh nhạy các ứng dụng của CNTT trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 của mỗi nhà trường. Duy trì sự chủ động này, thì dịch bệnh cũng khó có thể “làm khó” đội ngũ giảng viên, sinh viên trong quá trình tiếp cận tri thức.