Ứng phó với lũ quét, sạt lở đất: Không thể chậm trễ
Trọng điểm mùa mưa năm 2024 đang đến gần, theo dự báo của các chuyên gia, nhiều khả năng lũ quét, sạt lở đất sẽ xảy ra ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Trước đó, một số tỉnh miền núi phía Bắc đã hứng chịu hậu quả của thiên tai, gây thiệt hại nặng nề. Vì vậy công tác phòng tránh phải tiếp tục hướng đến nhiều biện pháp, tập trung theo hướng "phòng là chính". Đồng thời công tác cảnh báo cần được tăng cường hơn nữa, tránh những thiệt hại đáng tiếc.
Không lơ là, chủ quan
Nhìn toàn cảnh những trận mưa lũ, sạt lở đất ở nước ta trong nhiều năm qua, có thể thấy mặc dù đã có những bài học và đúc rút kinh nghiệm, nhưng nhiều địa phương vẫn còn khá bị động trong việc cảnh báo, ứng phó, khắc phục thiên tai, vẫn để xảy ra nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Vừa qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu, mưa lớn tại nhiều địa phương ở tỉnh Hà Giang khiến các quốc lộ quan trọng nối từ thành phố Hà Giang lên các huyện vùng cao bị chia cắt do sạt lở đất. Theo đó, tại huyện Mèo Vạc, trong ngày 9/6, tuyến đường chính xuống sông Nho Quế, vào 3 xã biên giới Thượng Phùng, Xín Cái, Sơn Vĩ bị chia bắt, do lượng đất, đá sạt lở từ núi xuống mặt đường quá nhiều; khe suối ngập sâu trong nước khiến một số du khách và người dân địa phương bị mắc kẹt.
Tỉnh Hà Giang cho biết, đây là trận mưa lũ lớn nhất trong 30 năm qua. Mưa lũ, sạt lở đất làm 3 người chết, 1.000 ngôi nhà bị ảnh hưởng, thiệt hại hơn 24 tỷ đồng.
Cùng thời điểm trên, từ khoảng 18h - 20h tối 9/6, mưa lớn cục bộ xảy ra trên địa bàn xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đã gây ra lũ ống, lũ quét tại 3 thôn; làm thiệt hại các công trình giao thông, cầu cống và sản xuất nông nghiệp của người dân trên 1 tỷ đồng.
Chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ, mưa lớn cục bộ trên địa bàn xã Phong Dụ Thượng đã gây ra lũ ống, lũ quét tại 3 thôn: Khe Dẹt, Bản Lùng, Khe Táu, làm sạt lở đất, đá, vùi lấp cống, hư hỏng tuyến đường từ Bản Lùng đi Khe Táu. Tuyến đường từ Bản Lùng đi thôn Khe Dẹt cũng bị đất đá vùi lấp, làm vỡ mặt ngầm tràn thôn Khe Dẹt. Cả 2 tuyến đường này đều bị ảnh hưởng, các phương tiện giao thông hiện không thể đi lại được.
Trước đó, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với vùng hội tụ gió trên cao; đêm ngày 4/6 đến sáng ngày 5/6 trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã xảy ra mưa vừa, mưa to kèm theo dông lốc, sét.
Mưa lớn đã làm 2 người trên địa bàn huyện Bát Xát bị lũ cuốn trôi mất tích vào sáng ngày 5/6; nhiều nhà dân bị ngập nước; tuyến đường 156B giáp xã Bản Vược bị ngập úng gây tắc và sạt lở 2 tuyến đường liên thôn Vi Phái, Bản Pho gây ách tắc giao thông cục bộ.
Ngay khi xảy ra những trận lũ quét, sạt lở đất trên, Thủ tướng Chính phủ đã phát Công điện 57/CĐ-TTg năm 2024 về tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ và chủ động ứng phó với thiên tai tại các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ. Nhiều biện pháp khắc phục hậu quả đã được các địa phương triển khai.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 14 - 17/6 khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ tiếp tục có mưa to đến rất to, trong đó có thể xuất hiện các điểm mưa lớn cục bộ cường suất cao từ 100-150mm/24 giờ; nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu tại các vùng trũng thấp, ngập úng cục bộ tại đô thị. Trên các sông thuộc lưu vực sông Thao, sông Đà, sông Lô có khả năng sẽ xuất hiện một đợt lũ.
Thiên tai trong nửa đầu năm nay đang tiếp tục gây thiệt hại lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân.
Nhìn lại năm 2023 cũng đã xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan trên các vùng miền với 1.964 trận thiên tai (21/22 loại hình), đặc biệt là mưa lớn gây sạt lở đất, lũ quét, lũ, ngập lụt trên diện rộng. Từ đây để thấy công tác cảnh báo, chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng và khắc phục hậu quả sau lũ quét, sạt lở đất vẫn luôn cần đặt lên hàng đầu để mỗi người dân tự ý thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ bản thân, gia đình trước những diễn biến bất thường của hàng hoạt các hiện tượng nguy hiểm của tự nhiên.
Hành động sớm trước thiên tai
Trước những cảnh báo thiên tai có thể xảy ra trong mùa mưa năm nay, tại huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã chủ động triển khai nhiều giải pháp ứng phó với thiên tai nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng và thiệt hại đến đời sống của người dân trên địa bàn. Tủa Chùa có địa bàn rộng và địa hình phức tạp, chia cắt, giao thông đi lại khó khăn.
Nhất là trong mùa mưa, các địa bàn vùng sâu, vùng xa có nguy cơ lũ lụt, sạt lở rất nguy hiểm và ảnh hưởng đến sản xuất, cuộc sông của người dân...
Trước thực tế đó, chính quyền địa phương đã kiểm tra và xây dựng các phương án nhanh chóng triển khai thông đường, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho bà con nhân dân, trước mắt là lấy cây gỗ chống, làm hàng rào tre đề phòng đất đá sạt lở...
Mới đây, UBND tỉnh Lai Châu cũng ban hành Công điện số 04/CĐ-UBND về việc chủ động ứng phó với tình hình mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất. Khi trước đó, theo tin dự báo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia và của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lai Châu, trên địa bàn tỉnh Lai Châu xảy ra mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 30-80mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất tại khu vực vùng núi, độ dốc cao và ngập úng tại khu vực vùng trũng, thấp; mực nước hồ thủy điện Lai Châu cao hơn so với cùng kỳ năm 2023.
Dự báo trong thời gian tới, tình hình thiên tai, mưa lũ có diễn biến bất thường và nguy hiểm. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố không được lơ là, chủ quan, tập trung chỉ đạo khắc phục nhanh nhất hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, sớm ổn định lại đời sống cho người dân. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; cảnh báo kịp thời, đầy đủ, đến người dân để ứng phó chính xác, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đứng trước mùa mưa năm nay, công tác dự báo, cảnh báo của các đài khí tượng thủy văn lại càng cần được nâng cao hơn nữa để người dân chủ động phòng tránh. Đánh giá công tác dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian qua, GS.TS Trần Thục - Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam cho rằng, các đơn vị dự báo đã tăng cường đầu tư khoa học công nghệ cho cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Tuy nhiên đối với loại thiên tai này, thế giới không có nhiều kỳ vọng về tính dự báo, hiện trạng dự báo đối với loại thiên tai này đạt mức từ kém đến thấp và kỳ vọng đến năm 2040, khoa học có thể nâng lên mức kém đến trung bình.
Chính vì vậy, theo GS.TS Trần Thục, cùng với việc tăng cường quan trắc, giám sát, việc theo dõi liên tục thông tin qua các hệ thống dự báo trực tuyến cũng như sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, người dân và cộng đồng trong việc rà soát các nguy cơ về lũ quét, sạt lở đất tại địa phương là rất quan trọng để có thể chủ động phòng ngừa, ứng phó trước khi thiên tai xảy ra.
Trong Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024 tổ chức tại Hà Nội (ngày 10/5), Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang - Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, cũng đã chỉ ra những tồn tại và những việc cần lưu ý là nhận thức của người dân và một số cán bộ còn hạn chế, lơ là trước thiên tai; công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, kể cả trước mùa mưa bão không phải nơi nào cũng làm tốt; một số quy định pháp luật chưa thông suốt, còn chồng chéo, không còn phù hợp; trên bình diện chung cả nước, khả năng chống chịu thiên tai của cơ sở hạ tầng còn hạn chế.
Vì vậy, trên cơ sở tình hình thực tế và nhận định xu hướng thiên tai năm 2024, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương cần chủ động phương án ứng phó với việc chuyển đổi trạng thái thời tiết từ El Nino sang La Nina. Cơ quan khí tượng cần nâng cao khả năng dự báo hơn nữa để các cấp chính quyền có chỉ đạo phòng chống phù hợp. Cùng với đó tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân và cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai bằng những hình thức mới và hiệu quả hơn; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, trước mùa mưa lũ; thường xuyên rà soát, bổ sung kịch bản, kế hoạch phòng chống thiên tai hợp lý nhất...
Ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT): Tích cực chuyển đổi số nâng cao năng lực cảnh báo thiên tai
Mặc dù chúng ta đã có rất nhiều cải tiến trong việc dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, tuy nhiên, dự báo được lũ quét, sạt lở đất về thời gian, khu vực và mức độ của hiện tượng này là điều chưa làm được ở Việt Nam và ngay cả ở các nước tiên tiến thế giới. Do đó, ở nước ta mới chỉ giới hạn ở việc cảnh báo hiện tượng này. Trong khi đó hệ thống mạng lưới quan trắc của chúng ta thưa sẽ ảnh hưởng đến cảnh báo, dự báo đối với hiện tượng lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất. Cùng với đó, chúng ta chưa có mạng lưới trạm quan trắc khí tượng trên biển, các trận mưa lớn đều có nguồn gốc từ biển nên rất khó có thể nhận định từ sớm, từ xa các hiện tượng mưa trong đất liền.
Trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã và đang cố gắng để tập trung phát triển nền tảng công nghệ số với hệ thống đo mưa, radar, quan trắc lượng mưa tự động, ước lượng được diện rộng của lượng mưa. Đồng thời với các bản đồ đã xây dựng từ trước để phân vùng lũ quét, sạt lở đất, kết hợp với các nghiên cứu các ngưỡng, khả năng xảy ra hiện tượng này để cảnh báo sớm vùng có nguy cơ diễn ra. Tất cả thông tin này chúng tôi tích hợp vào hệ thống trang web cảnh báo lũ quét, sạt lở đất để chuyển tải đến người dân.
Chúng tôi đặt ra phương châm dự báo sớm hơn, dài hạn hơn, chi tiết hơn. Để thực hiện được điều đó, ngành khí tượng thủy văn đã có nhiều đổi mới trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai. Về công nghệ dự báo, chúng tôi đã tiếp thu nhiều công nghệ tiên tiến của nước ngoài thông qua các dự án ODA. Ngoài phương án dự báo truyền thống, chúng tôi cũng phát triển nhiều phương án dự báo dựa trên công nghệ Big Data, trí tuệ nhân tạo... Bên cạnh đó, phát triển hệ thống truyền tin trên mạng xã hội để đưa thông tin chi tiết đến người dân một cách nhanh nhất; cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương cũng được xử lý liên tục, bổ sung cập nhật để thông tin dự báo sớm hơn, chi tiết hơn, tin cậy hơn.
PGS.TS Trần Tân Văn - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN&MT): Truyền thông rộng khắp để người dân “thẩm thấu”
Phải nói rằng, nứt đất khi mưa to, kéo dài là một trong những dấu hiệu trực tiếp của sạt trượt. Thế nên động thái đầu tiên địa phương cần thực hiện là di dời người dân ra khỏi khu vực sạt trượt tiềm năng. Tiếp đó cần cử cán bộ kỹ thuật đến quan trắc, giám sát, theo dõi diễn biến của các vết nứt. Nếu vết nứt tiếp tục phát triển thì khả năng cao là trượt lở sẽ xảy ra, cần căn cứ kích cỡ các vết nứt để dự báo quy mô khối trượt, từ đó thực hiện di dời cho phù hợp.
Để đề phòng trước các hiện tượng thời tiết cực đoan, gây hậu quả nặng nề, thì trước đó, chính quyền địa phương cần truyền thông kịp thời, rộng khắp và thường trực để nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng tránh giảm nhẹ thiên tai. Ngày nào cũng một vài lần cảnh báo nhắc nhở về thiên tai thì muốn hay không muốn là người dân cũng sẽ có dịp nghe lưu lại trong trí nhớ và có ý thức hơn.
Ngoài ra các địa phương cũng cần nâng cao công tác điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng tìm hiểu nguyên nhân, phân vùng cảnh báo, triển khai đồng đều rộng khắp hơn nữa trên tất cả các khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai, biến đổi địa chất.
Tôi mong rằng, trong thời gian tới, những Công điện, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống thiên tai cần ban hành sớm hơn nữa; và phải có sự ràng buộc về mặt pháp luật để các năm sau không phải nhắc lại. Các bộ, ngành cứ thế mà triển khai. Đối với chính quyền địa phương thì phải xác định việc phòng chống thiên tai là một nhiệm vụ thường trực, không thể bỏ qua.