Ứng phó với môi trường bất lợi cho thủy sản nuôi

Kết quả quan trắc vào đầu tháng 7/2024, đa số chỉ tiêu môi trường tại các điểm cấp nước cho nuôi trồng thủy sản khu vực ven biển, đầm phá và trên sông đều nằm trong giới hạn cho phép để nuôi trồng thủy sản (NTTS). Tuy nhiên, vẫn xuất hiện một số yếu tố môi trường bất lợi cho NTTS trong thời gian đến.

 Các hộ nuôi nên dùng lưới lan che phủ mặt ao để hạn chế bức xạ của ánh sáng mặt trời, ổn định nhiệt độ nước trong ao, tránh gây sốc cho tôm, cá nuôi. Ảnh: N. Hoàng

Các hộ nuôi nên dùng lưới lan che phủ mặt ao để hạn chế bức xạ của ánh sáng mặt trời, ổn định nhiệt độ nước trong ao, tránh gây sốc cho tôm, cá nuôi. Ảnh: N. Hoàng

Đầu tháng 7, Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp lấy mẫu nước tại khu vực xảy ra hiện tượng cá chết trên sông Mỹ Gia thuộc đập tràn thôn Phú Hải, xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc). Kết quả phân tích một số chỉ tiêu môi trường cho thấy, độ đục, amoni, sunfua đều nằm trong giới hạn cho phép để NTTS. Riêng chỉ tiêu ô-xy hòa tan rất thấp so với giới hạn cho phép. Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường nước không đảm bảo, ảnh hưởng lớn đến cá và các sinh vật thủy sinh là nguyên nhân gây ra cá chết hàng loạt.

Bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh lưu ý, một số chỉ tiêu môi trường cần phải có các biện pháp phù hợp nhằm kiểm soát tốt khi cấp nước vào ao nuôi, như nhiệt độ nước tại các điểm cấp nước ở mức cao. Trong điều kiện thời tiết có nhiệt độ cao, môi trường nước phú dưỡng (chỉ tiêu phốt – phát cao) dễ xảy ra sự dao động pH trong ngày lớn (dao động trên 0,5 trong ngày). Chỉ tiêu phốt - phát tại xã Phú Xuân (Phú Vang) gần bằng ngưỡng giá trị giới hạn cho NTTS. Độ pH vượt ngưỡng giá trị giới hạn tại thị trấn Sịa (Quảng Điền) và tiệm cận ngưỡng giới hạn tại khu vực nuôi trồng thủy sản ở các xã Vinh Hưng, Giang Hải (Phú Lộc), Phong Hải, Điền Hương (Phong Điền).

Thời gian gần đây, thời tiết, khí hậu biến đổi thất thường, phức tạp với các hiện tượng áp thấp nhiệt đới và bão trên Biển Đông, các đợt mưa giông xen kẽ nên môi trường vùng nước tự nhiên có biến động lớn, làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của các đối tượng NTTS. Vì vậy, bà con phải theo dõi tích cực, đặc biệt phải có chế độ cho ăn và chăm sóc hợp lý để giảm lượng chất hữu cơ, giảm tình trạng phú dưỡng nguồn nước, giảm sự phân tầng của nước, ổn định các chỉ tiêu môi trường nước trong ngày và tăng sức đề kháng cho thủy sản trong điều kiện nắng nóng.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, dự báo thời tiết Thừa Thiên Huế từ cuối tháng 7 và tháng 8 có thể xảy ra khoảng 2 - 3 đợt nắng nóng kèm theo mưa giông vào chiều tối, nền nhiệt độ khoảng 35-36oC. Các cơ sở, hộ NTTS cần phải chú trọng áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong điều kiện nắng nóng nhằm đảm bảo vật nuôi sinh trưởng ổn định.

Kiểm tra môi trường nước trên đầm phá

Kiểm tra môi trường nước trên đầm phá

Theo bà Phan Thị Thu Hồng, đối với thủy sản nuôi trong ao nước lợ, mặn cần kiểm tra bờ, cống ao để tránh hiện tượng rò rỉ nước, duy trì mực nước trong ao từ 1,2-1,5m, tích cực tạo ô-xy cho ao nuôi bằng máy quạt nước, máy sục khí vào thời điểm ban đêm và sáng sớm. Những nơi có điều kiện thay nước có thể thay từ 15-20% lượng nước cũ và cấp thêm nước mới vào ao dưới dạng phun mưa, tốt nhất vào sáng sớm. Dùng lưới lan che phủ 2/3 diện tích mặt ao và cao hơn mặt nước trên 2m để hạn chế bức xạ của ánh sáng mặt trời, ổn định nhiệt độ nước trong ao, tránh gây sốc cho tôm, cá nuôi. Khi thời tiết nắng nóng trên 350C phải giảm 50% lượng thức ăn, kết hợp bổ sung vitamin C, khoáng chất, chế phẩm sinh học vào thức ăn nhằm tăng cường sức đề kháng cho thủy sản nuôi. Hàng tuần nên dùng vôi bột hòa tan tạt đều khắp ao vào buổi chiều mát để khử trùng nguồn nước và ổn định pH trong ao với liều lượng 2-4kg vôi bột/100m3 nước.

Đối với nuôi ao nước ngọt phải duy trì mức nước trong ao nuôi từ 1,2-1,5m, tích cực tạo ô-xy cho ao nuôi bằng máy quạt nước, máy sục khí hoặc dùng máy bơm. Những nơi có điều kiện thay nước thường xuyên định kỳ thay từ 15-20% lượng nước cũ trong ao và thả 1/3 diện tích bèo tây, bèo tấm... để tạo bóng mát cho cá. Các hộ nuôi cần theo dõi, quản lý môi trường ao nuôi chặt chẽ, sớm phát hiện các biến động và điều chỉnh các yếu tố môi trường về ngưỡng thích hợp. Những ao nuôi thả mật độ cao nên tăng cường sử dụng chế phẩm vi sinh nhằm cải thiện chất lượng nước, hạn chế được việc thay nước thường xuyên.

Với thủy sản nuôi lồng trên sông, hồ và vùng đầm phá phải vận hành cơ sở nuôi đảm bảo mật độ lồng nuôi phù hợp. Sử dụng lưới lan che bề mặt lồng, bè nuôi để giảm ánh sáng trực tiếp xuống đáy lồng nuôi. Khi mực nước trên sông, hồ giảm cần hạ thấp lồng nuôi hoặc di chuyển lồng nuôi đến nơi có mực nước sâu để bảo đảm độ sâu luôn ở mức trên 2m. Vào những ngày nắng nóng gay gắt giảm 50-70% lượng thức ăn hàng ngày, hoặc ngừng cho ăn.

Các hộ nuôi thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe thủy sản nuôi, thu gom thức ăn thừa, vỏ lột, xác thủy sản bệnh, chết, vệ sinh lồng nuôi và treo túi vôi ở lồng nuôi để hạn chế sự phát triển của mầm bệnh. Người dân chuẩn bị sẵn sàng máy bơm, máy sục khí, trang thiết bị cần thiết và nhiên, vật liệu ứng phó với các biến động môi trường. Đồng thời, tiến hành thu tỉa khi thủy sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm, hạn chế đánh bắt, san thưa, vận chuyển, thả giống vào những ngày nắng nóng, thời điểm nắng nóng trong ngày.

Bài, ảnh: Hoàng Thế

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/ung-pho-voi-moi-truong-bat-loi-cho-thuy-san-nuoi-143466.html