Ứng phó với mưa lũ ở cấp cơ sở còn nhiều bất cập

Một nguyên tắc luôn được các đơn vị, địa phương nhấn mạnh sẽ hết sức chú trọng trong phòng, chống thiên tai là thực hiện theo phương châm '4 tại chỗ' gồm: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ. Thế nhưng, thực tế, công tác ứng phó với mưa lũ trong những ngày qua trên địa bàn tỉnh đã bộc lộ những mặt hạn chế, bất cập cần khắc phục, đặc biệt là trong tình hình thời tiết ngày càng biến đổi bất thường, cực đoan như hiện nay.

 Huy động lực lượng, phương tiện sơ tán người dân đến nơi an toàn - Ảnh: L.T

Huy động lực lượng, phương tiện sơ tán người dân đến nơi an toàn - Ảnh: L.T

Mưa lớn, lũ lụt nghiêm trọng và kéo dài trong nửa tháng qua (từ ngày 6-19/10/2020) khiến tỉnh Quảng Trị bị thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Toàn tỉnh có 50 người chết, 8 người chưa tìm thấy, 25 người bị thương do mưa lũ. Vừa bước vào mùa mưa bão nhưng ước giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra ở Quảng Trị trên 2.000 tỉ đồng. Thiệt hại nặng nề này nguyên nhân chính là do 3 - 4 đợt lũ (tùy từng vùng) liên tiếp đổ về, trong đó có những đợt lũ vượt mốc lịch sử, trong khi những năm qua địa bàn tỉnh ít xuất hiện lũ lụt nghiêm trọng khiến nhiều nơi, nhiều người lâm vào tình thế bị động, hoặc chủ quan lơ là trong ứng phó với thiên tai; phương châm “4 tại chỗ” trong ứng phó với mưa lũ ở nhiều địa phương đã không phát huy hiệu quả.

Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Lê Đức Thịnh chia sẻ: “Xác định là vùng thường xuyên bị ngập lụt mỗi khi có mưa lớn nên từ nhiều năm trước chính quyền địa phương rất quan tâm đến công tác phòng, chống thiên tai. Huyện đã đầu tư trang cấp cho mỗi xã 2 chiếc thuyền và một số áo phao cứu sinh cho lực lượng ứng phó thiên tai tại chỗ. Huyện cũng tự trang bị cho lực lượng của huyện ca nô và một số trang thiết bị ứng phó mưa lũ khác. Thế nhưng phương châm “4 tại chỗ” trong đợt lũ vừa qua đã không phát huy được. Đó là khi lũ lớn xảy ra nhiều địa phương rơi vào tình thế bị động vì một số nơi không tìm ra thuyền, chỗ có thuyền thì không có người lái, áo phao cứu sinh nhiều địa phương cũng thất lạc không tìm ra. Xảy ra tình trạng này một phần do những năm gần đây ít có lũ lớn nên nhiều địa phương đã chủ quan, lơ là trong việc bảo quản trang thiết bị ứng cứu lũ lụt. 3 đợt lũ liên tiếp, toàn huyện có 14/16 xã, thị trấn bị ngập từ 0,2-3,5 m. Ngập lụt nặng, điện mất diện rộng trong nhiều ngày liền nên các phương tiện liên lạc thông tin đều hết pin. Vì thế mà từ huyện liên hệ về xã để chỉ đạo, điều hành công tác ứng phó, cứu trợ, cứu nạn trong mưa lũ gặp rất nhiều khó khăn”.

Hầu như năm nào trước mùa mưa lũ các địa phương đều triển khai các phương án phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến phương châm “4 tại chỗ” nhưng đối mặt với những trận lũ lớn xảy ra trên diện rộng vừa qua, không riêng gì huyện Hải Lăng mà hầu hết các địa phương đều rơi vào tình thế bị động, xử lý không kịp theo cấp độ mực nước lũ dâng lên theo cảnh báo. Vì thế, đã có rất nhiều vùng rơi vào tình cảnh bị chia cắt, cô lập khiến lực lượng chức năng rất khó khăn trong việc ứng cứu. Ngoài thiếu phương tiện thì lực lượng tại chỗ cũng không trở tay kịp một phần do lực lượng tại chỗ thường xuyên biến động, ít được luyện tập công tác ứng cứu lũ lụt trong khi người dân chủ quan nên có thời điểm trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều dòng thông tin kêu cứu khẩn cấp do nước lũ lên không có lối thoát.

Ví dụ như địa bàn xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng trong đợt lũ ngày 9/10/2020, khi nghe thông tin cảnh báo về tình trạng ngập lụt diện rộng, nguy cơ xuất hiện đợt lũ lớn, huyện, xã đã tập trung lực lượng tuyên truyền vận động người dân sớm di dời, sơ tán để tránh lũ. Thậm chí đến trưa 9/10/2020 huyện còn điều ca nô đến một số địa bàn xung yếu để hỗ trợ di dời. Tuy nhiên, rất nhiều người đã chủ quan không đi nên chỉ vài giờ sau, nước từ thượng nguồn đổ về nhanh, địa bàn các xã vùng đồi địa hình phức tạp, nước thoát không kịp nên các thôn: Mai Đàn, Thượng Nguyên, Xuân Lâm, Trường Phước, xã Hải Lâm; thôn Thượng Xá, xã Hải Thượng bị nước bao vây, cô lập, nhiều nhà dân nước ngập lên đến nóc nhà. Lúc này, người dân mới hoảng hốt gọi cần được sơ tán nhưng do trời tối, địa hình phức tạp lại mưa to nên công tác cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình thế cấp bách buộc huyện Hải Lăng phải nhờ tỉnh huy động lực lượng và phương tiện vào ứng cứu.

Thực tế cho thấy, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai trong đợt lũ vừa qua thực hiện đầy đủ, chính xác nhưng nhiều nơi địa phương vẫn không theo dõi sát sao thông tin dự báo để chỉ đạo điều hành hoặc chủ quan, lơ là trong công tác ứng phó với thiên tai. Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Hữu Hùng, thành viên Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh, áp dụng phương châm “4 tại chỗ” trong đợt lũ lụt vừa qua của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh bộc lộ những vấn đề cần chấn chỉnh. Ví dụ, để điều hành công tác ứng phó lũ lụt, tỉnh thành lập các đoàn về cơ sở kiểm tra chỉ đạo tình hình thực tế tại các địa phương. Tuy nhiên trong tình thế mưa lũ cấp bách nhưng điện thoại cho cán bộ ở cơ sở để nắm bắt thông tin rất khó khăn, nhiều người máy vẫn đổ chuông nhưng không bắt máy. Thứ hai là việc luyện tập các phương án phòng, chống mưa lũ chưa thuần thục. Nhiều địa phương thành lập đội cứu hộ, cứu nạn nhưng đưa thuyền thì không biết lái, đưa phao thì không biết bơi, ca nô thì cũng không vận hành được. Phương án dự trữ vật tư, lương thực, thực phẩm để ứng phó với mưa lũ kéo dài cũng chưa thực hiện tốt nên nước lũ bao vây, cô lập thì không có lương thực hỗ trợ tại chỗ cho người dân. Hay người dân một số địa phương ở vùng thấp trũng dễ bị ngập lụt chia cắt khi có mưa lớn nhưng vẫn không chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm hay tự di dời sơ tán cho gia đình mình nên chỉ ngập lụt một ngày nhiều hộ đã không có gì để ăn.

Trao đổi về vấn đề này tại cuộc họp bàn giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh, cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm những tồn tại, hạn chế trong việc ứng phó, cứu hộ, cứu nạn trong đợt mưa lũ vừa qua. Mưa lũ diễn biến dài ngày, phức tạp nhưng một số địa phương, cán bộ chủ quan lơ là, việc triển khai áp dụng phương châm “4 tại chỗ” nhiều nơi lúng túng, không hiệu quả. Để chủ động đối phó với tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp trong những ngày tới, các địa phương cần tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai. Trước mắt, tập trung lực lượng xử lý các điểm nghẽn giao thông, kết nối lưu thông với những địa bàn bị cô lập do những đợt lũ vừa qua để ứng cứu, hỗ trợ không để người dân đói, rét. Tập kết, dự trữ hàng hóa nhu yếu phẩm thiết yếu cho những địa bàn xung yếu thấp trũng, nguy cơ sạt lở để có thể tự đảm bảo lương thực trong thời gian bị chia cắt, cô lập do thiên tai. Tuyên truyền vận động, nghiêm khắc thực hiện cưỡng chế đối với những trường hợp người dân không chấp hành sơ tán đến nơi an toàn trước khi mưa bão xảy ra. Sau đợt này, tỉnh sẽ xem xét bố trí kinh phí để trang cấp phương tiện trong việc cứu hộ lũ lụt cho các địa phương. Tùy theo địa bàn từng thôn, xã để trang cấp loại thuyền, phao cứu sinh hay máy phát điện dự phòng phù hợp để bổ sung phương tiện cứu hộ cho lực lượng tại chỗ.

Lâm Thanh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=152645