Ứng phó với nguy cơ cạn kiệt nước ngầm
Ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, việc khai thác nước dưới mặt đất đã vượt mức an toàn. Tuy nhiên, tình trạng khai thác quá mức nguồn nước dưới đất, đặc biệt là sử dụng cho mục đích sản xuất công nghiệp, nông nghiệp vẫn đang diễn ra.
Ồ ạt khoan giếng công nghiệp
Mùa khô năm 2019, chúng tôi đến ấp Pa Pếch, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú khi người dân ở đây đang loay hoay tìm phương pháp chống hạn. Múc hồ, đào giếng, khoan giếng đều được thực hiện để tìm nước “chống cháy” cho diện tích cây trồng đang héo vì nắng hạn. 65 triệu đồng chi phí cho 1 giếng khoan nhưng ông Nguyễn Văn Lam vẫn chấp nhận. “Không có nước thì cây chết nên dù đi vay mượn cũng phải làm, đầu tư giếng khoan tính ra cũng hơn 70 triệu đồng. Nắng quá nên tôi phải khoan giếng công nghiệp luôn” - ông Lam nói. Năm nào đến mùa khô, gia đình ông Lam cũng đau đầu với phương án chống hạn, ít thì vài triệu đồng múc hồ, nhiều thì vài chục triệu đồng khoan giếng. Nhưng ngay cả thợ khoan cũng không thể đảm bảo cứ khoan giếng là sẽ có nước.
Nông dân sử dụng máy khoan giếng công nghiệp để khai thác nước ngầm
Mùa khô năm nay, hạn hán đã bớt khốc liệt nhưng tiếng máy khoan vẫn vang lên đều đặn. Người dân lo lắng cho mùa hạn năm tiếp theo khi mà biến đổi khí hậu đang ngày càng khó lường hơn.
Anh Ngô Mạnh Vũ, thợ khoan giếng công nghiệp ở xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng cho biết: Đến mùa khô, những thợ khoan giếng làm không hết việc. Nhiều khi có hộ chấp nhận khoan mấy chỗ vì khoan chỗ này không có nước, lại yêu cầu khoan chỗ khác”. Để chủ động nguồn nước sản xuất nông nghiệp, mùa hạn cũng đồng nghĩa với mùa đào và khoan giếng.
Đến nay, các công trình thủy lợi trong tỉnh mới chỉ đáp ứng hơn 10% tổng diện tích cây trồng. Tổng diện tích cây lâu năm trên địa bàn tỉnh trên 400 ngàn ha phần lớn vẫn sử dụng nguồn nước mưa, giếng đào, giếng khoan để tưới. Như vậy, sản xuất cây trồng của tỉnh đang bị phụ thuộc rất lớn vào nước mưa và nước ngầm.
Cần có quy hoạch khai thác
Theo đánh giá của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam, mức độ khai thác nước dưới đất của Bình Phước chủ yếu là ở tầng nước mặt. Vào mùa khô, không có mưa, cộng với lượng nước khai thác nhiều đã khiến nguồn cấp không đủ so với nguồn cung và gây ra tình trạng mực nước ngầm có xu hướng suy giảm đều qua từng năm. Kết quả quan trắc cho thấy, trong 3 năm liên tục gần đây, mực nước ở các khu vực xã Đức Liễu (Bù Đăng), xã Phú Trung (Phú Riềng), xã Tân Thành (Bù Đốp), xã Tân Lợi (Hớn Quản) có mực nước hạ nhiều và hạ khá lớn so với năm đầu quan trắc.
Thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều biện pháp hạn chế khai thác nước ngầm; đồng thời đầu tư, xây dựng, lắp đặt, đấu nối hàng trăm kilômét đường ống để cung cấp nước sạch được khai thác từ các nguồn nước mặt an toàn nhằm bảo vệ nước ngầm. Tuy nhiên, tình trạng khai thác nước ngầm trong dân, ngành chức năng vẫn chưa thể quản lý được. Đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến suy giảm nguồn nước ngầm. Vì vậy, việc quy hoạch khai thác nước ngầm trên địa bàn tỉnh cần được quản lý chặt chẽ hơn, đặc biệt là xử lý nghiêm doanh nghiệp, cá nhân cố tình khai thác nước ngầm trái phép hoặc khai thác quá trữ lượng cho phép.
Phó giám đốc Sở Tài nguyên và
Môi trường Phạm Văn Liêm
Khai thác quá mức nước dưới đất mà không có sự kiểm soát chặt sẽ gây ra một số tác động như làm thấp mực nước; không có quy hoạch sẽ làm cho mực nước ngầm tại khu vực cạn kiệt dần và làm thấp mực nước ngầm, ảnh hưởng tới công trình khai thác. Cụ thể, khi một công trình khai thác nước ngầm hoạt động, ảnh hưởng của nó sẽ lan rộng tới khu vực xung quanh, tác động tới công trình khai thác lân cận, làm cho mực nước các công trình này bị hạ thấp. Do vậy sẽ làm tăng chi phí và giảm hiệu suất khai thác của công trình, đồng thời khoảng cách giữa các công trình khai thác càng gần nhau thì mực nước hạ thấp càng nhiều.
Trên thực tế, trữ lượng nước ngầm có thể tự tái tạo, bổ sung bằng nguồn nước mưa, nước sông… Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa, hạ tầng bê tông hóa ngày càng nhiều như hiện nay, nước mưa khó có thể ngấm vào mặt đất tạo nguồn bổ sung lượng nước dưới đất. Ông Nguyễn Hải Sơn, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Bình Phước lo ngại: “Khu vực phía Tây Nam của tỉnh bao gồm huyện Chơn Thành, thành phố Đồng Xoài, một phần huyện Hớn Quản và huyện Đồng Phú tập trung rất nhiều khu công nghiệp, khu đô thị - thương mại - dịch vụ hoạt động và đang tiếp tục triển khai nhiều dự án mới. Các hoạt động này sẽ tác động đến điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội cũng như môi trường, trong đó có môi trường không gian nước dưới đất của khu vực, đặc biệt là các khu công nghiệp có nhu cầu sử dụng nước khá lớn”.
Thu Thảo
Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/ung-pho-voi-nguy-co-can-kiet-nuoc-ngam-545122