Ứng phó với thiên tai: Chuyện không của riêng ai
Cứ mỗi mùa mưa đến, người dân từ miền núi đến miền biển, từ đồng bằng đến đô thị đều canh cánh những nỗi lo riêng.
Xã Trà Hiệp (Trà Bồng) hiện có 73 hộ dân, với 351 nhân khẩu đang sinh sống tại các thôn Cưa, thôn Băng, thôn Nguyên và thôn Cả nằm trong khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, núi.
Chủ tịch UBND xã Trà Hiệp Hồ Văn Trường cho biết, núi Tà Cút ở thôn Băng xuất hiện vết nứt lớn nên mỗi khi mưa lớn, nước từ đỉnh núi chảy mạnh, cuốn theo đất đá đổ về chân núi, tràn vào nhà dân. Còn ngọn núi tại tổ 4, thôn Cưa đã bị sạt lở từ năm 2020. Vậy nên, cứ vào mùa mưa, 43 hộ dân, với 212 nhân khẩu ở thôn Cưa, thôn Băng phải sang nơi khác ở nhờ.
Không chỉ xã Trà Hiệp, trên địa bàn huyện Trà Bồng hiện có 9 điểm dân cư, với 227 hộ dân (1.107 nhân khẩu) nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở đất, núi, nhất là tại thôn Vuông, thôn Cát (xã Trà Thanh); thôn Gò Rô, thôn Trà Bung (xã Trà Phong); thôn Trà Veo (xã Trà Xinh); thôn Vàng (xã Trà Tây)...
Huyện Sơn Tây cũng có 40 điểm có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, làm ảnh hưởng đến 314 hộ dân, với 1.190 nhân khẩu. Trong đó, có 80 hộ dân, với 200 nhân khẩu ở các khu dân cư Nước Toa, Nước Lao, thôn Mang Tà Bể (xã Sơn Bua) và 40 hộ dân, với 147 khẩu ở thôn Gò Lã (xã Sơn Dung).
Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Đinh Trường Giang cho biết, núi ở thôn Mang Tà Bể đã bị sạt lở trong mùa mưa năm 2019. Còn núi Cà Sim, ở thôn Gò Lã cũng xuất hiện nhiều vết nứt, trong khi tuyến đường độc đạo về thôn thì bị đứt gãy do mưa, lũ năm 2020 gây ra.
Người dân đang sinh sống ven các sông Vệ, Trà Câu, Trà Khúc, Trà Bồng, Phước Giang... cũng đang nơm nớp lo sạt lở, xâm thực bờ sông có thể cuốn trôi nhà cửa, đất đai và công trình hạ tầng bất cứ lúc nào. Nghiêm trọng nhất là nguy cơ sạt lở bờ sông Vệ, đoạn qua các thôn: An Long, xã Đức Hiệp và 2, 3, xã Đức Nhuận (Mộ Đức); An Chỉ Tây, xã Hành Phước và Vạn Xuân, xã Hành Thiện (Nghĩa Hành).
Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghĩa Hành Phan Công Huân, quy mô và cường độ sạt lở bờ sông Vệ ngày càng tăng, xâm thực vào đất liền từ 1 - 2m/năm, đe dọa nhiều nhà cửa, tài sản và đất sản xuất của người dân. Tình trạng sạt lở cũng gây nguy cơ ảnh hưởng đến nhiều công trình hạ tầng của Nhà nước, nhất là Trạm bơm Vạn Xuân, nơi tạo nguồn cấp nước sinh hoạt và nước sản xuất cho hơn 400ha đất nông nghiệp của người dân trên địa bàn xã Hành Thiện.
Riêng điểm sạt lở tại thôn An Chỉ Tây, bờ sông xói sâu vào lòng đường bê tông, gây mất an toàn cho người và phương tiện qua lại, đe dọa tính mạng và tài sản của hàng chục hộ dân nơi đây.
Thống kê sơ bộ của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Quảng Ngãi hiện có 243 điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở núi, sạt lở đất, bờ sông, suối, bờ biển, lũ quét... Trong đó, có 160 điểm sạt lở núi, suối, lũ quét tại 5 huyện miền núi, làm ảnh hưởng đến 2.061 hộ dân, với 8.614 nhân khẩu. Có 83 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển, với tổng chiều dài hơn 100km.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số dự án thủy điện đang triển khai thi công trên các sông lớn, tập trung ở huyện Ba Tơ, Sơn Hà. Mặc dù các chủ đầu tư thủy điện đã lập và được phê duyệt phương án ứng phó thiên tai, nhưng nguy cơ rủi ro, mất an toàn vẫn tiềm ẩn, nhất là tình trạng đất đá từ khu vực cao dồn xuống lòng hồ khi có mưa lớn, gia tăng áp lực lên đập.
Dự án Thủy điện Trà Khúc 1 (công suất 30MW) được xây dựng trên địa bàn các xã Sơn Giang, Sơn Cao, Sơn Hải, Sơn Trung, Sơn Thượng và thị trấn Di Lăng (Sơn Hà). Hiện nay, chủ đầu tư là Công ty CP Thủy điện Huy Măng đã hoàn thành cơ bản hạng mục đập, nhưng đất đá thải ra bên bờ tây của sông Trà Khúc vẫn chưa được thu dọn, vận chuyển đi nơi khác. Những ngày qua, mưa lớn, nước đổ về sông Trà Khúc gia tăng, nên một lượng lớn đất đá chưa kịp chuyển đi nơi khác đã bị trôi về hạ du.
Còn dự án Thủy điện Sông Liên 2 (công suất 12MW), xây dựng trên sông Liên, thuộc xã Ba Lế và Ba Bích (Ba Tơ), đang được chủ đầu tư là Công ty CP Điện năng Ba Tơ đẩy nhanh tiến độ. Lượng đất đá thải ra từ công trường khá lớn, nhưng bãi lưu chứa không đáp ứng nhu cầu, nên nhà thầu đã tạm thời sử dụng một số vị trí gần công trường để đổ thải. Điều này tiềm ẩn nguy cơ gây rửa trôi đất đá ra các khu vực lân cận khi có mưa lớn.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh hiện đang triển khai nhiều công trình lớn, lượng đất đá thải ra đã làm tắc nghẽn dòng chảy, cống thoát nước, nguy cơ gây ngập úng khi có mưa lớn. Tại công trình cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, chiều dài tuyến hơn 60,3km đi qua các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức và TX.Đức Phổ, hiện có hàng trăm cầu, cống đang thi công dở dang, chưa thể phát huy vai trò tiêu thoát nước.
Cùng với đó, hàng chục cây cầu trên các tuyến đường do Sở GTVT quản lý cũng bị hư hỏng, xuống cấp, gây mất an toàn cho người và phương tiện. Cụ thể như cầu Trà Khúc 1 (TP.Quảng Ngãi), cầu tràn sông Rin (Sơn Hà). Riêng cầu Nước Bua bắc qua sông Bua, trên tuyến đường Đông Trường Sơn qua xã Sơn Bua (Sơn Tây), bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng...
Giám đốc Sở NN&PTNT Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hồ Trọng Phương cho biết, dự báo năm 2024, thiên tai tiếp tục diễn biến khó lường. Vì vậy, bên cạnh công tác tuyên truyền thì ngay từ đầu mùa mưa, tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung rà soát, kiểm tra các dụng cụ, máy móc và phương tiện phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn. Đồng thời, chủ động rà soát và hoàn thiện phương án phòng, chống thiên tai tương ứng với từng loại hình thiên tai, đặc biệt là nguy cơ sạt lở đất, núi, bờ sông, bờ biển và ngập úng đô thị theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 4930 ngày 11/9/2024.