Ứng phó với thời tiết cực đoan
Trung tâm Khí tượng và Thủy văn quốc gia nhận định, năm nay sẽ xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường, đặc biệt là mưa đá, dông, lốc. Do đó, các địa phương cần sớm có kế hoạch chủ động ứng phó với mọi loại hình thiên tai.
Tại tỉnh ta từ đầu năm đến nay ghi nhận trong 3 tháng đầu năm có xuất hiện mưa dông, kèm mưa đá trên diện rộng làm 1.164 nhà bị hư hỏng, ảnh hưởng (trong đó có 6 nhà bị thiệt hại hoàn toàn); 843 ha lúa, ngô, lạc và các loại rau màu bị hư hại. Trước đó, năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã có 17 đợt thiên tai làm 4 người chết, 4 người bị thương; 4.755 nhà dân bị sập đổ, tốc mái; trên 1.600 ha lúa, hoa màu bị mất; 11 lồng nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi, hàng trăm mét kênh mương bị phá hủy; 12 cầu tạm dân sinh bị sập... Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2019 ước tính khoảng 41,8 tỷ đồng.
Công nhân Điện lực Sơn Dương kiểm tra hệ thống điện lưới trên địa bàn xã Hợp Hòađảm bảo an toàn khi mưa bão xảy ra.
Trước những diễn biến khó lường của thời tiết, ngày 16-4, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai có Chỉ thị tăng cường công tác phòng, chống thiên tai nhằm giảm thiểu thiệt hại trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Ông Bùi Chí Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Chi cục đã tham mưu với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng chống thiên tai cho từng năm và từng giai đoạn cụ thể. Đồng thời, đề nghị các huyện, thành phố, ngành chức năng lập phương án và thực hiện các giải pháp để phòng tránh, ứng phó với từng loại hình thiên tai, nhất là ứng phó với bão mạnh, siêu bão trên địa bàn tỉnh. Các địa phương tiến hành di chuyển khẩn cấp các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá trước mùa mưa bão bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Các ngành chức năng có kế hoạch dự phòng vật tư, phương tiện, thiết bị bảo đảm thực hiện phương châm “bốn tại chỗ - chỉ huy tại chỗ, nhân lực tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ" chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
Xã Hùng Đức (Hàm Yên) một trong những địa phương thường xuyên phải hứng chịu thiệt hại do thiên tai gây ra. Giảm thiểu thiệt hại, chính quyền, người dân luôn trong tâm thế chủ động, sẵn sàng các phương án để ứng phó. Ông Nguyễn Văn Giáp, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, do thường xuyên hứng chịu thiên tai nên xã đã khuyến cáo bà con kiểm tra gia cố nhà ở và các công trình phụ trợ; theo dõi sát các bản tin thời tiết, bản tin cảnh báo thiên tai để chủ động phòng, tránh. Vào mùa mưa bão lực lượng dân quân xã túc trực sẵn sàng hỗ trợ sơ tán người, tài sản của người dân đến nơi an toàn. Ông Giáp cho rằng, chủ động phương án nên hồi đầu tháng 3 vừa qua, trận mưa đá kèm dông lốc lịch sử nhất đã xảy ra trên địa bàn đã làm 29 nhà bị hư hại, trong đó có 2 nhà bị sập hoàn toàn; 5 phòng học của trường THCS bán trú xã bị tốc mái; trên 200 ha lúa xuân, ngô và cây màu bị dập nát hư hại đã sớm được khắc phục.
Ông Nguyễn Huy Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết từ năm 2019 đến nay đã có 133 hộ di chuyển nhà ở ra khỏi vùng nguy hiểm. Ngày 23-3 vừa qua, UBND tỉnh đã phân bổ 2 tỷ đồng để hỗ trợ 106 hộ thuộc các huyện Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn sinh sống trong vùng nguy hiểm di chuyển đến nơi an toàn. UBND tỉnh cũng phân bổ 30 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp 6 công trình thủy lợi lớn có chức năng điều tiết nước và phòng chống thiên tai trên địa 3 huyện Yên Sơn, Sơn Dương và Chiêm Hóa. Cùng với sự chủ động của tỉnh, ngành chức năng, người dân cũng nâng cao ý thức sẵn sàng, chủ động phòng, tránh để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.