Ung thư gia tăng, ĐBQH đề nghị lắp thêm máy xạ trị
Với khoảng 100 triệu dân, Việt Nam hiện nay chỉ mới có 84 máy xạ trị bình thường, chỉ đáp ứng được 60-70%.
Ngày 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024.
Phản ánh tâm tư của cử tri ngành y tế, ĐB Nguyễn Tri Thức (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết, sau dịch Covid-19, được sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, ngành Y tế đã được giao một số vốn để mua sắm trang thiết bị và sửa chữa cơ sở vật chất, hồi phục lại sau dịch và phục vụ khám chữa bệnh từ 2 nguồn đó là nguồn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội là 1.465 tỷ đồng và nguồn tăng thu ngân sách trung ương là 2.400 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau gần 1 năm, nguồn này vẫn chưa được giải ngân. Vì vậy, Chính phủ cần quan tâm để giải ngân kịp thời mua sắm trang thiết bị và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ cho người bệnh.
Nêu lên sự cần thiết và tầm quan trọng lớn của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân nhằm tìm các bệnh lý, đặc biệt là bệnh lý truyền nhiễm, di truyền. Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân thể hiện trách nhiệm đối với người vợ, người chồng và trách nhiệm với thế hệ sau, ông Thức chia sẻ trong thực hành lâm sàng, các bác sỹ đã từng chứng kiến những trường hợp, tới khi đi sinh mới biết mình bị hẹp van tim nặng, hoặc suy tim nặng, suy thận nặng và khi vào cơn sinh, mới xảy ra trường hợp suy tim cấp và các bác sỹ rất đau xót khi phải quyết định cứu mẹ hay cứu con.
Chốt lại, ông Thức cho rằng: “tất cả những vấn đề này đều có thể tránh được nếu khám sức khỏe tiền hôn nhân”.
Song theo ông Thức, hiện quy định của Điều 8, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và khoản 2 Điều 18 của Nghị định 123 năm 2015 của Chính phủ không có quy định bắt buộc phải khám sức khỏe tiền hôn nhân trước khi kết hôn. Nhưng nếu kết hôn với người nước ngoài lại bắt buộc và khám rất sâu, kể cả khám chuyên khoa. Vì vậy, ông Thức đề nghị nên quy định bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân trước khi đăng ký kết hôn.
Về điều trị ung thư, ông Thức dẫn chứng: Theo Hiệp hội Ung thư thế giới, năm 2020 tại Việt Nam có 182.563 ca ung thư mới mắc, trong đó 60% có dự định xạ trị. Tuy nhiên, với khoảng 100 triệu dân, Việt Nam chúng ta hiện nay, chỉ mới có 84 máy xạ trị bình thường, điều này chỉ đáp ứng được 60-70%.
Đặc biệt ông Thức lưu ý, Việt Nam chưa có máy xạ trị Proton là một kỹ thuật xạ trị chiếu ngoài tiên tiến nhất hiện nay và kỹ thuật này cho phép đưa một liều xạ tối đa vào khối u, cho dù vị trí khối u hoặc kích thước khối u đó rất phức tạp, nguy hiểm, đồng thời giảm tối thiểu sự tổn thương mô lành xung quanh. Đây là xu thế tất yếu chúng ta phải đi trong điều trị ung thư, đặc biệt, trong điều trị bệnh ung thư cho các bệnh nhân ung thư trẻ em.
Từ đó, ông Thức đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm đầu tư 2 trung tâm điều trị xạ trị bằng Proton ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để người dân Việt Nam có thể áp dụng và hưởng thụ kỹ thuật tiên tiến nhất của thế giới. Nhất là chúng ta có một điều kiện rất thuận lợi là các bác sỹ đang công tác trong ngành xạ trị ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể tiếp cận kỹ thuật này sau 6 tháng đào tạo. Các nước xung quanh như Singapore, Thái Lan, Trung Quốc đều đã triển khai kỹ thuật xạ trị Proton.