Ung thư phổi nguy hiểm chết người nhưng có thể phòng ngừa rất đơn giản
Ung thư phổi là loại ung thư có tỷ lệ tử vong cao nhất. Tuy không có biện pháp phòng tránh triệt để hoàn toàn nhưng có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng một số cách sau:
Nói không với thuốc lá
Mặc dù đến nay vẫn chưa có nguyên nhân rõ ràng dẫn đến ung thư phổi, tuy nhiên theo GS Mai Trọng Khoa, nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, BV Bạch Mai cho biết, có khoảng 90% bệnh nhân bị ung thư phổi là do hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc trong thời gian dài.
Khói thuốc lá chứa 7.000 chất độc, trong đó có 69 chất gây ung thư bằng cách làm tổn hại DNA của tế bào. Hút thuốc lá không những gây ung thư phổi mà còn gây ra các bệnh ung thư khác như ung thư thanh quản, vòm họng, thực quản, dạ dày...
Do vậy, không hút thuốc lá là biện pháp tiên quyết nhất để phòng ngừa ung thư phổi.
Tránh xa không khí ô nhiễm
Ô nhiễm không khí từ rác sinh hoạt, nước thải, khói bụi xe cộ… đều là mối nguy cơ gia tăng tỉ lệ mắc bệnh ung thư phổi. Khi cơ thể tiếp xúc với các khí thải từ môi trường ô nhiễm có thể làm tổn hại đến cổ họng ADN, gia tăng nguy cơ bị mắc phải ung thư. Do đó, bạn cần chú ý đến môi trường sống hàng ngày, sử dụng các biện pháp bảo vệ hệ hô hấp như sử dụng khẩu trang khi tham gia giao thông, chú ý khử trùng nơi ở.
Ăn uống lành mạnh
Để phòng ngừa ung thư phổi hiệu quả, bạn cần thiết lập cho mình một chế độ dinh dưỡng lành mạnh và khoa học mỗi ngày bằng việc kết hợp nhiều rau xanh, trái cây giúp cung cấp đủ vitamin C, E, và các khoáng chất thiết yếu nhằm giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt, đồng thời hỗ trợ cơ thể tránh khỏi các nguy cơ dẫn đến các bệnh ung thư.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần hạn chế ăn thức uống chế biến sẵn và đồ ăn nhanh bởi chúng chứa nhiều muối, chất bảo quản, đường công nghiệp, bột tinh luyện, phẩm màu... có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi.
Sử dụng dụng cụ bảo hộ lao động
Một số công việc có tính chất đặc thù như: than đá, xăng dầu, phẩm nhuộm, phun sơn, công nghiệp nhựa, kỹ nghệ kim loại nặng…thường ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi. Do đó, khi bạn thường xuyên phải tiếp xúc với các hóa chất độc hại thì cần trang bị đầy đủ đồ bảo hộ chuyên dụng gồm kính, găng tay, áo quần,… cần chú ý thực hiện theo đúng những chỉ dẫn an toàn lao động.
Luyện tập thể thao thường xuyên
Tập thể dục thể thao chính là phương thức tối ưu nhất cho bất cứ loại bệnh nào, đặc biệt là đối với những căn bệnh hiểm nghèo cần phải ngăn ngừa như ung thư. Tập thể dục sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, làm thông khí phổi tốt, khả năng miễn dịch sẽ tăng, lúc đó các tế bào lạ cũng ít có cơ hội phát triển thành khối u, đẩy lùi ung thư hiệu quả hơn.
Bạn nên dành 30 phút mỗi ngày để tập luyện thể dục bằng các bài tập được nhiều chuyên gia sức khỏe khuyên tập thường xuyên như: chạy bộ, đạp xe đạp, bơi, yoga, thiền, gym...
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Ngoài những biện pháp phòng ngừa trên, bạn nên dành thời gian đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần. Các phương pháp chụp CT liều thấp, X-quang, xét nghiệm máu… có thể phát hiện ung thư phổi từ giai đoạn sớm, khi người bệnh chưa có triệu chứng. Điều trị ngay ở giai đoạn đầu sẽ mang lại hiệu quả cao hơn và tăng cơ hội sống cho bệnh nhân.