Ung thư tuyến giáp không chỉ ở nữ giới
Không ít nam giới nhập viện khi ung thư tuyến giáp đã ở giai đoạn muộn vì quan niệm căn bệnh này chỉ gặp ở nữ giới.
Bất ngờ phát hiện mắc ung thư tuyến giáp
Không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào và chưa từng siêu âm tuyến giáp trước đó, nhưng trong lần khám sức khỏe mới đây, anh N.M.T (26 tuổi, TP.HCM) bất ngờ khi nhận kết quả ung thư tuyến giáp thể nhú giai đoạn I.
Theo đó, kết quả siêu âm tuyến giáp cho thấy nhân thùy trái kích thước 6x8mm, bờ không đều, trục dọc, vi vôi hóa; kèm hạch to vùng cổ bên trái kích thước 22x12mm. Nhận thấy bất thường, bác sĩ chỉ định thêm xét nghiệm FT3, FT4, TSH đánh giá chức năng tuyến giáp, đồng thời, chọc hút tế bào bằng kim nhỏ nhân giáp và hạch cổ để làm rõ chẩn đoán. Kết quả anh T ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú thùy trái, hạch cổ chỉ là hạch viêm. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt thùy trái và eo tuyến giáp; tiên lượng nguy cơ tái phát, di căn sau mổ rất thấp.
BSCKI. Nguyễn Thị Mỹ Lệ, Chuyên khoa Nội, Phòng khám Đa khoa Medlatec Gò Vấp cho biết: "Ung thư tuyến giáp thể nhú có tiên lượng rất tốt, tỷ lệ sống cao >98%, đồng thời bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn sớm là điều kiện thuận lợi để điều trị thành công, giảm thiểu tối đa nguy cơ tái phát"
Không may mắn như anh T, ông N.H.V. (50 tuổi, Bình Dương) phát hiện ung thư tuyến giáp đã di căn hạch hai bên cổ trong 1 lần đi khám sức khỏe. Vốn thuộc nhóm béo phì, cổ ngấn mỡ nên ông V không phát hiện ra hạch. Theo bác sĩ điều trị, nếu đến bệnh viện trễ hơn, tế bào ác tính di căn xa tới phổi, não, xương… gây đau tức, ê nhức, khó thở, thậm chí tử vong. Ông V được phẫu thuật cắt tuyến giáp, nạo vét hạch cổ.
Theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2022, trên thế giới có khoảng 821.214 ca mắc mới và 47.507 ca tử vong do ung thư tuyến giáp. Tại Việt Nam, ung thư tuyến giáp đứng thứ 6 trong những loại ung thư thường gặp, với 6.122 ca mắc mới, 858 ca tử vong mỗi năm.
Tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp ở nữ cao gấp 3 lần nam giới, tuy nhiên, không có nghĩa rằng nam giới có thể chủ quan với căn bệnh này. Ở nam, bệnh có xu hướng tiến triển nhanh, dễ di căn hạch, phổi, xương, não… và nguy cơ tái phát cao.
Đáng lưu ý, phần lớn nam giới phát hiện ung thư tuyến giáp ở giai đoạn trễ, tiên lượng xấu nếu không điều trị kịp thời.
BS Mỹ Lệ cho biết, ung thư tuyến giáp giai đoạn sớm thường không có triệu chứng, được phát hiện tình cờ thông qua siêu âm tuyến giáp định kỳ. Ở giai đoạn muộn hơn, triệu chứng thường gặp có thể kể đến như xuất hiện khối u vùng cổ di động theo nhịp nuốt, sưng đau, khàn tiếng, khó thở, nuốt vướng, hay nổi hạch cổ. "Mặc dù là căn bệnh phổ biến ở nữ giới, nhưng nam giới không nên chủ quan với bệnh lý ác tính này, cần siêu âm tuyến giáp định kỳ để sàng lọc bệnh", BS Lệ thông tin.
Còn theo BS CKII Đoàn Minh Trông, Đơn vị Đầu Mặt Cổ, BVĐK Tâm Anh, ung thư tuyến giáp ở nam giới tiến triển nhanh, dễ di căn hạch, phổi, xương, não… và nguy cơ tái phát cao. Đáng lưu ý, phần lớn nam giới phát hiện ung thư tuyến giáp ở giai đoạn trễ, tiên lượng xấu nếu không điều trị kịp thời.
Nam giới chớ chủ quan với ung thư tuyến giáp
BS Trông cho biết, dù ung thư tuyến giáp thường xảy ra ở nữ giới, gấp 3 lần nam, nhưng hiện tỷ lệ nam giới bị ung thư tuyến giáp ngày càng gia tăng. Nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp ở nam giới gia tăng chưa chính xác nhưng bệnh có một số yếu tố nguy cơ: thừa cân, béo phì, lượng iốt thấp, tiếp xúc với bức xạ, di truyền… Đáng lưu ý, nam giới mắc ung thư tuyến giáp có tiên lượng xấu hơn phụ nữ.
"Nhiều nam giới còn chủ quan, khi phát hiện bướu không đi khám ngay để chẩn đoán, điều trị kịp thời. Đồng thời, vùng cổ nam giới có cấu tạo nhiều cơ chắc, nên khó nhìn thấy u. Do vậy, nam giới thường phát hiện bệnh ở giai đoạn trễ, tiên lượng xấu hơn", BS Trông thông tin thêm.
Để sớm phát hiện và kiểm soát ung thư tuyến giáp, BS Mỹ Lệ khuyến cáo, ung thư tuyến giáp, đặc biệt thể nhú ở người trẻ, thường có tiên lượng rất khả quan, tỷ lệ điều trị thành công cao. Nếu được phát hiện sớm và can thiệp đúng phương pháp, tỷ lệ sống sau 10 năm có thể đạt 98% và sau 20 năm là 90%. Do vậy, người dân nên có thói quen tầm soát sức khỏe định kỳ 1-2 năm/lần để bảo vệ sức khỏe, phát hiện sớm các bệnh lý tiềm ẩn và có kế hoạch điều trị kịp thời.