Ung thư tuyến giáp: Triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị
Ung thư tuyến giáp là tình trạng tăng sinh bất thường các tế bào tuyến giáp. Đây là bệnh lý ác tính thường gặp nhất trong số các ung thư tuyến nội tiết.
Ung thư tuyến giáp là bệnh lý tiên lượng rất tốt. Tỷ lệ sống thêm 10 năm trung bình của nhóm biệt hóa khoảng gần 90%.
Triệu chứng của ung thư tuyến giáp
Ở giai đoạn sớm, các triệu chứng của ung thư tuyến giáp thường rất nghèo nàn. Bệnh nhân thường đến viện với triệu chứng đầu tiên là nhìn thấy hoặc sờ thấy khối u vùng cổ hoặc phát hiện tình cờ qua siêu âm tuyến giáp. Ở giai đoạn sớm, có thể phát hiện ra ung thư tuyến giáp bằng việc khám sức khỏe định kỳ.
Ở giai đoạn muộn hơn, bạn có thể sờ thấy một khối/hạch ở vùng cổ (tuyến giáp) nổi gồ trên da. Rất hiếm gặp khối/hạch cổ tuyến giáp vỡ nhỏ xâm lấn ra ngoài da. Bên cạnh đó ung thư tuyến giáp thường có các biểu hiện:
Khối u trước cổ di động theo nhịp nuốt.
Nuốt vướng do khối u chèn vào thực quản
Khàn tiếng không rõ nguyên nhân và không thuyên giảm sau vài tuần. Khối u chèn ép, xâm lấn dây thần kinh quặt ngược gây nói khàn. Đây là đặc điểm có thể gợi ý khối u giáp là ung thư bởi khối u giáp lành tính hiếm khi gây khàn tiếng.
Khó thở khi u xâm lấn vào khí quản
Ở giai đoạn muộn hơn bạn có thể nhận thấy những triệu chứng của di căn xa như đau xương trong di căn xương, phổi, não và thường gặp ở ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa hơn ung thư tuyến giáp biệt hóa.
Lưu ý, những triệu chứng cũng có thể là biểu hiện của những bệnh khác. Tuy nhiên khi có những triệu chứng này, bạn nên đi khám chuyên khoa và tổng quát tại các cơ sở y tế.
Chẩn đoán ung thư tuyến giáp
Khi xuất hiện một khối u ở tuyến giáp, cần phân biệt với u nang tuyến giáp, u tuyến nang, viêm tuyến giáp, bướu cổ đơn thuần, Basedow. Chẩn đoán xác định ung thư tuyến giáp thường dựa vào thăm khám cận lâm sàng và các phương pháp cận lâm sàng, quan trọng nhất là chẩn đoán mô bệnh học.
Các phương pháp khám cận lâm sàng bao gồm:
- Chẩn đoán tế bào sinh học (chọc hút kim nhỏ - FNA): Cho kết quả nhanh, an toàn, giá trị cao và có thể làm tế bào học tại u hoặc tại hạch.
- Sinh thiết kim tuyến giáp: Cho phép có chẩn đoán xác định trước mổ và được tiến hành dưới sự hướng dẫn của siêu âm.
- Sinh thiết tức thì trong mổ: Được áp dụng rộng rãi vì dễ tiến hành, độ nhạy, độ đặc hiệu cao. Kết hợp thăm khám lâm sàng, hình ảnh đại thể của khối u trong mổ và sinh thiết tức thì cho phép chẩn đoán đúng gần như 100% ung thư tuyến giáp.
- Siêu âm vùng cổ: Xác định vị trí, số lượng, kích thước, tính chất, sự xâm lấn của u tuyến giáp và hạch cổ.
- Chụp CT Scan và chụp MRI vùng cổ
- Xạ hình tuyến giáp và PET-CT với 18F-FDG: Hai phương pháp này mặc dù ý nghĩa trong chẩn đoán xác định không cao nhưng có ý nghĩa trong theo dõi sau điều trị và phát hiện tái phát, di căn.
- Chỉ điểm sinh học, các xét nghiệm hormone tuyến giáp
- Chẩn đoán mô bệnh học
Điều trị ung thư tuyến giáp
Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp được lựa chọn đầu tiên đối với ung thư tuyến giáp. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp kết hợp với nạo vét hạch cổ là phương pháp điều trị tối ưu nhất. Các kỹ thuật bao gồm:
Cắt một thùy và eo giáp trạng
Cắt toàn bộ tuyến giáp
Một số trường hợp đã di căn hạch cổ, bạn cần được lấy bỏ toàn bộ tổ chức hạch bạch huyết quanh tuyến giáp.
Ngoài ra, còn có một số phương pháp điều trị khác tùy thuộc vào từng thể trạng bệnh.
I ốt phóng xạ
Bệnh nhân sẽ sử dụng một lượng nhỏ i ốt phóng xạ thông qua đường uống dưới dạng lỏng hoặc viên nén. Các tế bào lành tính và ác tính sẽ bắt nguồn phóng xạ này và bị tiêu diệt.
Phương pháp này chỉ được áp dụng khi bệnh nhân đã được cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp. Khi áp dụng phương pháp này, bệnh nhân sẽ được yêu cầu hạn chế i ốt trong khẩu phần ăn.
Điều trị ung thư tuyến giáp bằng hormone
Sau khi cắt toàn bộ tuyến giáp hoặc sau khi điều trị i ốt phóng xạ. Bệnh nhân sẽ được cung cấp một liệu pháp hormone trọn đời. Liệu pháp này giúp kìm hãm sự phát triển của bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại sau khi tuyến giáp được cắt bỏ.
Xạ trị
Xạ trị từ bên ngoài là sử dụng các tia X có mức năng lượng cao chiếu vào cơ thể nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư và xạ ngoài là nguồn xạ được đặt ngoài cơ thể. Xạ trị chỉ được chỉ định trong một số trường hợp nhất định. Điển hình là ở giai đoạn cuối khi tế bào ung thư đã di căn. Vai trò của phương pháp này trong điều trị ung thư tuyến giáp còn hạn chế. Hơn nữa thường không chỉ định cho các bệnh nhân trẻ tuổi.
Hóa trị (hóa chất)
Dùng thuốc có tác dụng mạnh để tiêu diệt tế bào ung thư. Hóa trị không phải là phương pháp phổ biến khi điều trị ung thư tuyến giáp.
Điều trị đích
Điều trị đích thường chỉ tác động đến tế bào ung thư, không diệt các tế bào lành. Phương pháp này được chỉ định khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Phương pháp này được chỉ định khi bệnh nhân không đáp ứng với điều trị bằng i ốt phóng xạ.