Ung thư tuyến tụy - sát thủ thầm lặng
Ung thư tuyến tụy được ví như 'sát thủ thầm lặng' bởi nó tấn công cơ thể và phát triển rất lặng lẽ cho tới khi phát ra triệu chứng thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Theo khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, trong số các loại ung thư thì ung thư tuyến tụy chỉ đứng vị trí 14 về tỷ lệ ca mắc, nhưng lại xếp thứ 7 về tỷ lệ bệnh nhân tử vong do căn bệnh này.
BS Nguyễn Thành Khiêm - Khoa Phẫu thuật tiêu hóa - Gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ung thư tuyến tụy có tiên lượng rất xấu, mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và giảm được tỷ lệ tử vong và biến chứng sau mổ tuy nhiên tỷ lệ sống sau 1 năm chỉ là 68% và sau 5 năm là 18,7%. Đối với những bệnh nhân ung thư tuyến tụy tiến triển tại chỗ, tỷ lệ sống quá 3 năm là rất hiếm. Với những bệnh nhân ung thư tuyến tụy đã có di căn cùng các triệu chứng sụt cân và đau, cơ hội sống sót được 1 năm là dưới 20% cho những người được hóa trị và dưới 5% cho những người chọn lựa không nhận hóa trị. Nguyên nhân chủ yếu khiến ung thư tụy có tiên lượng xấu so với ung thư tiêu hóa khác là bởi tụy có vị trí đặc biệt ở rất sâu trong ổ bụng, triệu chứng lâm sàng nghèo nàn lại dễ nhầm với bệnh khác nên người bệnh thường được chẩn ở giai đoạn muộn.
Theo BS Khiêm, hiện nay nguyên nhân cụ thể của ung thư tuyến tụy vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra được các yếu tố nguy cơ có liên quan mật thiết tới cơ chế bệnh sinh. Đó là các yếu tố như hút thuốc lá, béo phì, tiểu đường, và một số bệnh về gen hiếm gặp.
Một trường hợp cụ thể, bệnh nhân P.T.N (nam 38 tuổi) có thói quen sử dụng rượu kèm theo hút thuốc lá mỗi ngày trung bình 1 bao. Cách ngày vào viện một tháng, anh N xuất hiện đau bụng vùng thượng vị âm ỉ kèm theo vàng mắt, vàng da, sút 5 kg trong vòng 1 tháng.
Anh N đi khám và điều trị tại nhiều bệnh viện lớn ở Hà Nội và được chẩn đoán là tắc mật do viêm tụy mạn. Sau một thời gian điều trị nhưng tình trạng bệnh không tiến triển, bệnh nhân tìm hiểu thông tin và đã đến phòng khám Khoa Phẫu thuật tiêu hóa - Gan mật tụy, bệnh viện Bạch Mai với thể trạng gầy, da niêm mạc vàng đậm, đau nhiều thượng vị lan sau lưng, ăn uống kém.
Sau khi làm các thăm dò, bác sĩ quyết định phẫu thuật cho người bệnh với chẩn đoán: tắc mật do viêm tụy mạn, sỏi tụy, theo dõi u đầu tụy. Kết quả giải phẫu bệnh khối tá tụy và tổ chức hạch quanh tụy là ung thư biểu mô tuyến tụy trên nền viêm tụy mạn tính. Tuy phẫu thuật thành công nhưng BS. Khiêm chia sẻ, tiên lượng trường hợp này sẽ rất nặng do tụy viêm đã ung thư hóa và di căn hạch.
BS Lê Công Định - Khoa Nội II, bệnh viện ung bướu Hà Nội cho biết thêm, một trong những dấu hiệu thường gặp nhất của ung thư tụy là đau bụng, thường bắt đầu xuất hiện trước khi phát hiện bệnh khoảng 1- 2 tháng và tăng dần nhưng ban đầu thường chỉ đau thoáng qua vùng thượng vị nên dễ nhầm với viêm dạ dày. Một số dấu hiệu khác có thể kể đến như vàng da, suy nhược, sụt cân, chán ăn, tiêu chảy, đái tháo đường.
Để phòng ngừa nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần bỏ các yếu tố nguy cơ như không hút thuốc lá, duy trì cân nặng hợp lý bằng cách ăn uống khoa học. Luyện tập thể dục đều đặn và tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại… cũng là cách phòng ngừa ung thư tuyến tụy hiệu quả.
Ngoài ra, viêm tụy, đái tháo đường cũng là một trong số những yếu tố nguy cơ dẫn tới ung thư tụy. Do đó, nếu có tiền sử bệnh đái tháo đường, viêm tụy cấp hoặc viêm tụy mạn tính, người bệnh nên thăm khám theo dõi tầm soát định kỳ theo lời khuyên của bác sĩ.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ung-thu-tuyen-tuy--sat-thu-tham-lang-5723620.html