Ứng trực các điểm xung yếu để chống bão số 6
Trước diễn biến phức tạp, khả năng gây thiệt hại lớn của bão số 6, các tỉnh đang tập trung các giải pháp ứng phó với mọi tình huống. Với phương châm 'bốn tại chỗ' (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ) trong phòng chống thiên tai, Bình Định, Quảng Ngãi đều ứng trực tại các điểm xung yếu để trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống bão số 6.
Quảng Ngãi chủ động các phương án ứng phó bão số 6
Sáng 9-11, đoàn công tác của Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai do Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường làm Trưởng đoàn đã làm việc và kiểm tra công tác phòng, chống bão số 6 tại tỉnh Quảng Ngãi.
Đoàn công tác của Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền tại cảng cá Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ (Ảnh: Hiển Cừ).
Tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính cho biết, đến thời điểm này, đã liên lạc với 100% tàu cá đánh bắt trên các vùng biển tìm nơi trú tránh. Riêng 11 tàu cá với hơn 303 ngư dân đã vào trú, cập bến tại vùng biển Philippines an toàn. Trong đó, năm tàu cá đang trú tránh tại cảng Olongapo, Ludong hiện lương thực, nhiên liệu gần hết nên UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản đề nghị Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ để các tàu được mua 10.000 lít dầu DO cùng lương thực, thực phẩm tại Philippines.
Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã xây dựng phương án ứng phó với bão, mưa lũ và sạt lở tại các địa bàn trọng điểm chịu ảnh hưởng thiên tai. Trong đó, xác định huyện đảo Lý Sơn và Đức Phổ là hai địa phương chịu ảnh hưởng bão số 6 nặng nhất nên đã bố trí lực lượng bộ đội, công an và dân quân tại chỗ sẵn sàng giúp dân. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi thành lập Ban Chỉ huy tiền phương tại huyện đảo Lý Sơn và Đức Phổ. Đồng thời, khi tình huống khẩn cấp tiến hành sơ tán xen ghép và sơ tán tập trung 3.614 hộ với 13.633 nhân khẩu ở các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp ở huyện đảo Lý Sơn, Đức Phổ và các xã ven biển.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao tinh thần khẩn trương ứng phó bão số 6 của tỉnh Quảng Ngãi theo phương châm bốn tại chỗ.
“Dù chủ động trên các hướng tuyến, các nội dung ứng phó nhưng tuyệt đối không được chủ quan vì bão số 6 càng vào gần bờ tốc độ lớn, khả năng bão cập bờ vào đêm, thời gian lưu bão khá dài, trong khi đó Quảng Ngãi là một trong những tỉnh tâm bão đổ bộ”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường lưu ý đồng thời đề nghị tỉnh Quảng Ngãi cần rà soát, tổng kiểm tra lại tàu thuyền vào bến neo trú, sắp xếp khoa học nhằm hạn chế thiệt hại do bị va đập khi có gió lớn; vận động người dân chằng chống nhà cửa, chú ý sạt lở ở vùng miền núi, kiểm tra các vị trí dự kiến sơ tán dân và hoàn tất việc sơ tán dân vào trưa 10-11.
Trưa cùng ngày, đoàn công tác của Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai đã kiểm tra công tác phòng, chống bão số 6 tại huyện Đức Phổ.
Bình Định cho phép học sinh nghỉ học vào ngày 11-11
Trước diễn biến phức tạp, khả năng gây thiệt hại lớn của bão số 6, tỉnh Bình Định đang tập trung các giải pháp ứng phó với mọi tình huống. Với phương châm “bốn tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ) trong phòng chống thiên tai, Bình Định hiện nay đã xây dựng lực lượng tại chỗ khá đồng bộ và đầy đủ. Hiện nay, tất cả lãnh đạo Bình Định đều ứng trực tại các điểm xung yếu để trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống bão số 6.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng yêu cầu các địa phương dừng tất cả các cuộc họp, tập trung ứng phó với bão số 6, lấy việc bảo vệ tính mạng người dân làm nhiệm vụ hàng đầu. Do đó, công tác sơ tán dân ở các vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở đất, bị triều cường đang được khẩn trương thực hiện, chậm nhất trước 12 giờ ngày 10-11 phải hoàn thành. Hiện nay, gần 140 hộ dân sống dọc kè biển ở thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định) đang khẩn cấp di dời về trụ sở thôn và trường học trên địa bàn. Hàng ngàn hộ dân ở các vùng nguy hiểm khác cũng đang được các lực lượng chức năng giúp di chuyển đến nơi an toàn.
Theo báo cáo của Sở NN và PTNT Bình Định, cả tỉnh có 6.233 tàu cá, đến trưa 9-11 đã có 5.661 tàu cá neo đậu tại các cảng cá Quy Nhơn, Đề Gi, Tam Quan và các bến tàu ở các địa phương ven biển trong tỉnh; số tàu còn lại đang còn ngoài khơi hiện đã thoát ra khỏi vùng nguy hiểm và neo đậu tại các âu tàu của các tỉnh khác và quần đảo Trường Sa.
Bộ chỉ huy BĐBP đã phối hợp với Chi cục Thủy sản, Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn, các huyện, thành phố ven biển khẩn trương thông báo, kêu gọi, hướng dẫn toàn bộ tàu thuyền tăng tốc chạy ra khỏi vùng nguy hiểm và neo đậu an toàn; Bộ chỉ huy BĐBP cũng yêu cầu các đơn vị mở đài canh 24/24 để tiếp nhận thông tin, kiểm soát tàu thuyền, hướng dẫn các chủ phương tiện tránh trú hoặc không đi vào vùng nguy hiểm của bão. Lực lượng BĐBP tỉnh đã sẵn sàng lực lượng, phương tiện để giúp dân, cứu dân khi cần; các trạm kiểm soát biên phòng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kiên quyết không cho xuất bến các phương tiện khi thời tiết xấu, thực hiện nghiêm lệnh cấm biển.
Ông Nguyễn Minh Khải, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Tam Quan cho biết: Hiện nay khu vực Cảng cá Tam Quan có trên 1.400 tàu thuyền của ngư dân đang neo đậu trong cảng. Ban quản lý đã tổ chức sắp xếp tàu neo đậu, hướng dẫn ngư dân chằng chống, cố định tàu thuyền, hạn chế thấp nhất nguy cơ tàu va đập vào nhau. Bên cạnh đó, ban quản lý cũng đã hợp đồng với một số DN chuẩn bị các phương tiện cơ giới cần thiết để kịp thời lai dắt tàu cá trong trường hợp tàu bị trôi dạt.
Theo ông Vũ Thế Quang, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn: Hiện có 56 tàu hàng neo đậu tại cảng Quy Nhơn đã được đơn vị bố trí vào các khu vực neo đậu an toàn. Cảng vụ cũng đã khuyến cáo các tàu sắp tới làm hàng tại Quy Nhơn tạm thời chuyển hướng vào các cảng khác để tránh bão. Đồng thời, yêu cầu các tàu kiểm tra neo tàu kỹ lưỡng, đưa tất cả người trên tàu không phải là thuyền viên ra khỏi tàu trong thời gian có bão; việc bốc dỡ hàng hóa của các tàu tại cảng Quy Nhơn phải thực hiện xong trước trưa ngày 9-11.
Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 5, Công ty Điện lực Bình Định đã yêu cầu các điện lực địa phương cần tăng cường kiểm tra hành lang lưới điện và các khu vực xung yếu, đồng thời, trang bị vật tư, thiết bị, phương tiện sẵn sàng cho công tác PCTT&TKCN; tổ chức ứng trực 100% quân số cũng như chuẩn bị đầy đủ các thiết bị, vật tư dự phòng trước và sau khi bão đổ bộ nhằm xử lý kịp thời các tình huống, bảo đảm cung cấp điện, an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị, công trình và cho nhân dân.
Sở GD-ĐT có công văn cho phép học sinh, học viên được nghỉ học vào thứ 2 (ngày 11-11). Sau ngày này, hiệu trưởng các trường căn cứ vào tình hình mưa lũ sau bão và thực tế ở địa phương để quyết định thời gian đi học lại (đề phòng tai nạn xảy ra trên đường đến trường do bị nước lũ chia cắt, cây xanh, tường rào đổ sập, rò rỉ điện). Giám đốc Sở GD-ĐT yêu cầu các đơn vị rà soát kế hoạch, các biện pháp cụ thể để bảo đảm an toàn cho cơ sở vật chất nhà trường, bảo quản tốt hồ sơ, thiết bị giảng dạy, chủ động ứng phó khi mưa bão xảy ra, tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người…
* Phú Yên dồn sức chống bão
Công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 6 tại Phú Yên đang rất khẩn trương, quyết liệt. Các phương tiện tàu cá xa bờ công suất lớn đã được di chuyển từ cảng cá phường 6 đi sâu vào trong sông Chùa, neo đậu chắc chắn dọc theo kè Bạch Đằng. Trong khi đó, hàng trăm phương tiện đánh bắt công suất nhỏ đã được câu kéo lên bờ, che đậy, sắp xếp theo dọc theo vỉa hè tuyến đường Bạch Đằng.
Ông Phan Thuẫn, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6 cho biết, tất cả tàu thuyền của bà con đã vào bờ neo đậu an toàn. Một số phương tiện đang đánh bắt trên biển ở vùng đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 cũng đã nhận được tin và tìm nơi tránh trú an toàn. Đối với gia đình của ngư dân đang khai thác ngoài biển, lực lượng xung kích của phường, của thành phố đã đến hỗ trợ, giúp đỡ chằng chống nhà cửa, bảo đảm an toàn cho gia đình.
Trung úy Nguyễn Duy Linh, trạm trưởng Trạm kiển soát Biên phòng Đà Rằng cho biết, trạm đang phụ trách 635 phương tiện tàu thuyền, trong đó có 388 tàu cá đánh bắt xa bờ tại hai phường Phú Đông và phường 6, thành phố Tuy Hòa. Hiện tại, 215 phương tiện/1319 lao động đang khai thác trên biển thuộc vùng đảo Trường Sa, nhà giàn DK1.
Qua hệ thống thông tin liên lạc các chủ tàu cá đã nhận được tin bão và tìm nơi tránh trú an toàn. “Thực hiện lệnh cấm biển từ 7 giờ ngày 9-11, tất cả đều chấp hành và mọi phương tiện tàu thuyền đã vào nơi neo đậu an toàn. Chúng tôi chấp hành chỉ đạo của cấp trên duy trì trực 24/24 để thường xuyên nắm bắt thông tin với các phương tiện, chủ động ứng phó với mội tình huống.” Trung ủy Nguyễn Duy Linh nói.
Tại huyện Đông Hòa, việc phòng chống bão số 6 đang tập trung vào việc vận động sơ tán người nuôi trồng trên các lồng, bè tại Vũng Rô. Theo đó, UBND huyện đã có công văn hỏa tốc triển khai các phương án di dời, bảo đảm an toàn tính mạng tài sản cho bà con khi bão số 6 đổ bộ vào đất liền. Theo báo cáo, hiện nay, tại Vũng Rô số hộ nuôi thủy sản bằng lồng bè 283 hộ/294 bè nuôi với 13.713 ô, lồng.
Tại thôn Hòa An, xã Xuân Hòa, thị xã Sông Cầu, nơi dự báo sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 6, UBND thị xã đã cử lực lượng ứng trực tại chỗ để giúp bà con.
Ông Lê Xuân Hiền, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa, thị xã Sông Cầu cho biết, hiện nay cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Xuân Hòa thường xuyên có mặt tại địa bàn, cùng với chính quyền địa phương và các lực lượng tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động phòng, chống bão và trực tiếp tham gia giúp nhân dân gia cố bờ bao, phòng chống triều cường xâm thực, chằng chống nhà cửa, vận chuyển hàng trăm bao cát để lên mái nhà chống tốc mái.
Tính đến 14 giờ 30 ngày 9-11, còn 216/1.326 lao động của ngư dân Phú Yên đang hoạt động tại các vùng biển và đã tìm nơi tránh trú an toàn. Hơn 4.000 phương tiện tại các địa phương ven biển của tỉnh cũng đã được hướng dẫn, sắp xếp neo đậu an toàn tại các bến bãi. Sáng ngày 9-11, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú yên đã triển khai các đơn vị tổ chức lực lượng chằng chống nhà cửa, doanh trại; kiểm tra hệ thống kho tàng, hệ thống điện chiếu sáng; chặt tỉa cây cối và khơi thông hệ thống thoát nước; đồng thời chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn tại những khu vực trọng điểm, xung yếu để sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu. Sau triển khai, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã thành lập hai đoàn cán bộ tiến hành kiểm tra công tác chuẩn bị lực lượng, phương tiện, kế hoạch phòng chống, tìm kiếm cứu nạn tại các đơn vị, các huyện, thị xã, thành phố; đồng thời kiểm tra nắm chắc địa hình, địa bàn dân cư các khu vực trọng điểm thường xuyên bị ảnh hưởng của bão lũ để có phương án chuẩn bị lực lượng ứng cứu cho phù hợp. Các lực lượng, phương tiện túc trực 24/24 giờ ở các địa bàn xung yếu, thường xuyên cập nhật tình hình, sẵn sàng cùng nhân dân ứng phó khi bão đổ bộ vào đất liền.
Theo dự báo, hoàn lưu bão số 6 sẽ gây mưa to và ngập lụt tại nhiều vùng hạ du của tỉnh Phú Yên. Trong khi đó phía thượng nguồn các con sông của tỉnh có rất nhiều hồ, đập. Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạ (PCTT và TKCN) tỉnh đã tổ chức kiểm tra và chỉ đạo công tác ứng phó bão số 6 tại các công trình hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh.
Cũng theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện Tuy An, đến trưa ngày 9-11, các xã, thị trấn và cơ quan chức năng ở huyện Tuy An đã triển khai thực hiện phương án sẵn sàng đối phó với cơn bão số 6. Tuyên truyền, vận động ngư dân đưa hơns 660 phương tiền tàu thuyền vào tránh trú tại hai khu vực lạch Vạn Củi (xã An Ninh Tây) và lạch Phú Lương (xã An Ninh Đông). Di dời gần 1.250 lồng, bè nuôi cá biển và tôm hùm vào khu vực kín gió hoặc nhấn chìm lồng, bè xuống độ sâu bảo đảm an toàn cho vật nuôi, đồng thời yêu cầu hộ nuôi lồng bè hải sản cam kết rời chòi canh trước khi cơn bão số 6 đổ vào đất liền.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Tuy An tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hộ dân chú trọng chằng chống nhà cửa và lên phương án sẵn sàng di dời, sơ tán hơn 1.200 hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm, khu vực bị chia cắt, vùng thường bị triều cường xuất hiện và tình trạng sạt lở đất gây hại vào nơi an toàn.
Ông Phạm Đại Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, cả hệ thống chính trị của địa phương tập trung để phòng chống bão số 6. Địa phương đang huy động 6.200 người thuộc các lực lượng quân đội, dân quân tự vệ hỗ trợ hơn 3.500 hộ dân trên các lồng, bè nuôi trồng thủy sản ở các huyện Đông Hòa, Tuy An và thị xã Sông Cầu vào bờ an toàn trước khi bão số 6 đổ bộ. Hơn 400 hộ dân vùng nguy cơ sạt lở dọc hai bên bờ sông Ba, sông Kỳ Lộ, cũng được sơ tán đến vùng cao an toàn.