Ứng viên Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc trình bày chương trình hành động
Bà Baerbock nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của bà nếu đắc cử Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ là đưa Liên hợp quốc vận hành thích ứng với tương lai, phù hợp với tôn chỉ mục đích.

Cựu Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ngày 15/5, cựu Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock, người được đề cử vào chức Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, đã nêu bật tầm nhìn về vai trò của Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, đồng thời cam kết đưa thiết chế này hoạt động hiệu quả, bao trùm hơn.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, trong khuôn khổ chương trình vận động tranh cử tại New York cho cương vị Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2025-2026, bà Baerbock đã tham gia phiên đối thoại không chính thức với các nước thành viên Đại hội đồng tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York.
Tại phiên đối thoại, cựu Ngoại trưởng Đức khẳng định nếu đắc cử Chủ tịch Đại hội đồng, bà sẽ phụng sự toàn bộ 193 quốc gia thành viên không phân biệt lớn nhỏ, thể hiện rõ vai trò của một nhà trung gian đáng tin, người tạo lập gắn kết với quan điểm cởi mở.
Theo bà Baerbock, trước dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập vào năm nay, Liên hợp quốc đang phải đối mặt với loạt thách thức mang tính sống còn. Hiện trên thế giới có khoảng 120 xung đột đang bùng phát, trong khi việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) không đạt tiến độ, Liên hợp quốc chịu sức ép lớn về chính trị và tài chính.

Quang cảnh phiên đối thoại. (Ảnh: Hoài Thanh/TTXVN)
Tầm nhìn hành động của bà Baerbock tập trung vào chủ đề “gắn kết cùng nhau để tốt hơn” (Better Together). Bà nhấn mạnh: “Những khủng hoảng và thách thức đè nặng lên chúng ta dưới góc độ cộng đồng quốc tế, nhưng cũng cho thấy vai trò của Liên hợp quốc cần thiết hơn bao giờ hết.”
Bà Baerbock nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của bà nếu đắc cử Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ là đưa Liên hợp quốc vận hành thích ứng với tương lai, phù hợp với tôn chỉ mục đích.
Trên cương vị mới, bà cũng sẽ hướng ưu tiên vào việc bảo đảm mọi tiếng nói, quan điểm của tất cả các khu vực, nhóm nước đều được ghi nhận trong tiến trình cải cách lớn của Liên hợp quốc.
Đại hội đồng Liên hợp quốc dự kiến sẽ bầu bà Baerbock làm Chủ tịch vào tháng 6 và bà sẽ nhậm chức vào tháng 9, nhiệm kỳ 2025-2026./.