Ứng viên GS bị loại vì công bố 77 bài/9 tháng, các nhà khoa học nói gì?
Nhiều ứng viên bị loại khỏi danh sách xét Giáo sư (GS), Phó Giáo sư (PGS) năm 2020 vì số lượng bài báo khoa học quá nhiều, có ứng viên 40-50 bài/nửa năm, đặc biệt có ứng viên 77 bài/9 tháng...
Một trong những lý do khiến PGS Nguyễn Thời Trung, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, bị Hội đồng GS ngành Cơ học loại khỏi danh sách xét GS năm 2020 là do số lượng bài báo khoa học công bố quá nhiều và tăng đột biến. Năm 2019, PGS Nguyễn Thời Trung công bố 48 bài báo. Năm 2020, chỉ tính đến tháng 9, PGS Nguyễn Thời Trung đã công bố 77 bài báo.
GS.TSKH Phạm Đức Chính, Viện Cơ học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho hay, đây con số kỷ lục và bản thân ông rất bất ngờ về việc này.
Ngoài ra, năm nay Hội đồng GS ngành Y học cũng loại 5 ứng viên khỏi danh sách xét GS, PGS dù trước đó đã được Hội đồng GS Cơ sở thông qua.
GS.TS Đặng Vạn Phước, Chủ tịch Hội đồng GS ngành Y học cho hay các ứng viên bị loại do chiếu theo tiêu chuẩn “cứng” đã quy định như như GS phải có sách chuyên khảo, PGS thì phải có số giờ giảng theo quy định. Ngoài ra một số ứng viên công bố số bài báo khoa học quá nhiều trong thời gian quá ngắn.
“Có ứng viên chỉ trong nửa năm công bố từ 4-5 chục (40-50) bài báo khoa học, đây là điều không thể và thực sự không ai có thể làm được như vậy”- GS Phước nói.
77 bài báo trong 9 tháng: Rất khó
Nhìn nhận về việc công bố 77 bài báo khoa học trong 9 tháng, GS Nguyễn Đăng Hưng, nhà Cơ học người Việt tại ĐH Lìege, Vương quốc Bỉ, cho rằng điều này là không thể xảy ra trong khoa học tính toán.
Theo GS Hưng, Cơ học là tính toán và khi tính toán thì phải thử nghiệm trên máy tính nên rất kỳ công. Ở ngành Cơ học, để công bố một bài báo thông thường, nhà nghiên cứu nếu làm tốt nhất cũng phải mất 6 tháng. Có những bài báo, nhà nghiên cứu phải mất 1-2 năm mới công bố được.
“Khoa học tính toán là phải lập trình, mà muốn một lập trình chạy thì mất khoảng 3 tháng và phải thử chạy trong nhiều tình huống khác nhau. Chạy 1 lần không đủ, chạy 2 lần cũng không đủ và thậm chí phải chạy tới 5 lần đến khi kết quả tốt mới xem là thực tế khoa học và đưa ra công bố”- GS Hưng nói.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cho rằng công bố 77 bài báo khoa học trong 9 tháng nếu là thực chất thì tác giả là người “quá phi thường” hoặc “siêu nhân”. Tuy nhiên, GS Hưng nhìn nhận không thể có 77 bài báo khoa học trong 9 tháng.
“Ngay cả chuyện thẩm định nghiên cứu trước khi công bố cũng mất rất nhiều thời gian. Những nhà khoa học đàng hoàng họ thẩm định kỹ lưỡng chứ không cảm tính hay chung chung. Do vậy thẩm định 1 bài báo có thể mất tới cả tuần lễ"- GS Hưng nói.
Còn GS Trương Nguyện Thành, ĐH Utah (Mỹ), cho hay một nhà nghiên cứu công bố 77 bài báo khoa học trong 9 tháng là điều rất khó. Tuy nhiên, để đánh giá chính xác và khách quan cần trả lời rất nhiều câu hỏi.
Trước hết là xác định hồ sơ các bài báo của nhà nghiên cứu này, nhóm có bao nhiêu nghiên cứu sinh, có bao nhiêu luận án tiến sĩ, những bài báo đã công bố từ những nghiên cứu sinh nào...
Ngoài ra, GS Trương Nguyện Thành cũng cho rằng, với những bài báo đã công bố, cần xem rõ nếu là hợp tác nghiên cứu thì hợp tác với ai và cần liên hệ với những người hợp tác nghiên cứu để lấy thông tin đối chứng.
Đặc biệt, phải trả lời được câu hỏi kinh phí những nghiên cứu này lấy từ đâu và các bài báo này đăng ở những tạp chí nào. Khi trao đổi với các giáo sư trên thế giới, họ có biết hoạt động của nhóm hay không và có trao đổi khoa học trực tiếp không và những giáo sư này đánh giá như thế nào về chuyên môn của họ?.
GS Trương Nguyện Thành cho hay, để có 1 bài báo khoa học được công bố đòi hỏi phải có thời gian nghiên cứu. Ở Mỹ, trung bình một luận án tiến sĩ (1 tiến sĩ) sẽ có khoảng 4 bài báo trong thời gian 5 năm.
“Nếu một Phó Giáo sư ngành kỹ thuật mà công bố 77 bài báo trong 9 tháng thì các đại học hàng đầu ở Mỹ sẽ chiêu dụ ngay lập tức”- GS Thành nói.
Theo GS Trương Nguyện Thành, nhà nghiên cứu nên giải trình về đóng góp của mình trong những bài báo này và tại sao lại có thể đạt được thành quả như thế. Những dữ liệu tính toán cho nghiên cứu thực hiện như thế nào, ở đâu để đánh giá chính xác vấn đề này.
Không thể dựa vào cảm nhận "vậy là nhiều" và "vậy là ít"
GS Nguyễn Văn Tuấn, công tác tại Garvan, Úc, cho rằng có nhiều vấn đề liên quan đến chuyện công bố khoa học. Thứ nhất, nếu loại bỏ ứng viên chỉ vì họ công bố nhiều quá thì điều đó gián tiếp nói lên rằng tiêu chuẩn đề bạt chức vụ GS đặt nặng số lượng. Nếu quá đặt nặng vào số lượng bài báo khoa học là một sai lầm.
Thứ hai, về số lượng cần phải xem xét từng trường hợp, không thể dựa vào cảm nhận "vậy là nhiều" và "vậy là ít".
"Nếu ứng viên có Laboratory (phòng thí nghiệm) tương đối lớn, như 10 thành viên thì một năm công bố 10-20 bài là chuyện bình thường. Nếu ứng viên có labo nhỏ nhưng có hợp tác rộng rãi, theo kiểu "liên minh khoa học" hay consortium (tổ hợp) thì một năm có 20-30 bài đồng tác giả cũng là bình thường"- GS Tuấn nói.
Theo GS Nguyễn Văn Tuấn, nếu ứng viên không có Laboratory riêng, không có nhóm nghiên cứu mà mỗi năm có hơn 20 bài nghiên cứu thì có thể cần phải xem lại những bài đó công bố ở đâu; sản phẩm chất lượng khoa học ra sao bởi có những tập san "dỏm", công bố nhiều bài chỉ để thu ấn phí nhưng không có cơ chế bình duyệt nghiêm chỉnh. Như vậy, những bài công bố trên những tập san ấy sẽ không có ý nghĩa gì.
GS Tuấn cho rằng, vấn đề kế đến là xem xét vai trò và quá trình nghiên cứu của tác giả. Có những tác giả chỉ đóng vai trò khiêm tốn trong bài báo, không phải là người chủ trì nghiên cứu hay điều hành dự án. Có những tác giả chưa bao giờ công bố bài báo nhưng đột nhiên công bố hàng chục bài trong một thời gian ngắn cũng cần phải có lời giải thích.
"Đề bạt chức vụ giáo sư không nên chỉ dựa vào số lượng bài báo khoa học, mà còn phải xét đến phẩm chất khoa học và uy danh trong chuyên ngành. Phẩm chất khoa học có thể xem qua những tập san họ công bố, số trích dẫn (hay chỉ số H), ai trích dẫn và số lần tự trích dẫn. Nếu làm cẩn thận và đúng phương pháp thì cho dù họ có công bố nhiều trăm bài cũng không thể bù đắp cho sự hụt hẫng về phẩm chất khoa học được"- GS Tuấn nhận định.
Ngoài ra theo GS Tuấn, nhà khoa học không phải chỉ tối ngày lo công bố bài báo làm đẹp lí lịch của mình mà họ còn phải chứng tỏ có đóng góp cho chuyên ngành qua các hoạt động trong vai trò lãnh đạo các hiệp hội quốc tế.
Về trường hợp của PGS Nguyễn Thời Trung, GS Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, cần xét 103 bài báo công khai trong hồ sơ. Nếu lấy lý do ứng viên có quá nhiều bài và bị loại là không đáng.