Ứng viên nào của đảng Dân chủ sẽ gánh vác trọng trách 'hạ bệ' ông Trump?
Các ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ Mỹ sẽ có bài kiểm tra đầu tiên vào sáng nay.
Cuộc tranh luận trên truyền hình đầu tiên giữa các chính trị gia thuộc Đảng Dân chủ tuyên bố tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020 sẽ diễn ra tại Miami (bang Florida) vào lúc 08h00 sáng nay ngày 27/6 (giờ Việt Nam). Toàn thể phiên tranh luận sẽ được phát sóng trực tiếp trên các kênh truyền hình NBC, MSNBC và Telemundo, cũng như trên các trang mạng xã hội.
Chỉ các ứng viên nào đáp ứng được 1 trong 2 yêu cầu của Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ (DNC) trước ngày 12/6 mới được phép tham gia cuộc tranh luận này. Hoặc là phải có được tỷ lệ ủng hộ tối thiểu 1% trong 3 cuộc thăm dò dư luận được thực hiện trên cả nước hoặc ở một số bang chủ chốt, hoặc là vận động quyên góp được từ 65 nghìn cử tri từ ít nhất 20 bang. Kết quả, chỉ còn lại 20 ứng viên có thể đáp ứng được 1 trong 2 yêu cầu trên.
Cuộc tranh luận sẽ được tổ chức tại một trong những trung tâm văn hóa của Miami theo hai phiên: 10 ứng viên đầu tiên sẽ lên sân khấu vào sáng nay, số còn lại sẽ lên vào sáng mai. Mỗi phiên sẽ kéo dài trong vòng 2 giờ. Theo thông báo của đài NBC, các ứng viên sẽ có 1 phút để trả lời mỗi câu hỏi, cộng thêm 30 giây để trả lời các câu hỏi làm rõ. Họ sẽ không có cơ hội để phát biểu theo nội dung chuẩn bị trước, nhưng được phép đưa ra lời kết luận.
Các ứng viên “sáng giá” sẽ xuất hiện sau
Theo các nhà phân tích chính trị và truyền thông Mỹ, phiên tranh luận thứ hai được dự báo sẽ nhận được nhiều sự quan tâm hơn, bởi khi đó sẽ có sự tham gia của các chính trị gia được coi là đang dẫn đầu cuộc chạy đua.
Theo kịch bản từ nhà đài, những người bước lên sân khấu sáng hôm nay sẽ là Thị trưởng New York Bill de Blasio, Nghị sĩ bang Ohio Tim Ryan, cựu Thị trưởng thành phố San Antonio (bang Texas) Julian Castro, người từng giữ chức Bộ trưởng Phát triển Nhà ở và Đô thị trong chính quyền Barack Obama – Thượng nghị sĩ bang New Jersey Cory Booker, Thượng nghị sĩ bang Massachusetts Elizabeth Warren, cựu Nghị sĩ bang Texas Beto O'Rourke, Thượng nghị sĩ bang Minnesota Amy Klobuchar, Thành viên Hạ viện Mỹ từ Hawaii Tulsi Gabbard, Thống đốc bang Washington Jay Inslee và cựu Nghị sĩ bang Maryland John Delaney. Trong số đó, người có được sự ủng hộ lớn nhất của cử tri hiện giờ là bà Warren. Theo các cuộc thăm dò dư luận mới nhất, bà nhận được sự ủng hộ của từ 8% đến 15% số công dân Mỹ đủ điều kiện bỏ phiếu. Tỷ lệ ủng hộ dành cho các ứng viên còn lại đều thấp hơn đáng kể - chỉ từ 1% đến 5%.
Đến sáng ngày mai ngày 28/6, các chính trị gia có tầm ảnh hưởng hơn mới bước vào cuộc tranh luận. Trong số đó có cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders – người đã cạnh tranh trực tiếp với cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton để giành suất ứng cử viên đại diện cho Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Các ông Biden và Sanders hiện được coi là đang dẫn đầu trong số các chính trị gia tuyên bố tranh cử tổng thống của Đảng Dân chủ. Tỷ lệ ủng hộ của vị cựu Phó Tổng thống đang ở mức từ 20% đến 45%, trong khi của vị Thượng nghị sĩ là 10% đến 27%. Các ứng viên còn lại tham gia phiên tranh luận thứ hai là nhà văn Marianne Williamson, cựu Thống đốc bang Colorado John Hickenlooper, doanh nhân Andrew Yang, Thị trưởng thành phố South Bend (bang Indiana) Pete Buttigieg, Thượng nghị sĩ bang California Kamala Harris, Thượng nghị sĩ bang New York Kirsten Gillibrand, Thượng nghị sĩ bang Colorado Michael Bennett và Dân biểu California Eric Swalwell.
Trong số các ứng viên tranh luận phiên thứ hai, ngoài hai chính trị gia kỳ cựu Biden và Sanders, thì bà Harris và ông Buttigieg cũng là những nhân vật được ưa thích với tỷ lệ ủng hộ tương ứng là từ 4-9% và từ 1-3%.
Cuộc đua đường dài
Theo nhận định của các nhà phân tích chính trị và giới truyền thông, trọng tâm chú ý của cuộc tranh luận thứ nhất sẽ là các vấn đề liên quan đến thuế, y tế, giáo dục, nhập cư và môi trường. Đảm nhiệm chỉ đạo và dẫn dắt phiên tranh luận sẽ là các nhà báo hàng đầu của Mỹ: Lester Holt, Chuck Todd, Savannah Guthrie, Rachel Maddow và Jose Diaz-Balart.
Trong khuôn khổ cuộc bầu cử sơ bộ, DNC dự định sẽ tổ chức tổng cộng 12 cuộc tranh luận trên truyền hình. Lần tranh luận thứ hai sẽ được tổ chức vào ngày 30 và 31/7 tại Detroit (bang Michigan), lần thứ ba sẽ được tổ chức vào ngày 12 và 13/9, nhưng chưa ấn định địa điểm, lần thứ tư – vào tháng 10, lần thứ năm – vào tháng 11, lần thứ sáu – vào tháng 12, và 6 lần cuối cùng sẽ được tổ chức từ tháng 1 đến tháng 4/2020.
Theo như thông báo của DNC, chỉ có những ứng viên nào đáp ứng được điều kiện y hệt lần tranh luận thứ nhất, nhưng trước ngày 12/7, mới được phép tham gia lần thứ hai. Tiếp đến, yêu cầu đối với các ứng viên sẽ ngày càng được thắt chặt. Đến lần thứ ba và lần thứ tư sẽ chỉ có sự tham gia của những ứng nào đồng thời đáp ứng được cả hai yêu cầu: một là phải có được tỷ lệ ủng hộ tối thiểu 2% trong 4 cuộc thăm dò dư luận trên khắp cả nước hoặc ở một số bang chủ chốt từ ngày 28/6 đến ngày 28/8, hai là phải vận động quyên góp được 130 nghìn cử tri từ ít nhất 20 bang.
Theo như thông tin mà tờ New York Times đã đưa, cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ năm nay có những điểm rất đặc biệt. Cụ thể, nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, vị chính trị gia 77 tuổi Sanders sẽ trở thành Tổng thống lớn tuổi nhất trong lịch sử nước Mỹ. Trong khi đó, nếu đắc cử, ông Buttigieg sẽ là người trẻ tuổi nhất trở thành Tổng thống Mỹ khi mới có 37 tuổi.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lần thứ 59 sẽ được tổ chức vào ngày 3/11/2020. Đại hội của Đảng Dân chủ sẽ được tổ chức từ ngày 13 đến 16/7/2020 tại Milwaukee (bang Wisconsin). Thông qua Đại hội này, theo kế hoạch, Đảng Dân chủ sẽ đề cử ra ứng viên đại diện của mình – người sẽ trở thành đối thủ của ông Donald Trump trong cuộc chiến giành chức Tổng thống Mỹ. Đảng Cộng hòa cũng sẽ tổ chức Đại hội của mình từ ngày 24 đến 27/8 tại Charlotte (bang North Carolina).