Ứng viên nào 'nặng ký' cho vị trí Phó CT phụ trách tài chính của VFF?
Đại hội thường niên VFF năm 2020 khóa 8, nhiệm kỳ 2018 – 2022 sẽ bầu Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính và vận động tài trợ của. Trong 3 ứng viên ai sẽ là người nắm 'tay hòm chìa khóa' của VFF?
Có 3 ứng cử viên tham gia tranh cử chức danh Phó Chủ tịch VFF đáp ứng đủ tiêu chí quy định là ông Phạm Thanh Hùng - Ủy viên BCH VFF, Trưởng ban Bóng đá nữ khóa VIII; ông Trần Văn Liêng - Chủ tịch kiêm TGĐ CTCP Cacao Việt Nam và ông Lê Văn Thành - Ủy viên BCH VFF, Trưởng ban Tài chính và vận động tài trợ VFF khóa VIII.
Theo quy chế, ứng cử viên trúng cử phải đạt trên 1/2 số phiếu hợp lệ. Nếu sau lần bỏ phiếu đầu tiên không có ứng cử viên trúng cử, 2 ứng cử viên có số phiếu cao nhất sẽ tham gia vòng bỏ phiếu tiếp theo. Ban bầu cử sẽ tiến hành công tác kiểm phiếu trực tiếp tại Đại hội. Đây cũng là lần đầu tiên việc kiểm phiếu được thực hiện ngay trước đại hội, nhằm đảm bảo tối đa tính công khai, minh bạch.
Hai ông Lê Văn Thành và Phạm Thanh Hùng đang là Trưởng, Phó ban Tài chính-tài trợ VFF. Ông Trần Văn Liêng là người ngoài và cũng từng đứng ra tranh cử vào vị trí này hồi năm 2018 nhưng thất bại.
Nhiều người đánh giá ông Liêng là người ngoài cuộc khó cạnh tranh được chức vụ, nhưng kế hoạch của ông đưa ra cũng rất hấp dẫn.
Ở lần tranh cử trước, ông Liêng đưa ra bản kế hoạch sẽ kiếm về 249 tỉ đồng cho VFF vào năm 2022 từ ý tưởng thành lập “Hệ sinh thái bóng đá Việt Nam” (VFEco - Vietnam Football Ecosystem). Theo tính toán, ông sẽ giúp VFF kiếm được 121 tỉ đồng qua VFEco vào cuối năm 2018, 145 tỉ đồng vào năm 2019, 174 tỉ đồng vào năm 2020 và 208 tỉ đồng vào năm 2021.
Ông Lê Văn Thành là một nhân vật kỳ cựu của VFF. Người lãnh đạo của Công ty cổ phần Thể thao Động Lực đã tham gia ban chấp hành VFF từ khóa 4 (2001-2005).
Tại các kỳ Đại hội khóa 5, khóa 6, ông liên tục tham gia cuộc đua đến chiếc ghế phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF nhưng đều gặp thất bại.
Ông Thành tự rút lui khỏi danh sách tranh cử vị trí này ở đại hội 7 trước khi trở lại cuộc đua vào đại hội 8 nhưng thêm một lần nữa thua phiếu sít sao trước ông Cấn Văn Nghĩa.
Giới chuyên môn cho rằng ông Thành có khả năng đảm nhiệm chức vụ đó, vì ngoài hoạt động bóng đá ông còn là chủ doanh nghiệp về thể thao. Khả năng quan hệ, kêu gọi tài trợ của ông và kinh nghiệm sau những lần thất bại vào chiếc ghế nóng này khiến ông đang được xem là ứng viên hàng đầu cho chức vị này.
"Đối chọi" với ông Thành sẽ là một người quen trong VFF, đó là ông Phạm Thanh Hùng với hồ sơ vô cùng ấn tượng. Ông Hùng hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Khai thác Khoáng sản Vàng Hà Giang, Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh, Phó Chủ tịch VPF, Ủy viên Ban chấp hành VFF khóa 8 và Trưởng ban Bóng đá nữ của VFF.
Kế hoạch tranh cử của ông Hùng đưa ra rất thiết thực: Không để VFF báo lỗ dù các hoạt động bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 và cam kết VFF sẽ đảm bảo nguồn tài chính hoạt động trong các năm tiếp theo.
Trên cương vị Trưởng ban Bóng đá nữ của VFF, ông Hùng đã nhiều lần bỏ tiền túi và vận động tài trợ thành công cho bóng đá nữ Việt Nam. Đặc biệt là tại SEA Games 30, dấu ấn của ông Hùng trong tấm Huy chương Vàng của thầy trò HLV Mai Đức Chung là không hề nhỏ.
Đó có thể xem là một điểm cộng cho vị Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh trong cuộc chạy đua lần này.
Nói về nhiệm kỳ này còn 2 năm của vị PCT VFF phụ trách tài chính, ông Cao Văn Chóng, Phó chủ tịch VFF cho rằng: “ Quan điểm của tôi, không nên đặt nặng vấn đề còn bao nhiêu năm, bởi đó là tư duy nhiệm kỳ và làm cản trở đến mục tiêu phát triển dài hạn. Điều quan trọng là VFF nhận thấy sự cần thiết phải kiện toàn bộ máy để đảm bảo hoạt động hiệu quả hơn, tạo sự thúc đẩy nhanh hơn, toàn diện hơn đối với hoạt động bóng đá, không chỉ trong 2 năm mà còn tạo sự tiếp nối qua các giai đoạn, các thời kỳ theo mục tiêu, định hướng đặt ra”.