Ứng viên ngành GD đặc biệt thử việc chưa được 1 tháng đã xin nghỉ vì quá vất vả
Trường dạy trẻ khuyết tật thiếu GV nhưng ứng viên phải làm được việc thì nhà trường mới dám tuyển. Có ứng viên thử việc chưa đầy 1 tháng đã nghỉ.
Nhu cầu sử dụng lao động với ngành giáo dục đặc biệt ngày càng nhiều, nhất là trong bối cảnh gia tăng tỷ lệ trẻ mắc các dạng tật, đa tật, tự kỷ. Vì thiếu nhân lực, trường chuyên biệt dạy trẻ khuyết tật phải mở rộng tuyển dụng nhưng có ứng viên tham gia thử việc chưa đầy 1 tháng đã xin nghỉ.
Chia sẻ về thực tế công tác tuyển dụng giáo viên của trường, cô Hằng - Quản lý phụ trách Trường Mầm non Chuyên biệt Ban Mai (thành phố Phủ Lý, Hà Nam) cho biết, hiện tại, nhà trường có tổng 10 giáo viên và 2 nhân viên. Tới đây, trường có nhu cầu tuyển dụng thêm 6-7 nhân sự mới để đáp ứng được nhu cầu thực tế.
“Trường Mầm non Chuyên biệt Ban Mai là trường tư thục. Nhà trường quy định rõ, nếu nhân sự tuyển vào trường tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm mầm non thì sẽ có chức danh là giáo viên. Còn lại, nhân sự ứng tuyển tốt nghiệp chuyên ngành khác sẽ là nhân viên.
Tuyển dụng được giáo viên không phải là dễ. Đối với các trường chuyên biệt ở tỉnh, nguồn nhân lực để tuyển dụng cũng không được dồi dào như các trường ở thành phố. Nhu cầu thực tế cao, nguồn cung ít, áp lực công việc cộng với mức thu nhập không phải là đột biến so với các ngành khác nên sinh viên ra trường chưa chắc sẽ về công tác tại trường địa phương”, cô Hằng chia sẻ.
Với hơn 10 năm kinh nghiệm chăm sóc, dạy học trẻ khuyết tật tại trường, cô Hằng nhận thấy, giáo viên mới tiếp xúc với trẻ khuyết tật tất nhiên sẽ gặp những khó khăn nhất định. Mặc dù trường đã xây dựng những chiến lược, kỹ thuật chung để giáo viên làm việc nhưng mỗi trẻ lại mắc dạng tật khác nhau nên thường phát sinh tình huống nằm ngoài dự liệu.
“Mỗi trẻ với một đặc thù dạng tật khác nhau chính là một câu chuyện. Trong đó, chăm sóc trẻ tự kỷ gặp khó khăn hơn hẳn khi chưa có chương trình dạy trẻ tự kỷ cụ thể, phổ tự kỷ rộng, mỗi em một dạng thức biểu hiện khác nhau”, cô Hằng tâm sự.
Căn cứ vào mức độ phát triển của trẻ, tuổi trí tuệ và dạng tật để trường xếp lớp học. Hiện trường duy trì lớp học bán thời gian và toàn thời gian tùy từng đối tượng.
Tính chất phức tạp trong hành vi, mức độ tiếp nhận và tương tác phản hồi thông tin của trẻ khuyết tật chậm chạp hơn, kém hơn. Do đó, giáo viên dạy trẻ khuyết tật sẽ có nhiều vất vả hơn vì tần suất, năng lượng làm việc, mức độ quan sát trẻ cao. Chưa kể, giáo viên phải tự tổ chức các phương pháp mang tính đặc thù để quản lý và rèn kỹ năng mới cho trẻ.
Trước những đặc thù dạy trẻ khuyết tật, cô Hằng chia sẻ mong muốn rằng: môi trường giáo dục nói chung cần nhận thức đúng, đủ hơn về việc tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật tham gia hòa nhập.
Chương trình giáo dục dành cho trẻ khuyết tật cần có hướng dẫn cụ thể hơn. Theo chia sẻ của cô Hằng, khung chương trình giáo dục dành cho trẻ khuyết tật hiện chưa được phổ biến rộng rãi. Trong khi dạng tật khiếm thính được nghiên cứu nhiều nhưng các dạng tật khác như trẻ tự kỷ vẫn chưa nhiều. Tới đây, trường mong có chương trình hướng dẫn chung để việc triển khai dạy và học cho trẻ ở từng dạng tật được thuận lợi hơn.
Đồng thời, cần có những chính sách chăm lo cho giáo viên trường tư thục. Bởi, giáo viên trường tư trong những hoàn cảnh cụ thể (như ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 chẳng hạn) khó tiếp cận được với nguồn hỗ trợ do nhiều yếu tố khách quan.
Quan trọng là, dù thiếu nhân lực nhưng phải có nguồn giáo viên làm được việc thì trường mới tuyển dụng. Cô Hằng cho rằng, trường sẽ phải tuyển đủ giáo viên, nhân viên tương ứng để hỗ trợ học sinh. Tuy nhiên, giáo viên phải làm được việc, phải phù hợp với đặc thù dạy trẻ khuyết tật, chứ không phải vì thiếu mà không chú trọng chất lượng nguồn tuyển dụng.
Cũng theo cô Hằng, thời gian vừa qua, có nhiều trường hợp giáo viên sau quá trình thử việc, làm việc cảm thấy nản và tự nghỉ việc. Có người vào thử việc được 1 tháng là xin nghỉ.
Bàn về việc khó tuyển dụng giáo viên nhưng cũng kén chất lượng ứng viên, một vị Hiệu trưởng của trường chuyên biệt dạy trẻ khuyết tật chia sẻ: hiếm nguồn tuyển giáo viên dạy trẻ đặc biệt, sinh viên mới ra trường chưa được rèn luyện sức chịu đựng thường xuyên nên dẫn đến chán nản, rẽ ngang nghề khác… là những nguyên nhân chính khiến nhiều trường chuyên biệt hiện nay thiếu giáo viên.
“Đối với trẻ có độ tuổi lớn hơn, mắc các chứng tật nhẹ thì người học ngành giáo dục đặc biệt mới ra trường có thể xử lý được. Nhưng khi tiếp xúc với trẻ có tuổi trí tuệ nhỏ, xuất hiện các hành vi không kiềm chế được cảm xúc thường khiến giáo viên mới cảm thấy quá sức, quá tải, tần suất làm việc cao, không theo kịp, dẫn tới chán nản, chuyển nghề.
Có ứng viên viên mạnh về kỹ năng này, nhưng thiếu kỹ năng khác nên khi bắt đầu công việc, họ phải nhìn nhận tính chất công việc một cách cầu thị, học hỏi và thực hành để có thêm kinh nghiệm. Nếu cảm thấy khó, giữ tâm lý không làm được thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật, khó gắn bó lâu dài được với trường, với trẻ”, vị Hiệu trưởng chia sẻ thêm.
Để động viên tinh thần cho giáo viên, nhất là những giáo viên mới, chưa có nhiều kinh nghiệm, nhà trường khéo léo tạo môi trường làm việc thuận lợi, đồng thời định hướng về mặt chuyên môn, nâng cao trình độ kiến thức để giáo viên nhận thấy vai trò quan trọng của ngành giáo dục đặc biệt, bồi dưỡng kỹ năng, thấu hiểu hơn với trẻ, không để áp lực công việc trở thành gánh nặng với giáo viên.
Chia sẻ thêm về mức lương giáo viên, theo cô Hằng, nhà trường không có mức lương cố định cho giáo viên mà tính lương theo tay nghề, năng lực làm việc thực tế.
“Nhà trường không thể so sánh với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh với nhiều chế độ lương thưởng trong các dịp lễ, Tết, nên cũng là thiệt thòi đối với giáo viên. Do đó, để hỗ trợ, những giáo viên nào có chất lượng giảng dạy tốt, đảm bảo đủ số giờ, trường sẽ thưởng thêm cho giáo viên. Giáo viên nào dạy tăng giờ sẽ có thêm thu nhập. Ngoài ra, trường còn hỗ trợ giáo viên chế độ đào tạo, chuẩn bị đồ dùng học tập phục vụ giờ giảng đặc thù”, cô Hằng chia sẻ.
Theo cô Hằng, địa phương cũng có các chế độ hỗ trợ cho cơ sở giáo dục, nhưng việc tiếp cận cũng còn phụ thuộc nhiều yếu tố. “Nhà trường nằm ở khu công nghiệp nên sẽ được hỗ trợ về cơ sở vật chất. Song, những nội dung chế độ khác theo quy định, thì mức độ tiếp cận không đồng đều”, cô Hằng nói.