Ứng viên nhiều kinh nghiệm vẫn khó tìm việc
Nhu cầu thị trường lao động giảm mạnh, trong khi nguồn cung dồi dào khiến mức độ cạnh tranh vô cùng lớn nên ứng viên chất lượng khó tìm được việc làm
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, quý I/2023 thành phố cần hơn 3.700 lao động có trên 5 năm kinh nghiệm (chiếm 5,02%). Trái lại, nhu cầu tìm việc của nhóm ứng viên (ƯV) nhiều năm kinh nghiệm lại rất cao (chiếm gần 60%), tập trung ở các vị trí như: lập trình viên, chuyên viên truyền thông nội bộ, nhân viên pháp chế, trưởng phòng kinh doanh, chuyên viên tư vấn tài chính… Điều đó cho thấy bức tranh tìm việc của những ƯV nhiều năm kinh nghiệm không mấy tươi sáng.
Khan hiếm cơ hội
Hơn 9 năm kinh nghiệm làm truyền thông cho một doanh nghiệp (DN) có trụ sở tại TP HCM, chị Nguyễn Phạm Thanh Thu (33 tuổi, quê Hưng Yên) không nghĩ mình lại khó tìm việc mới như hiện nay.
Trước đây, chị Thu làm với mức lương 37 triệu đồng/tháng, do DN gặp khó khăn nên thất nghiệp từ cuối năm 2022. Hơn 3 tháng nay, chị tìm việc khắp nơi nhưng vẫn chưa có được công việc như mong muốn, dù đã hạ mức lương xuống gần một nửa. "Có vài công ty gọi phỏng vấn nhưng họ chỉ đưa ra mức lương 15 triệu đồng/tháng nên tôi không nhận việc. Cũng có DN đồng ý mức lương 20 triệu đồng/tháng nhưng sau đó họ thông báo đã tìm được ứng viên khác. Với kinh nghiệm và năng lực của bản thân, tôi không nghĩ mình lại có thể thất nghiệp lâu như vậy" - chị Thu tâm sự.
Chị Ngô Thị Hạnh T. (45 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) cũng chưa tìm được việc làm sau khi công ty nơi chị giữ chức giám đốc tài chính thu hẹp hoạt động, cơ cấu lại bộ máy. Mức lương cuối cùng chị T. nhận là 5.000 USD/tháng (gần 118 triệu đồng) cho hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kế toán, tài chính. Chị cho biết khi công ty cơ cấu lại bộ máy, để giảm quỹ lương, ban giám đốc đề nghị những người có mức lương cao chấp nhận lương giảm hơn 1/2. Không đồng tình nên chị xin nghỉ để tìm cơ hội mới. "Phải mất hơn 2 tháng tôi mới tìm được một công việc phù hợp với mức lương chỉ còn hơn một nửa so với trước. Dù sao thì đó cũng là công việc tôi yêu thích và mức lương đó cũng là cách mình san sẻ với DN trong giai đoạn khó khăn này" - chị T. bộc bạch.
Chị Nguyễn Thị Khánh Huyền, đồng sáng lập MyConnect - mạng lưới kết nối việc làm trên mạng xã hội việc làm LinkedIn, cho biết hiện có ƯV nhận mức lương 200 triệu đồng/tháng (chưa kể thưởng) đang thất nghiệp. ƯV này sẵn sàng nhận một nửa lương nếu công việc phù hợp. Điều này cho thấy cơ hội việc làm của ƯV chất lượng cao, nhiều năm kinh nghiệm khá khan hiếm trong những tháng đầu năm 2023.
Cạnh tranh khốc liệt
Với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề nhân sự trung - cao cấp, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc đào tạo tại Navigos Search (TP HCM), cho rằng quy trình tuyển dụng những vị trí cấp cao, hạt nhân trong tổ chức, DN đều không hề dễ dàng. ƯV chất lượng như vậy cũng rất khó để tự tìm việc cho bản thân.
Theo bà Hương, bối cảnh thị trường lao động trong nước và cả khu vực đang biến động. Nhiều DN bất động sản, xây dựng đến các công ty khởi nghiệp… rời bỏ thị trường, tạm ngưng hoạt động. Không ít tập đoàn kinh tế lớn cũng cắt giảm nhân sự, tái cấu trúc trong nửa cuối năm ngoái đến nay nhằm vượt qua suy thoái kinh tế. Vì vậy, số lượng nhân sự chất lượng, nhiều năm kinh nghiệm cũng rời vị trí làm việc và hòa chung vào dòng người tìm việc. Thị trường vì thế mà dồi dào nguồn cung, trong đó phải kể đến một lượng ƯV Việt kiều cũng về nước tìm kiếm cơ hội sau dịch COVID-19.
Ở góc độ nhà tuyển dụng, ông Nguyễn Chí Kiên, Giám đốc nhân sự Công ty CP One Mount Group (TP Hà Nội), đánh giá nhân sự cấp cao, chất lượng và nhiều kinh nghiệm thường là những người có kỹ năng và hoài bão lớn. Họ cũng là những người có tố chất lãnh đạo và truyền cảm hứng nhất định trong DN, nên bất cứ DN nào cũng cần đến. Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, một số ngành gặp khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, do vậy việc tuyển dụng những nhân sự này có phần chậm lại.
Hơn nữa, việc chuyển đổi số cũng đang diễn ra mạnh mẽ đã giúp tái cơ cấu nhân sự theo hướng tinh gọn nên DN có xu hướng tuyển dụng nội bộ (di chuyển bên trong DN). Mặt khác, nhiều kỹ năng mới phần nào đó không còn phù hợp với những ƯV chất lượng nhưng lớn tuổi, chẳng hạn như sử dụng công nghệ hiện đại. Điều này cũng phần nào làm hẹp con đường tìm việc của ƯV nhiều năm kinh nghiệm. "Hiện công nghệ đang được áp dụng mạnh mẽ, kể cả trong quy trình tuyển dụng, tìm việc. Dù có là ƯV cao cấp thế nào nhưng không thành thạo công nghệ thì DN cũng không tuyển, dù có giỏi chuyên môn và kinh nghiệm" - ông Kiên nhấn mạnh.