Ứng viên Trung Quốc giành ghế ở Interpol bất chấp phản đối từ các nước
Hu Binchen - quan chức Bộ Công an Trung Quốc được bầu vào vị trí giám sát tại Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế bất chấp phản đối trước đó từ nhiều nước.
Ông Hu cùng với một đề cử khác của Ấn Độ là 2 cái tên của châu Á trúng ghế tại ủy ban điều hành (gồm 13 thành viên) - cơ quan giám sát công việc của ban Tổng thư ký của Interpol.
Việc Hu đắc cử gây nhiều tranh cãi vì trước đó hơn 40 nghị sỹ từ 20 quốc gia đã đệ đơn phản đối đề cử quan chức Bộ Công an Trung Quốc vào vị trí giám sát tại Interpol.
Nhóm nghị sĩ đồng thời là thành viên của Liên minh Nghị viện về Trung Quốc cho rằng việc đề cử ông Hu Binchen làm dấy lên lo ngại về nỗ lực của Trung Quốc trong việc thực thi luật pháp nước ngoài. Họ cũng lo ngại Bắc Kinh lạm dụng lệnh truy nã đỏ cũng như hệ thống thông báo quốc tế của Interpol.
"Với việc bầu ông Hu Binchen vào ủy ban điều hành, Đại hội đồng sẽ bật đèn xanh cho chính phủ (Trung Quốc) tiếp tục lạm dụng tổ chức Interpol", các nghị sỹ khẳng định.
Ông Hu làm việc cho Bộ Công an Trung Quốc hơn 20 năm và hiện là lãnh đạo bộ phận hợp tác quốc tế của bộ này.
Đề cử của Hu được đưa ra 3 năm sau khi ông Meng Hongwei, cựu Chủ tịch Interpol và cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc biến mất bí ẩn trong một chuyến thăm Trung Quốc. Vụ việc này từng gây xôn xao trong một thời gian dài.
Ông Meng sau đó thông báo từ chức ở Interpol. Năm 2019, ông bị kết án 13 năm 6 tháng tù vì tội tham nhũng.
Reinhard Bütikofer, thành viên của Nghị viện châu Âu - một trong các nhóm nghị sỹ gửi thư phản đối đề cử ông Hu Binchen cho biết đã xuất hiện một số báo cáo nói quan chức Bộ Công an Trung Quốc sẽ cố gắng thay đổi hoạt động của Interpol và trao quyền lực nhiều hơn cho Ủy ban điều hành nếu đắc cử.
Ngoài Hu, một cái tên khác cũng gây tranh cãi trong cuộc bầu cử mới đây của Interpol là Tướng cảnh sát UAE Ahmed Nasser Al-Raisi, người được bầu giữ chức chủ tịch tổ chức này.
Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ trước đó đệ trình cáo buộc lên Interpol, phản đối đề cử ông Al-Raisi vì lý do ông này dính líu tới hành vi tra tấn trong quá khứ.
"Việc bầu tướng Al-Raisi có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và sứ mệnh của Interpol đồng thời làm giảm tính hiệu quả trong hoạt động của tổ chức này", 3 thành viên Nghị viện châu Âu viết trong thư gửi đến Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.
Một số nước kêu gọi cộng đồng quốc tế thanh tra lại khoản quyên góp 50 triệu USD từ UAE cho Interpol vài năm trước vì nghi ngờ khoản tài trợ này liên quan tới việc ông Al-Raisi đắc cử.
Hàng chục tổ chức phi chính phủ cũng từng bày tỏ quan ngại trước việc ông Al-Raisi trở thành chủ tịch của Interpol.