Ứng xử sao khi bị học trò xúc phạm trên Facebook?

Hiện nay, học sinh, sinh viên dùng mạng xã hội (chủ yếu là Facebook) khá phổ biến, dù phát sinh nhiều vụ việc 'nói xấu' giáo viên, nhà trường, song cách xử lý kỷ luật mỗi nơi một khác. Theo các chuyên gia, giáo viên phổ thông khi kỷ luật người vi phạm cần mềm dẻo, linh hoạt đề cao tính giáo dục.

Dù học sinh, sinh viên sử dụng mạng xã hội khá phổ biến, tuy nhiên vẫn chưa có các quy định cụ thể về hướng kỷ luật các vi phạm. Ảnh minh họa: Q.Anh

Dù học sinh, sinh viên sử dụng mạng xã hội khá phổ biến, tuy nhiên vẫn chưa có các quy định cụ thể về hướng kỷ luật các vi phạm. Ảnh minh họa: Q.Anh

Nói xấu giáo viên bị đình chỉ học

Trong những ngày qua, sự việc Trường THPT Nguyễn Trãi (TPThanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đã ra quyết định đuổi học 1 năm đối với 3 học sinh lớp 10A5 vì cho rằng các học sinh này sử dụng mạng xã hội xúc phạm danh dự và uy tín của giáo viên, gây ảnh hưởng xấu tới công tác giáo dục của nhà trường. Ngoài ra, còn có 5 học sinh khác cũng bị kỷ luật. Trong đó, 4 em nam bị đuổi học 1 tuần, 1 nữ sinh bị cảnh cáo trước toàn trường. Sau khi dư luận xã hội lên tiếng, cho rằng hình thức này là khá nặng và học sinh chỉ “chat nhóm” nên hình thức kỷ luật như vậy là máy móc, áp đặt. Sau đó, Trường THPT Nguyễn Trãi đã rút lại quy định, kỷ luật 3 học sinh đình chỉ một tuần, các học sinh còn lại chỉ bị cảnh cáo.

Để phòng ngừa sinh viên “nói xấu” cán bộ, giảng viên, Trường ĐH Tài chính – Marketing (TPHCM) cũng vừa mới ban hành Quy tắc ứng xử của người học trong nhà trường, trong đó có nội dung cấm sinh viên dùng Facebook đăng tin và bình luận nói xấu nhà trường, giảng viên. Cụ thể, trong Khoản 1, điều 6 (Ứng xử với cán bộ, giảng viên, nhân viên trong trường) quy định rõ: Nghiêm cấm sinh viên sử dụng các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử, diễn đàn mạng để đăng tin và bình luận không mang tính xây dựng nhà trường; phán xét, nhận định không đúng sự thật theo chiều hướng tiêu cực đối với cán bộ, giảng viên, nhân viên.

Không chỉ sự việc xảy ra tại Trường THPT Nguyễn Trãi hay việc ban hành quy định cấm sinh viên “nói xấu” cán bộ, giảng viên trên mạng xã hội… thời gian qua, đã có nhiều trường học “đau đầu” trước việc học sinh, sinh viên có những bài viết, bình luận trên mạng xã hội về nhà trường, giáo viên dẫn đến việc xử lý khá lúng túng. Có trường chỉ nhắc nhở, nhưng có nơi áp dụng hình thức kỷ luật đình chỉ học có thời hạn từ 1 tháng tới 1 năm. Cụ thể, trước đây Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) cũng đã đình chỉ một nữ sinh 1 năm vì viết xúc phạm giáo viên trên Facebook, sau đó nhà trường ban hành Quy định những điều học sinh không được làm trên Facebook.

Từng bị học sinh viết xúc phạm trên Facebook, cô Lê Hằng (giáo viên THPT tại Hà Nội) tâm sự: “Sử dụng Facebook hiện nay các em đã có từ cấp 2, nhưng đến cấp 3 đa số em sử dụng. Tuổi các em còn trẻ, đôi khi nhận thức chưa đầy đủ nên bốc đồng, có tâm lý cho rằng giáo viên thiếu trung thực, công bằng trong công tác dạy học. Do đó, các em hay có những nỗi niềm, bức xúc riêng không chia sẻ với bạn bè, bố mẹ hay giáo viên mà bồng bột viết những lời lẽ xúc phạm giáo viên, bạn học trên trang Facebook cá nhân. Khi xảy ra sự việc, học sinh cũng sẽ hoang mang, lo lắng bị kỷ luật, còn nhà trường cũng “rối” trong áp dụng kỷ luật”.

Kỷ luật cần “mềm dẻo”

Đánh giá về các sự việc học sinh dùng Facebook nói xấu giáo viên, nhà trường và một số hình thức kỷ luật được đưa ra mỗi nơi cũng một khác nhau, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Hà Nội cho rằng, sử dụng Facebook hiện nay là quyền của học sinh và khá phổ biến trong tầng lớp học sinh, sinh viên. Trước hết, cần nhìn nhận, dùng mạng xã hội để nói xấu thầy cô, trường học là vi phạm đến đạo lý của ông cha chúng ta - tôn sư trọng đạo, cần phải được nhắc nhở, giáo dục các em nhận thức đúng về giáo viên, nhà trường cũng như sử dụng mạng xã hội sao cho đúng.

Cũng theo TS Nguyễn Tùng Lâm, nhà trường cần giáo dục cho học sinh không nên nói xấu ai đó, nhất là với các thầy cô, nơi mình đang học tập. Khi sự việc xảy ra, giáo viên phải để học sinh nhận thức được cái sai, rút kinh nghiệm và làm sao để không bị ảnh hưởng đến tâm lý của các học sinh khác. Đó mới là mục tiêu giáo dục chứ không nên cứng nhắc phải đuổi học trò vì nhà trường chưa giáo dục đã kỷ luật. Bên cạnh đó, những gì nhà trường, thầy cô chưa đúng cũng cần tự rút kinh nghiệm. Học sinh cũng có quyền phản ánh bức xúc của trẻ với thầy cô, nhà trường.

“Theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, mỗi trường học cần có hòm thư góp ý. Nếu hòm thư góp ý không hoạt động hiệu quả, nhà trường cần có kênh kết nối để học sinh bày tỏ nguyện vọng, bức xúc của chính mình, từ đó có thể tránh tái diễn những tình huống tương tự không mong muốn. Thực tế đã có nhiều kênh trao đổi, đối thoại để học sinh bày tỏ mong muốn, nguyện vọng của mình. Nhà trường cần để học sinh hiểu rõ đúng - sai khi sử dụng mạng xã hội… tránh xâm phạm quyền, ảnh hưởng đến người khác hoặc vi phạm pháp luật”, TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.

Từng bị học sinh xúc phạm trên Facebook, cô Lê Hằng chia sẻ: “Gặp trường hợp này, người giáo viên cần bình tĩnh, không nên quá bực tức mà cần nắm bắt sự việc và phối hợp cùng gia đình giải thích giúp học sinh nhận thức đúng, ổn định tâm lý. Khi sự việc xảy ra, học sinh đó bỗng dưng “nổi tiếng” được cả trường biết đến vì tốc độ lan truyền trên Facebook là rất nhanh. Nếu không khéo léo, học sinh dễ rơi vào trạng thái sợ sệt, lo bị kỷ luật mà dẫn đến hành động thiếu suy nghĩ khác. Thay vì trút giận, giáo viên cần là người chủ động giúp học sinh vượt qua giai đoạn đáng quên đó”.

Mặc dù có nhiều trường hợp học sinh, sinh viên xúc phạm giáo viên trên mạng xã hội, song hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể về mức kỷ luật riêng. Theo điều 41, trong Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học (Thông tư 12/2011 của Bộ GD&ĐT) quy định hành vi học sinh không được: Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác. Các hình thức kỷ luật gồm: Phê bình trước lớp, trước trường; khiển trách và thông báo với gia đình; cảnh cáo ghi học bạ; buộc thôi học có thời hạn.

Quang Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/ung-xu-sao-khi-bi-hoc-tro-xuc-pham-tren-facebook-2018110521381484.htm