Ứng xử thế nào với đơn thư tố cáo nặc danh?

Một số ý kiến cho rằng, đơn tố cáo nặc danh có thể xem là kênh thông tin nhưng đối với các trường hợp gửi đơn liên tục với động cơ phá rối, gây mâu thuẫn thì cần có biện pháp xử lý.

Việc lợi dụng đơn tố cáo nặc danh để vu khống, bôi nhọ danh dự người khác thường thấy trong các giai đoạn “nóng” như đại hội Đảng hoặc bầu cử HĐND các cấp.

Đơn tố cáo nặc danh có thể hiểu là loại đơn không xác định được người tố cáo, bao gồm đơn không có tên người tố cáo, đơn có tên nhưng tên giả, không có thật, đơn mang tên người khác (mạo danh)…

Nhiều trường hợp đơn tố cáo nặc danh với động cơ phá rối, gây mâu thuẫn. Ảnh minh họa.

Lý do người tố cáo muốn giấu tên do lo sợ việc mình có thể bị trả thù trù dập. Hoặc người tố cáo với dụng ý không tốt muốn đưa tin thất thiệt, thậm chí bịa đặt ra những thông tin và bằng chứng giả mạo để vu cáo, vu khống người khác.

Có thể do thù hận cá nhân mà muốn triệt hạ người khác, cũng có thể vì mục đích tư lợi, nhất là trong việc tranh giành vị trí, chức vụ. Điều này giải thích cho hiện tượng tố cáo nặc danh thường tăng nhanh trong các dịp bầu cử, đại hội, sắp xếp nhân sự trong các cơ quan, tổ chức.

Bí thư Đảng ủy phường Vân Phú (Việt Trì, Phú Thọ) chia sẻ, dịp Đại hội Đảng gần đây, bản thân ông cũng từng bị tố cáo nặc danh có hành vi bao che cho người nhà đổ đất, xây dựng nhà trái phép.

Sau khi đoàn kiểm tra xác minh nội dung tố cáo là không đúng. Khu đất nêu trong đơn tố cáo thuộc diện thu hồi để mở rộng đường, người họ hàng xa của Bí thư phường xin dựng lều bạt để trông coi và cam kết tự tháo dỡ nếu có yêu cầu.

Cơ quan công an xác minh người tố cáo nặc danh có mâu thuẫn cá nhân nên đã bịa ra để tố cáo và xử phạt hành chính. Tuy nhiên, quá trình thanh tra, giải quyết đơn thư khiến Bí thư ít nhiều tổn hại về sức khỏe, tinh thần…

Ông Lê Văn Luận, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Đình (Việt Trì, Phú Thọ) chia sẻ, mấy năm trước cấp phó của ông cũng từng bị tố cáo nặc danh, thậm chí giải tờ rơi nói xấu, với động cơ nhằm hạ uy tín ngay trước thềm bầu cử HĐND.

Tuy nhiên, kết quả bầu cử cũng thành công tốt đẹp, vị cấp phó vẫn trúng cử với số phiếu cao nhất. Sau đó, cơ quan kiểm tra có đề nghị công an vào điều tra xác minh người gửi đơn là do mâu thuẫn cá nhân.

Mới đây, nhiều đơn thư gửi đi các cấp tố cáo nặc danh giám đốc bệnh viện lớn tại Phú Thọ. Tuy nhiên, sau khi xác minh nguồn tin, đối tượng lại mạo danh vợ của chính vị giám đốc này ký vào đơn.

Mặc dù đơn không đủ điều kiện thụ lý nhưng những thông tin trong đơn được lan truyền trên mạng xã hội khiến người bị tố cáo ăn ngủ không yên.

Ông Nguyễn Kiên Cường, Trưởng ban tiếp công dân tỉnh Phú Thọ cho biết, theo quy trình giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, nếu đơn tố cáo không ghi rõ họ, tên, địa chỉ người tố cáo nhưng nội dung rõ ràng, bằng chứng cụ thể, có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan tiếp nhận đơn xem xét, xử lý đơn tố cáo đó.

Điều đó có nghĩa rằng việc xử lý đơn tố cáo nặc danh hoàn toàn do người tiếp nhận, giải quyết quyết định căn cứ vào chất lượng các thông tin và bằng chứng mà người tố cáo đưa ra.

Những tố cáo dù không rõ người tố cáo mà có thông tin tốt, bằng chứng cụ thể thì cần phải xem xét, xử lý đề ngăn chặn hành vi vi phạm, xử lý người có hành vi vi phạm.

"Theo quy định, trong vòng 7 đến 10 ngày cơ quan tiếp nhận đơn phải xác minh về người tố cáo để xem người đó có thật không hay mạo danh để làm cơ sở thụ lý đơn.

Chúng tôi coi đơn thư tố cáo nặc danh là kênh thông tin. Với những tố cáo không có thông tin rõ ràng, thiếu bằng chứng thuyết phục thì lưu trữ. Tuy nhiên với những trường hợp đơn gửi liên tục, xác định được động cơ để phá rối, gây mâu thuẫn thì lúc đó cầnlập chuyên án để xử lý", ông Cường cho biết thêm.

Thành Nhân

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ung-xu-the-nao-voi-don-thu-to-cao-nac-danh-post168275.html