Ứng xử văn minh trong giải quyết tranh chấp chung cư
Mặc dù tranh chấp chung cư đang diễn ra phổ biến khắp Hà Nội, nhưng trên thực tế, vẫn còn có những chung cư không xảy ra tranh chấp, vận hành trơn tru. Có được điều đó là do công tác quản lý đã được tiến hành bài bản, chuyên nghiệp, trong đó có cả việc thuê Cty quản lý nước ngoài vào vận hành tòa nhà.
Trong khi không ít chung cư trên địa bàn Hà Nội vướng vào “lùm xùm” mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và người mua nhà do vấn đề quản lý thiếu chuyên nghiệp, thì vẫn còn một số ít dự án được vận hành trơn tru. Điều đáng nói là không ít trong số đó là các chủ đầu tư đã chịu chi để thuê đơn vị quản lý uy tín nước ngoài.
Một trong những dự án đi tiên phong trong việc thuê đơn vị quản lý nước ngoài là Khu đô thị Ciputra Hanoi. Theo đó, đơn vị được thuê đảm bảo cung cấp các dịch vụ cao cấp như: lễ tân 24/7 tại các tòa nhà; Kỹ thuật bảo trì và trực sự cố cho toàn khu đô thị. Do đó, từ năm 2004 đến nay, tại Ciputra Hanoi chưa từng xảy ra bất kỳ sự cố kỹ thuật nào lớn do công tác bảo trì, vận hành hệ thống kỹ thuật.
Một dự án khác do nhà đầu tư trong nước quản lý cũng được cộng đồng cư dân đánh giá tốt, đó là chung cư Lilama 124 Minh Khai, Q.Hai Bà Trưng. Dự án do TCty Lilama làm chủ đầu tư, và trực tiếp quản lý, vận hành. Chung cư có Ban Quản trị, tổ dân phố, chi bộ với các hoạt động sinh hoạt cộng đồng đầy đủ, thu hút đông đảo cư dân tham gia. Vì dự án được chủ đầu tư trực tiếp quản lý nên khá bài bản, chuyên nghiệp. Tòa nhà có các cán bộ kỹ thuật trực 24/24 đề phòng xảy ra sự cố cháy nổ hay hỏng hóc khác. Công tác bảo dưỡng, bảo trì thang máy, vệ sinh và các hạng mục khác của tòa nhà cũng được tiến hành thường xuyên. Hàng năm, Ban Quản trị đều công khai thu chi tài chính để cư dân được biết. Do đó, dù đã bàn giao 10 năm nhưng tại đây không xảy ra tranh chấp, kiện cáo liên quan đến công tác quản lý, vận hành tòa nhà.
Trao đổi xung quanh việc làm thế nào để quản lý chung cư một cách tốt nhất, ông Trần Khánh - Chủ nhiệm CLB quản lý tòa nhà Hà Nội cho rằng, pháp luật đã quy định một tòa nhà chỉ có một đơn vị quản lý vận hành nhưng thực tế rất nhiều nơi đang xảy ra tình trạng một tòa nhà có hai đơn vị quản lý vận hành. Chủ đầu tư tự quản lý hoặc thuê đơn vị khác quản lý vận hành các tầng hầm và tầng thương mại dịch vụ, còn Ban Quản trị thuê một đơn vị quản lý vận hành không liên quan đến chủ đầu tư phần “ngọn”.
Hai thương hiệu khác nhau sẽ không tránh khỏi cạnh tranh, va chạm, ví như hệ thống thiết bị kỹ thuật chung của chung cư nằm chủ yếu ở tầng hầm, tuy nhiên nơi đó lại là nơi đơn vị vận hành không quản lý… Nếu như hai đơn vị không hòa thuận, tất dẫn đến những hậu quả xấu, mà người cuối cùng gánh chịu là cư dân. Vậy đâu là giải pháp cho vấn đề này?
“Công tác quản lý là một trong ba yếu tố quyết định đến giá nhà chung cư tại các khu đô thị (cùng với vị trí địa lý và trang thiết bị nội thất). Trong môi trường khá phức tạp ở chung cư thì các bên phải hành xử trên nguyên tắc “biết người biết ta”. Cụ thể, vì cùng chung một tòa nhà nên các bên phải ý thức giảm bớt những lợi ích riêng của mình khi giải quyết các vấn đề chung. Khi chung cư hoạt động ổn định, chính cư dân, người sở hữu nhà chung cư là người có lợi. Bởi an ninh trong chung cư ổn định, các bên không tranh chấp lẫn nhau, môi trường sống hài hòa thì căn hộ sẽ tăng giá trị", ông Trần Khánh nói thêm.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Trần Hải Yến - Phó chủ tịch UBND P.Yên Hòa - khu vực được xây dựng khá nhiều chung cư của Q.Cầu Giấy cũng cho biết, để góp phần giải quyết các mâu thuẫn của cư dân với chủ đầu tư trong các tòa nhà, P.Yên Hòa đã có nhiều giải pháp tháo gỡ như: tổ chức tọa đàm để đưa ra quy tắc ứng xử trong chung cư. Sau đó, bộ quy tắc ứng xử sẽ được in ra và phát tại nơi công cộng và đến từng hộ gia đình. Qua đó nâng cao nhận thức của người dân, có thái độ văn minh trong ứng xử với các mâu thuẫn xảy ra (nếu có).
Thực tế cho thấy, mâu thuẫn trong các chung cư hoàn toàn có thể khắc phục được nếu các bên chịu ngồi lại với nhau để bàn bạc, tìm giải pháp tháo gỡ. Quan trọng hơn, các bên cần có cách ứng xử văn minh trong việc giải quyết mâu thuẫn.