Ứng xử văn minh với đồ uống có cồn

'Rượu, bia là thức uống chứa trong đó cả bề dày văn hóa, không thể coi nó là độc hại, quan trọng là cách chúng ta sử dụng. Vì vậy, cần nêu cao trách nhiệm của người tiêu dùng, biết ứng xử văn minh, biết sử dụng đồ uống một cách lịch sự, an toàn'.

Đó là chia sẻ của các chuyên gia, nhà quản lý tại hội thảo “Văn hóa uống và trách nhiệm với cộng đồng”, do Tạp chí Đồ uống Việt Nam kết hợp với Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức, sáng 29/6.

Ngành đồ uống đóng góp quan trọng cho ngân sách quốc gia

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng biên tập Tạp chí Đồ uống Việt Nam Nguyễn Văn Chương nêu lên vị trí, vai trò và những hoạt động vì cộng đồng của ngành đồ uống Việt Nam.

Theo đó, ngành đồ uống Việt Nam (bao gồm bia, rượu, nước giải khát) là một trong những ngành kinh tế có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mỗi năm, toàn ngành đóng góp vào ngân sách Nhà nước hàng chục ngàn tỷ đồng, giải quyết việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng triệu lao động trên cả nước, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Nhận thức được vai trò vô cùng quan trọng của ngành đồ uống tại Việt Nam, bên cạnh những vấn đề còn tồn đọng, văn hóa uống vẫn luôn được tuyên truyền qua phương tiện truyền thông và các cuộc thi viết.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Các đại biểu tham dự hội thảo

Chia sẻ về thực trạng phát triển của ngành đồ uống Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) - PGS.TS Nguyễn Văn Việt nhấn mạnh, đồ uống là sản phẩm phục vụ tiêu dùng hàng ngày, giúp nâng cao mức sống và đẩy mạnh hội nhập kinh tế. Với rất nhiều nhà máy được phân bổ hầu khắp các tỉnh thành tại Việt Nam, ngành đồ uống luôn đứng ở vị trí đóng góp hàng đầu cho ngân sách quốc gia.

Đặc biệt, bia, rượu còn gắn liền với tín ngưỡng, văn hóa và có mặt trong nhiều lễ hội. Rượu, bia được người Việt ta sử dụng trong việc thờ cúng tổ tiên, lễ Tết, có mặt trong tiệc chiêu đãi nguyên thủ quốc gia, trong các cuộc gặp gỡ, liên hoan, giao lưu văn hóa ẩm thực…

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Việt, ngành đồ uống đã và đang gặp phải không ít khó khăn. So với năm 2019, doanh thu toàn ngành đồ uống năm 2020 đã giảm 16%; lợi nhuận thuần toàn ngành giảm từ 18% đến 20%, đây cũng là thời điểm bùng phát dịch Covid-19 trên toàn cầu, và là thời điểm có những sự thay đổi chính sách chưa phù hợp. Năm 2023 cũng được dự báo ngày càng có nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp ngành đồ uống.

Đứng trước những khó khăn đó, PGS.TS Nguyễn Văn Việt mong muốn Nhà nước giữ ổn định mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Bên cạnh đó, cần quản lý chặt chẽ rượu phi chính thức (rượu thủ công không đăng ký, hàng giả…).

Hình thành văn hóa uống

Uống rượu, bia đã trở thành một nét văn hóa riêng của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, việc lạm dụng rượu bia, hoặc uống một cách thái quá, thiếu văn hóa đang là một nét xấu trong một bộ phận người Việt, tạo nên những ảnh hưởng, dư luận tiêu cực đối với sản phẩm này.

Nhà sử học Dương Trung Quốc phát biểu tại hội thảo

Nhà sử học Dương Trung Quốc phát biểu tại hội thảo

Dưới góc nhìn lịch sử, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, không thể coi rượu, bia là độc hại, mà quan trọng là cách chúng ta sử dụng nó trong đời sống hàng ngày. Đồng thời, cần xác lập giá trị bền vững cho đồ uống, trả lời được câu hỏi: Bên cạnh việc phát triển kinh tế và những lợi ích xã hội thì rượu, bia đem lại giá trị gì cho tinh thần?

“Khi hiểu về văn hóa, đồ uống có cồn không chỉ nằm trong địa hạt kinh doanh, mà với trách nhiệm của toàn xã hội, nó sẽ giúp người dân Việt Nam gần gũi hơn với văn hóa dân tộc, đồng thời có được vị trí trong tiềm thức của bạn bè quốc tế” - ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Bổ sung thêm nhận định trên, PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, ẩm thực (trong đó có đồ uống) là giao diện của văn hóa mỗi quốc gia. Vì thế, ngành đồ uống có trách nhiệm vô cùng quan trọng trong việc phát triển văn hóa uống. Ngành đồ uống trước tiên cần tạo ra một hệ thống sản phẩm phong phú, đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức cho con người về các tri thức khoa học thưởng thức cần thiết về văn minh ẩm thực.

Ngoài ra, cần chú trọng thực hiện hoạt động tuyên truyền hướng dẫn, xây dựng các chuẩn mực văn hóa uống trong cộng đồng, nêu cao trách nhiệm của người tiêu dùng biết ứng xử văn minh, biết sử dụng đồ uống một cách lịch sự, an toàn.

Để đẩy mạnh phát triển ngành đồ uống, cũng như hình thành văn hóa uống, ông Hồ Quang Lợi - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nêu quan điểm, báo chí nói riêng và truyền thông nói chung phải có trách nhiệm khẳng định vị trí của đồ uống (không chỉ rượu, bia mà cả những mặt hàng như cà phê, chè…) vì đây là ngành kinh tế có những đóng góp vô cùng quan trọng.

Ông Hồ Quang Lợi cho rằng, việc cần làm bây giờ là xây dựng thương hiệu mạnh cho ngành đồ uống Việt Nam, đảm bảo các sản phẩm không thua kém gì sản phẩm quốc tế và có thể xuất khẩu nước ngoài. Báo chí nên góp phần chấn chỉnh những thông tin sai lệch về ngành đồ uống (đặc biệt là bia, rượu), tạo cho xã hội những suy nghĩ đúng về vai trò của ngành đồ uống.

“Báo chí phải nâng cao tinh thần phản biện, cụ thể là những phản biện góp phần xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với công tác phát triển văn hóa uống và ngành đồ uống tại Việt Nam. Bên cạnh đó báo chí phải góp phần tích cực vào việc xây dựng văn hóa uống có trách nhiệm cho cộng đồng” - ông Hồ Quang Lợi khuyến nghị.

Nhật Ánh - Hoàng Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ung-xu-van-minh-voi-do-uong-co-con.html