Ứng xử với chất thải như tài nguyên, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn
Trong chuyên mục 'Dân hỏi - Chính quyền trả lời' kỳ 9, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang Phùng Quốc Bình (ảnh) cho biết việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường; trong đó, phân loại rác thải tại nguồn là một trong những yếu tố quyết định, góp phần quan trọng trong công tác quản lý rác thải.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang Phùng Quốc Bình cho biết Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định chất thải, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt phải được phân loại tại nơi phát sinh. Đây là điểm mới nổi bật của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Mục đích, ý nghĩa của quy định này là định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải như là một nguồn tài nguyên, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Đối với người dân, khi thực hiện phân loại rác tốt thì phí thu gom rác sẽ giảm vì Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định thu phí theo khối lượng phát sinh. Và luật cũng quy định chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho cá nhân tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm có thể làm thành phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi. Vậy nên khi phân loại rác thì hộ gia đình có thể chọn tái sử dụng hoặc bán thu tiền, nếu không phân loại sẽ bị phạt. Ngoài ra, tỉnh sẽ miễn phí tiền thu gom, xử lý chất thải nguy hại cho hộ nào phân loại riêng chất thải này.
Đối với tổ chức, cá nhân tái chế rác, phân loại rác tại nguồn sẽ tạo ra nguồn nguyên liệu sạch. Khi đó, doanh nghiệp sẽ giảm chi phí bóc tách các thành phần, chất lượng sản phẩm cũng cao hơn nhờ nguyên liệu đầu vào loại chất thải không bị lẫn những thành phần không phù hợp.
Đối với Nhà nước, do đã tái sử dụng, tái chế một số thành phần nên khối lượng rác phải thuê vận chuyển, xử lý sẽ giảm. Do đó, phân loại rác tại nguồn sẽ giúp giảm gánh nặng chi ngân sách nhà nước. Việc phân loại chất thải rác tại nguồn là để tái sinh chất thải, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, giảm chi phí xử lý chất thải.
- Phóng viên: Thời gian qua, công tác thực hiện quy định về phân loại rác thải tại nguồn được cơ quan chức năng của tỉnh triển khai như thế nào và kết quả đạt được ra sao?
- Đồng chí Phùng Quốc Bình: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022 quy định việc phân loại rác tại nguồn phải được thực hiện chậm nhất ngày 31-12-2024. Liên quan đến công tác thực hiện quy định này, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang tham mưu tỉnh tổ chức thực hiện rất nhiều việc:
Để có cơ sở thực tế trong việc đưa ra các quy định, hướng dẫn thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh, trong 2 năm 2022, 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang phối hợp với một số địa phương thực hiện các mô hình thí điểm phân loại rác tại nguồn. Kết quả từ các mô hình này rất thành công, hiệu quả cao, giảm chi phí. Đây là kết quả rất quan trọng để minh chứng cho cách tiếp cận mới đối với chất thải rác là tài nguyên và rác là nguồn lực kinh tế.
Trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản triển khai thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh: Quyết định 05/2024/QĐ-UBND, ngày 7-2-2024 về quy định việc quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch 151/KH-UBND, ngày 5-6-2023 về thực hiện quy định phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Hiện tỉnh đang tổ chức thực hiện 2 văn bản này.
Theo Kế hoạch 151/KH-UBND, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang xây dựng đề án thực hiện phân loại chất thải cho TP. Rạch Giá và huyện Giồng Riềng. Các huyện, thành phố còn lại tự xây dựng và tổ chức thực hiện. 2 đề án triển khai phân loại rác huyện Giồng Riềng và TP. Rạch Giá là đại diện cho nông thôn và đô thị, sẽ xây dựng theo hướng rác thải là tài nguyên, phát huy thế mạnh, điều kiện, đặc điểm của từng địa phương để làm sao giảm chi phí nhưng hiệu quả cao.
- Phóng viên: Tỉnh ta có những thuận lợi và khó khăn gì trong quá trình triển khai quy định phân loại rác tại nguồn?
- Đồng chí Phùng Quốc Bình: Về mặt thuận lợi, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh nên công tác ban hành văn bản hướng dẫn, công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật được thực hiện rất sớm và thường xuyên. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 xem rác là tài nguyên nên việc quản lý chất thải nhìn từ góc độ tài nguyên mở ra cơ chế thông thoáng hơn cho các thành phần kinh tế tham gia. Kiên Giang có diện tích đất nông nghiệp lớn nên nhu cầu phân bón rất lớn. Nông nghiệp là đầu ra tại chỗ cho sản phẩm chế biến rác hữu cơ. Việc quản lý chất thải theo thành phần đã phân loại khi thực hiện đồng bộ giúp giảm được rất nhiều chi phí thuê xử lý.
Về mặt khó khăn, công tác tuyên truyền, vận động, quản lý phân loại, thu gom thì Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 phân cấp trách nhiệm rất nhiều cho chính quyền cấp cơ sở. Việc này nhiều địa phương chưa đảm bảo nguồn lực để thực hiện. Hơn nữa, công tác này khá mới mẻ đối với các địa phương nên chuyển biến rất chậm. Hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị thu gom, vận chuyển, đường giao thông… chưa đồng bộ để tiếp nhận xử lý các thành phần rác đã phân loại nên ở mức độ nào đó chưa thể thực hiện triển khai trên phạm vi toàn huyện, toàn tỉnh được ngay.
- Phóng viên: Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang đã thực hiện thí điểm mô hình phân loại rác tại hộ gia đình ở những địa phương nào, kết quả ra sao?
- Đồng chí Phùng Quốc Bình: Đến ngày 31-12-2024, rác thải sinh hoạt phải được phân loại tại hộ gia đình. Để triển khai có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế địa phương, đặc biệt ở các vùng nông thôn khi chưa có điều kiện thu gom, vận chuyển và xử lý rác như ở đô thị, với phương châm xem rác là tài nguyên, năm 2022, sở đã triển khai mô hình “Phân loại và xử lý rác thải thực phẩm bằng chế phẩm vi sinh bản địa IMO” tại 2 huyện Gò Quao và An Minh.
Với ưu điểm của IMO, xử lý rác nhanh phân hủy, không có mùi hôi, dễ thực hiện, mọi người có thể tự làm tại nhà từ những nguyên liệu dễ tìm, giá thành thấp. Kết quả mô hình triển khai rất thành công, người dân đã thực hiện phân loại rác thải, tái sử dụng rác hữu cơ làm phân bón hữu cơ vi sinh để trồng trọt, thức ăn chăn nuôi.
Người dân đã sử dụng IMO khử mùi, sát khuẩn chuồng trại chăn nuôi, pha loãng cho vật nuôi uống để tăng cường sức đề kháng, giảm rủi ro về dịch bệnh, xử lý chất thải chăn nuôi, sử dụng làm phân bón hữu cơ và thuốc trừ sâu sinh học, khử mùi nhà vệ sinh, làm nước lau sàn, lau bếp, nước rửa chén, giặt đồ… Đặc biệt ở huyện An Minh đã ứng dụng IMO trong nuôi trồng thủy sản như xử lý nước ao nuôi tôm, cua và tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho thủy sản, tiết kiệm được chi phí và thời gian nuôi.
Mô hình đã đạt được kết quả ngoài mong đợi, tạo chuyển biến tích cực đến nhận thức của người dân, thay đổi dần thói quen chuyển qua sử dụng sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường trong sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, vừa tiết kiệm chi phí vừa bảo vệ sức khỏe, góp phần bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Với những kết quả đạt được, đến nay mô hình được triển khai, nhân rộng trên địa bàn toàn huyện Gò Quao, An Minh và một số địa phương khác như TP. Rạch Giá, các huyện U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, An Biên, Tân Hiệp, Kiên Hải. Tóm lại, IMO là giải pháp khoa học, công nghệ tuyệt vời, giúp giải quyết rất nhiều vấn đề của rác.
- Phóng viên: Về lâu dài chúng ta cần những giải pháp gì?
- Đồng chí Phùng Quốc Bình: Với phương châm hành động là làm việc nhỏ với tầm nhìn xa, làm tốt việc nhỏ trước sau đó mới làm lớn việc tốt. Các mô hình thí điểm nhỏ mà thời gian qua Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang đã thực hiện thành công thì việc tiếp theo là nhân rộng.
Chiến lược cho công tác quản lý chất thải của tỉnh hướng đến hình thành và phát triển thành nền kinh tế tuần hoàn. Giải pháp trong thời gian tới để thúc đẩy thực hiện phân loại rác tại nguồn:
Một là, tiếp tục thực hiện công tác truyền thông và nhân rộng, phát triển các mô hình tạo sinh kế bền vững từ tài nguyên rác.
Hai là, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức cấp cơ sở về quản lý chất thải nói chung và phân loại rác tại nguồn nói riêng.
Ba là, tham mưu tổ chức thực hiện quy hoạch tỉnh với phần nhiệm vụ của ngành để sớm hình thành và hoàn thiện dần hạ tầng kỹ thuật cho quản lý chất thải để đảm bảo tất cả chất thải rắn được quản lý tốt để tái sinh, tái tuần hoàn vật chất hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.
- Phóng viên: Cảm ơn đồng chí!
TÂY HỒ thực hiện