Ứng xử với hàng hóa vùng dịch Covid-19, mỗi nơi mỗi phách
Mỗi tỉnh lại có quy định riêng đối với phương tiện, hàng hóa của Hải Dương. Điều này đang đẩy kinh tế Hải Dương vào thế vô vàn khó khăn.
PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng đề xuất với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong cuộc họp trực tuyến với Hải Dương và Bộ Y tế chiều 19/2 về những vấn đề cấp bách đối với khái niệm vùng dịch để đảm bảo mục tiêu kép, không làm ngưng trệ xã hội.
Nhà nước cần có quy định thống nhất
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, hiện nay các tỉnh đang tự đề ra các chính sách đối với hàng hóa, xe cộ và cả người ở những nơi đang xảy ra dịch bệnh.
Việc này không theo quy chuẩn thống nhất chung mà theo hướng mạnh ai người ấy làm. Quan điểm chống dịch Covid-19 là bình tĩnh, kiên quyết nhưng không “ngăn sông cấm chợ”, không làm ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa, dẫn đến sụt giảm kinh tế.
Điều mà PGS. TS Phu nói đang diễn ra rõ rệt đối với hàng hóa, phương tiện ở Hải Dương. Hiện nay, hàng hóa, đặc biệt là nông sản xuất khẩu, hàng công nghiệp cần xuống cảng, lên cao tốc của Hải Dương đang bị ứ đọng bởi những cách thức chống dịch khác nhau của từng địa phương.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản than vãn, tỉnh đã có rất nhiều văn bản đề nghị, mong mỏi phía các tỉnh xem xét tháo gỡ quy định để cho xe hàng đi qua.
"Hết gửi văn bản cho các địa phương, Hải Dương đang tiếp tục kiến nghị lên Trung ương. Chống dịch bình tĩnh, linh hoạt để không đẩy các doanh nghiệp vào hoàn cảnh phá sản, bà con nông dân trong vùng trồng nguyên liệu, rau củ xuất khẩu vào thế trắng tay", ông Bản nói.
Dịch Covid-19 đang khiến Hải Dương gặp rất nhiều khó khăn, người dân đang phải đối mặt với sụt giảm kinh tế, tinh thần. Nay, hoa màu đến vụ thu, hàng hóa đến ngày xuất vẫn “dậm chân tại chỗ” bởi hàng rào chính sách phòng chống dịch Covid-19 của nhiều địa phương, đặc biệt là của Hải Phòng.
5 tỉnh đã thoáng hơn, riêng Hải Phòng vẫn mạnh tay
Trao đổi với PV VietNamNet chiều 20/2, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ cho biết, để đảm bảo quy định chống dịch Covid-19, từ ngày 16/2, Hải Phòng dừng tiếp nhận công dân, lao động và phương tiện hàng hóa từ Hải Dương.
Ngày 18/2, địa phương đã điều chỉnh cho phương tiện chở hàng hóa của Hải Dương vào Hải Phòng nhưng phải đảm bảo các quy định chống dịch.
Cụ thể, phương tiện chở hàng hóa sản xuất, xuất khẩu vào Hải Phòng phải có hợp đồng, đơn hàng cụ thể từ nơi sản xuất, nơi giao, nơi nhận và đủ điều kiện an toàn phòng, chống dịch.
Lái xe phải có kết quả xét nghiệm âm tính đối với virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR và có giấy xác nhận của CDC Hải Dương trong thời gian 3 ngày gần nhất.
Đối với lái xe chở hàng hóa từ Hải Phòng vào Hải Dương phải có xác nhận của chủ phương tiện hoặc chính quyền địa phương, khi trở về cách ly tập trung 14 ngày do đơn vị bố trí và phải lấy mẫu xét nghiệm.
Nói với VietNamNet, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh khẳng định không có chuyện "ngăn sông cấm chợ", hơn nữa còn tạo mọi điều kiện để lưu thông hàng hóa giữa hai địa phương.
Theo bà Hạnh, những xe chở lương thực, thực phẩm, hàng hóa thuộc loại hình xe đặc biệt ưu tiên được phép vào Quảng Ninh. Tuy nhiên, Quảng Ninh yêu cầu trên xe chỉ có duy nhất 1 lái xe, không được có thêm người thứ 2 để tránh tình trạng lợi dụng việc đi kèm người và không kiểm soát được.
Xe chở hàng phải có hợp đồng hàng hóa, lịch trình di chuyển cụ thể để lực lượng chức năng kiểm soát.
Trả lời VietNamNet chiều 20/2, Bí Thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái chia sẻ với lãnh đạo và nhân dân Hải Dương.
Ông nói: “Bắc Giang là tỉnh hàng xóm với Hải Dương. Chúng tôi không cấm xe chở hàng hóa của tỉnh bạn vào địa bàn để cùng nhau thực hiện mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra. Lái xe chở hàng từ Hải Dương đi vào phải kê khai y tế, mặc đồ bảo hộ phòng dịch, sát khuẩn người, phương tiện và không cần giấy xét nghiệm Covid-19''.
Một tỉnh khác có tiếp giáp với Hải Dương là Bắc Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn đã ký văn bản hỏa tốc ngày 19/2, yêu các chốt kiểm soát tạo điều kiện cho các phương tiện hàng hóa lưu thông qua địa bàn, hoặc vào trong nội tỉnh.
Tuy nhiên, Bắc Ninh yêu cầu các chủ hàng chỉ cho phép trên xe có 1 người. Khi vào địa phận Bắc Ninh phải khai báo tế, có giấy tờ hàng hóa đầy đủ, không cần phiếu xét nghiệm âm tính với lái xe chờ hàng từ Hải Dương.
Còn Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn nêu quan điểm với PV VietNamNet, Hưng Yên kiên quyết không tiếp nhận người Hải Dương trong giai đoạn này.
''Với xe chở hàng hóa của tỉnh bạn, chúng tôi mở cửa để lưu thông có điều kiện. Cụ thể, trên xe chỉ có 1 lái xe được trang bị bảo hộ, khử khuẩn, khai báo y tế, hợp đồng đơn hàng”- ông Văn cho biết.
Ông Văn nói thêm, ngay từ khi Hải Dương xảy ra dịch cho đến nay, các phương tiện của Hải Dương đi qua trên cao tốc, quốc lộ Hưng Yên không lập chốt kiểm soát.
Khi PV VietNamNet đặt câu hỏi hàng hóa đi qua địa phương của Hải Dương sẽ nhận được những hỗ trợ gì, Bí Thư tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải nói rõ: "Chúng tôi chia sẻ tất cả với tỉnh bạn. Chúng tôi giúp đỡ, tạo điều kiện cho họ thực hiện mục tiêu kép, để góp phần vào thực hiện phát triển xã hội chung. Người Hải Dương đã trải qua 3 lần dịch, nhưng đợt dịch lần này lớn quá, Thái Bình sẵn sàng không làm gì để “gây khó” thêm. Sáng 20/2, Thái Bình đã trích 1 tỷ đồng mua khẩu trang N95 đạt chuẩn để gửi tặng Hải Dương trang bị cho lực lượng chống dịch. Giúp bạn chống dịch là cách mà Thái Bình đang phòng dịch từ xa”.
Theo ông Hải, Thái Bình đã chỉ đạo các chốt phải hướng dẫn tận tình, tạo cơ chế thông thoáng cho hàng hóa Hải Dương, không đòi hỏi bất cứ xét nghiệm nào. Chỉ cần người điều khiển khai báo y tế, khử khuẩn phương tiện là được vào Thái Bình.