Ứng xử với những giá trị
Trước những ý kiến khác nhau về công trình Trạm Vô tuyến điện báo ở địa chỉ 128C phố Đại La (Hà Nội) sẽ bị tháo dỡ vì nằm trong quy hoạch của Dự án đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với KTS Phạm Thanh Tùng- Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
PV: Thưa ông, với việc phát triển quy hoạch đô thị nhiều địa chỉ có giá trị lịch sử, văn hóa đang có nguy cơ bị phá bỏ. Dưới góc nhìn của một KTS, theo ông chúng ta đang ứng xử ra sao với những “tài sản” đặc biệt này?
KTS Phạm Thanh Tùng: Tôi muốn nói trước hết đến một số ngôi nhà vẫn được gọi là biệt thự Pháp cổ tại Hà Nội hiện nay. Thực ra mà nói những biệt thự này không phải do người Pháp làm mà phần lớn là do nhà thầu Việt Nam làm. Do đó hiểu đúng phải là biệt thự xây dựng thời Pháp. Tuy nhiên, với những ngôi biệt thự này đều có những giá trị nhất định về mặt kiến trúc. Đây là những biệt thự đó nằm ở các phố lớn và rất hài hòa với cảnh quan với đường phố lớn, vỉa hè rộng, có sân vườn. Mặt khác dù đã xác định được những giá trị của những biệt thự nhưng thực tế đến nay các cơ quan chính quyền chỉ có những đánh giá ở khía cạnh kiến trúc, chứ hoàn toàn không quan tâm đến những giá trị văn hóa, lịch sử. Bởi với mỗi biệt thự dù giá trị kiến trúc không được đẹp nhưng nó ẩn chứa bên trong những dấu ấn lịch sử của cả một giai đoạn.
Nhiều người đang quan tâm ngôi biệt thự Pháp cổ và một số công trình cổ thuộc Trạm Vô tuyến điện báo ở địa chỉ 128C phố Đại La sẽ bị tháo dỡ vì nằm trong quy hoạch của Dự án đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở. Ông nghĩ sao về việc phá bỏ công trình này?
- Cá nhân tôi cho rằng đó không phải là một công trình có kiến trúc đẹp so với các công trình khác. Nhưng đây là một công trình có kiến trúc “sạch sẽ” và nếu để bình thường ra thì hoàn toàn không có giá trị. Bởi chúng ta lâu nay đang hiểu rằng cứ là công trình thời Pháp là có giá trị. Trong khi đó đồng hành với sự phát triển chung thì chúng ta không nên quá hoài cổ mà đôi khi phải phá bỏ những cái cũ để xây dựng lên những cái mới. Nhưng có những cái chúng ta phải suy nghĩ bởi có những công trình mà sau này chúng ta có tiền cũng không thể xây lên được. Với ngôi nhà ở 128 Đại La là nơi phát sóng bản Tuyên ngôn độc lập lần đầu tiên ra cả nước và thế giới vào trưa 7/9/1945, đây là địa điểm lưu giữ những dấu ấn lịch sử của một thời nên trên chúng ta hoàn toàn có thể điều chỉnh quy hoạch. Còn nếu là việc bất khả thi thì phải có cách gì đó để lưu giữ nó. Hiện nay, thế giới đã có rất nhiều cách để lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử như số hóa, dựng bia tưởng niệm… Để mọi người khi đi qua có thể biết nơi đây đã diễn ra một sự kiện văn hóa, lịch sử. Ở đây chúng ta nên nhìn đến hướng phát triển, chứ không phải mãi hoài cổ với quá khứ. Trên thế giới hiện nay đã làm rất nhiều rồi. Điều quan trọng là chúng ta có trân trọng những giá trị lịch sử đó không? Còn khi cần thiết phải hy sinh vì một sự phát triển chung chúng ta vẫn cần phải phá bỏ.
Vậy với chúng ta nên phải thay đổi tư duy trong việc bảo tồn và phát triển?
- Trong thời đại phát triển chúng ta phải có những tư duy đổi mới. Ở đây với mỗi công trình cổ, có những giá trị văn hóa, lịch sử khi bị phá bỏ mà quên lãng mới là điều đáng sợ. Hiện chúng ta có những bảo tàng, lưu giữ những kỷ vật là như thế. Khi chúng ta phát triển cần phải chấp nhận cái mới những cũng phải lưu giữ được những cái cũ. Và công nghệ, đô thị thông minh đang đáp ứng được điều này. Tuy nhiên, việc quy hoạch này cần phải làm ngay từ đầu chứ không phải đến khi thực hiện phát hiện ra những công trình lịch sử, văn hóa chúng ta mới triển khai thực hiện. Bởi quy hoạch là một lịch vực đặc thù với nhiều ngành như kiến trúc, địa lý, văn hóa, lịch sử, kinh tế. Đây là một hợp phần của rất nhiều ngành phối hợp với nhau. Với trường hợp ngôi nhà 128 Đại La khi thiết kế quy hoạch công khai tại sao chúng ta không đề cập đến để có những điều chỉnh. Đây là “bệnh chung” thiếu sự kết hợp của các ngành. Quy hoạch cứ làm, ngành văn hóa, lịch sử cứ làm… Cho nên mới câu chuyện khi làm đường Xã Đàn mới phát hiện ra Đàn Xã Tắc. Chính vì thế với mỗi công trình cần phải có sự gắn bó giữa đơn vị thi công, các nhà khảo cổ… để khi phát lộ ra điều gì còn có những sự hỗ trợ, điều chỉnh. Quy hoạch của chúng ta có một nhược điểm là người vẽ cứ vẽ, người thi công cứ thi công. Kiến trúc như một bản nhạc phải có một quy hoạch tổng thể. Nhưng chúng ta hiện thiếu một kiến trúc sư trưởng. Đây chính là người tư vấn, tham mưu cho người đứng đầu thành phố để hài hòa cho sự phát triển cho không gian chung.
Vậy chúng ta nên ứng xử như thế nào với những ngôi nhà cổ ở Hà Nội hiện nay?
- Để làm được việc này thì phải có sự đầu tư, chung tay của Nhà nước. Thứ nhất, với các công trình do Nhà nước quản lý tốt có thể để cho các tổ chức văn hóa trong nước hoặc nước ngoài cho thuê để tạo nên những không gian văn hóa. Hoặc với các biệt thự có giá trị có thể sử dụng vào việc kinh doanh du lịch. Thứ hai, với các công trình có giá trị lịch sử đề nghị phục hồi, gắn biển để giáo dục cho thế hệ trẻ những giá trị truyền thống. Thứ ba, với các biệt thự cổ mà đã quá hạn sự dụng nên có kế hoạch cải tạo để cho chính người dân ở đó có thể an tâm sinh sống. Đặc biệt, với quan niệm về nhà Pháp cổ Hà Nội cũng nên công bố rõ ràng để người dân hiểu. Cách đây mấy tháng, Sở Địa chính Pháp có gửi cho Hà Nội danh mục hơn 100 nhà Pháp cổ ở Hà Nội đã hết hạn sử dụng. Họ cũng đã có những cảnh báo nếu có đổ sập thì chính quyền Hà Nội phải chịu trách nhiệm. Biệt thự cũng như một cơ thể người muốn nó tồn tại, bền lâu thì chúng ta cần phải chăm chút cho nó. Nhưng thực tế hiện nay nhiều ngôi nhà cổ đang bị chất tải lên gấp nhiều lần và có nguy cơ đổ sập.
Trân trọng cảm ơn ông!
Hoàng Minh (thực hiện)
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/ung-xu-voi-nhung-gia-tri-tintuc454371