Ứng xử với tiền điện tử
Tiền điện tử có nhiều lợi ích, phù hợp với xu thế số hóa, đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy tài chính toàn diện, nhưng chúng cũng có thể gây hại cho hiệu quả của chính sách tiền tệ và sự ổn định tài chính. Do đó, chúng ta cần có cách ứng xử phù hợp với loại tiền này.
Hiểu đúng về tiền điện tử
Trong nhiều thập kỷ qua, những tiến bộ không ngừng về công nghệ đã tạo ra những chuyển đổi lớn cho phương thức hoạt động của nền kinh tế toàn cầu, bao gồm cả cách thức mà hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ và tài sản được trao đổi. Một phát triển quan trọng của quá trình này là sự xuất hiện của tiền điện tử (e-money) với nhiều lợi ích tiềm năng phù hợp với xu thế số hóa, trong đó có việc nâng cao tốc độ và hiệu quả thanh toán, đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy tài chính toàn diện.
Tiền điện tử ở đây được hiểu chung nhất là các sản phẩm lưu trữ giá trị được biểu hiện bằng đồng tiền pháp định và được chấp nhận thanh toán bởi các tổ chức/cá nhân không phải là đơn vị phát hành. Tuy nhiên, chúng cũng đồng thời gây ra những rủi ro đáng kể cho cộng đồng tài chính nói riêng và xã hội nói chung, khi là những phương tiện tiềm năng để rửa tiền, tài trợ khủng bố, trốn thuế và lừa đảo. Đồng thời, chúng cũng có thể gây hại cho hiệu quả của chính sách tiền tệ và sự ổn định tài chính khi các sản phẩm này không được quản lý hiệu quả và người sử dụng không hiểu đúng bản chất của sản phẩm.
Tại Việt Nam, các sản phẩm tiền điện tử theo khái niệm trên đã tồn tại dưới các hình thức thẻ trả trước ngân hàng, các sản phẩm ví điện tử và gần đây mới bắt đầu triển khai thí điểm dịch vụ tiền di động (Mobile Money).
Hiện nay, các dịch vụ tiền điện tử, cụ thể là các dịch vụ liên quan đến ví điện tử, thẻ trả trước và Mobile Money tại Việt Nam đều đang được quy định giới hạn trong các hoạt động thanh toán.
Cụ thể, đối với thẻ trả trước, chỉ có các ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép tại giấy phép hoạt động mới được phát hành. Đối với ví điện tử, chỉ có các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; tổ chức không phải là ngân hàng được NHNN cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ví điện tử mới được phát hành.
Trong khi đó, đối với Mobile Money, Việt Nam đang thực hiện thí điểm cho các doanh nghiệp đồng thời có giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ví điện tử và giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần số vô tuyến điện hoặc là công ty con được công ty mẹ có giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần số vô tuyến điện cho phép sử dụng hạ tầng, mạng lưới, dữ liệu viễn thông.
Nhiều tiềm năng, phát triển mạnh…
Trong xu hướng gia tăng mạnh mẽ của thanh toán không dùng tiền mặt, hoạt động thanh toán bằng tiền điện tử tại Việt Nam cũng ngày càng phổ biến hơn, đặc biệt là các giao dịch bằng ví điện tử.
Xét về phía cầu, theo số liệu thống kê của NHNN, đến cuối năm 2023, số lượng ví điện tử đang hoạt động là 32,77 triệu ví (chiếm 57,32% trong tổng số 57,17 triệu ví điện tử đã được kích hoạt), với tổng số tiền trên các ví này khoảng 4.320 tỷ đồng.
Theo số liệu thống kê của The Statista, năm 2020, Việt Nam có khoảng 19,2 triệu người dùng ví điện tử, tăng lên khoảng 24,7 triệu vào năm 2021 và dự đoán con số có thể tăng lên gần 70 triệu người dùng vào năm 2026. Thực tế, các ví điện tử đã thâm nhập sâu rộng trong đời sống suốt những năm qua, nhất là ở các thành phố lớn.
Xét về phía cung, đến nay, NHNN đã cấp phép 51 đơn vị cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (có dịch vụ ví điện tử), trong đó theo báo cáo “Người tiêu dùng số - The Connected Consumer” quý I/2023 của Decision Lab, Top 3 doanh nghiệp có thị phần ví điện tử lớn nhất tại Việt Nam gồm MoMo, Zalopay và Viettelpay. Theo đó, MoMo dẫn đầu khi chiếm tới 68% thị phần ví điện tử, xếp sau lần lượt là Zalopay (53%), Viettelpay (27%), ShopeePay (25%), VNpay (16%), Moca của Grabpay chỉ chiếm 7%.
Dân số trẻ, dễ dàng kết nối Internet và nền kinh tế đang phát triển nhanh đã đưa Việt Nam trở thành một thị trường đầy hứa hẹn cho các ví điện tử. Sự cạnh tranh giữa các ví điện tử ngày càng lớn, nhưng lại thúc đẩy nhanh sự phát triển của hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.
Đối với các giao dịch thông qua Mobile Money, đây là loại hình mới được thí điểm và tập trung vào phân khúc giao dịch giá trị thấp, phục vụ vùng nông thôn. Giá trị giao dịch bằng Mobile Money còn rất nhỏ khi tổng giá trị lũy kế đến nay chỉ khoảng 2.000 tỷ đồng.
Theo khảo sát từ sách trắng thương mại điện tử, khi dịch vụ Mobile Money được triển khai thí điểm năm 2021, 81% người mua hàng trực tuyến có mong muốn được trải nghiệm Mobile Money. Như vậy, việc triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money đã đáp ứng một phần nhu cầu của thực tiễn, đã và đang đi vào cuộc sống với một số kết quả cụ thể.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến 30/4/2023, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Money đạt hơn 3,9 triệu khách hàng, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Số lượng khách hàng tại nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa đạt hơn 2,7 triệu khách hàng, chiếm 69% số khách hàng sử dụng dịch vụ. Số lượng điểm kinh doanh đạt hơn 9.953 điểm, tăng gần 3 lần, số lượng đơn vị chấp nhận thanh toán đạt 15.326 điểm, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số lượng các giao dịch (nạp, rút, chuyển tiền, thanh toán) bằng Mobile Money là hơn 26,1 triệu giao dịch, với tổng giá trị giao dịch hơn 1.683 tỷ đồng.
… nhưng còn nhiều vấn đề cần khắc phục
Sự phát triển của các giao dịch thanh toán bằng tiền điện tử đã góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao tốc độ và hiệu quả thanh toán, đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy tài chính toàn diện, nhưng nó cũng đặt ra những vấn đề rủi ro cần được quan tâm quản lý.
Thứ nhất, về khái niệm tiền điện tử, Việt Nam không có khái niệm tiền điện tử được quy định một cách thống nhất và trực diện. Điều này có thể dẫn tới sự nhận diện nhầm các sản phẩm này trên thị trường với tiền ảo, tiền mã hóa, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức phát hành cũng như đơn vị cấp phép là NHNN. Nghiên cứu quy định pháp lý về tiền điện tử tại các nước cho thấy, khái niệm tiền điện tử gần như được hiểu thống nhất là các sản phẩm có 3 đặc điểm chính: (i) Giá trị tiền tệ được lưu trữ dưới hình thức điện tử, được thể hiện như một khoản truy đòi đối với đơn vị phát hành; (ii) Được niêm yết bằng đồng tiền pháp định và được phát hành trên cơ sở nhận được một khoản tiền trả trước; (iii) Được chấp nhận bởi cá nhân hoặc pháp nhân không phải là đơn vị phát hành tiền điện tử.
Vì vậy, để có thể dễ dàng quản lý và theo xu thế chung của nhiều quốc gia, Việt Nam cần cân nhắc nghiên cứu ban hành một khái niệm thống nhất về tiền điện tử và theo đó, ban hành một văn bản điều chỉnh thống nhất các sản phẩm tiền điện tử, tạo sự nhất quán và tường minh, tránh các hiểu nhầm hoặc cố tình sai phạm để lừa đảo trên thị trường.
Thứ hai, để đảm bảo an toàn và giữ nguyên vẹn các khoản tiền của khách hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử có nghĩa vụ duy trì tổng số dư trên tất cả các tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử mở tại các ngân hàng hợp tác (ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có ký hợp đồng hoặc thỏa thuận với tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử về việc hợp tác cung ứng các dịch vụ trung gian thanh toán cho khách hàng) không thấp hơn so với tổng số dư của tất cả các ví điện tử của các khách hàng tại cùng một thời điểm.
Tuy nhiên, theo báo cáo của NHNN tại Hội nghị chuyên đề công tác thanh toán tại tổ chức trung gian thanh toán được tổ chức ngày 9/1/2024, các trung gian thanh toán nói chung vẫn còn có một số tồn tại, trong đó còn có hiện tượng không tách bạch tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử với tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ và /hoặc với các tài khoản thanh toán khác.
Vì vậy, để đảm bảo tính tuân thủ của các tổ chức này nhằm nâng cao an toàn cho khách hàng tiền điện tử, cần tăng cường các hoạt động thanh tra, giám sát định kỳ để đảm bảo số tiền điện tử đang lưu hành trên thị trường không cao hơn số tiền được giữ tại các tài khoản bảo đảm (tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử mở tại ngân hàng hợp tác để đảm bảo cho việc cung ứng dịch vụ ví điện tử); đòi hỏi các tổ chức phải có một quy trình đối chiếu cụ thể, đáng tin cậy, trong đó phân công trách nhiệm rõ ràng cho các nhân sự liên quan.
Nếu các biện pháp kiểm soát tính toàn vẹn và bảo mật dữ liệu được thực hiện tốt, thì chúng sẽ giảm nguy cơ gian lận và truy cập trái phép vào tài khoản đảm bảo. Quá trình đối chiếu số tiền điện tử đang lưu hành trên thị trường và số tiền được giữ tại các tài khoản bảo đảm càng được tổ chức tốt càng giảm thiểu được rủi ro thiếu hụt trong tài khoản đảm bảo xảy ra do lỗi kiểm soát nội bộ hoặc sự giả mạo của nhân viên tại các tổ chức phát hành, ngân hàng hợp tác.
Thứ ba, để phát triển sản phẩm tiền điện tử (đặc biệt là ví điện tử và Mobile Money) sâu rộng tới các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần đắc lực cho mục tiêu tài chính toàn diện, cần có sự hợp tác của các đơn vị phát hành tiền điện tử với các đại lý. Để hỗ trợ hoạt động này phát triển, luật pháp các nước thường thiết lập các yêu cầu nhất định đối với các đại lý và sự hợp tác của các đơn vị phát hành tiền điện tử với các đại lý.
Tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024 (có hiệu lực vào 1/7/2024), quy định về việc giao đại lý của ngân hàng thương mại mới được bổ sung tại Điều 113. Hiện nay, NHNN đang nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn nghiệp vụ này. Đây cũng là cơ sở để nghiên cứu, cân nhắc, từ đó mở rộng đối tượng áp dụng hoặc xây dựng một quy tắc riêng về hoạt động đại lý cho hoạt động cung ứng dịch vụ tiền điện tử.
Thứ tư, về phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, liên quan trực tiếp đến lĩnh vực tiền điện tử hiện nay đang có một số vấn đề được đề cập.
Chẳng hạn, đối với thẻ trả trước vô danh, với tính chất không có thông tin định danh của khách hàng/người sử dụng thẻ (người sử dụng có thể che giấu danh tính, nguồn gốc tiền sử dụng) nên việc sử dụng thẻ trả trước vô danh có thể tiềm ẩn các rủi ro như khi phát hành thẻ, tổ chức phát hành thẻ chỉ cần có thỏa thuận bằng văn bản với bên đề nghị phát hành, nên tổ chức phát hành thẻ rất khó quản lý cá nhân/tổ chức trực tiếp sử dụng thẻ. Tương tự với các loại thẻ khác, nếu đơn vị chấp nhận thẻ không thực hiện đúng quy định pháp luật thì thẻ trả trước vô danh có thể bị lợi dụng trở thành kênh thanh toán cho các giao dịch bất hợp pháp, khi đó không thể xác định người sử dụng thẻ như các phương tiện định danh khác. Mặc dù hạn mức tối đa của thẻ trả trước vô danh tương đối thấp (số dư tối đa 5 triệu đồng tại mọi thời điểm), nhưng có thể bị các đối tượng lợi dụng tái nạp nhiều lần vào thẻ, một người có thể sử dụng nhiều thẻ nên các đối tượng có thể sử dụng số tiền lớn cho các mục đích bất hợp pháp.
Đối với ví điện tử, các sản phẩm này chỉ được cung ứng cho người cư trú trên lãnh thổ Việt Nam và không được áp dụng đối với các giao dịch thanh toán, chuyển tiền xuyên biên giới. Vì vậy, khả năng các giao dịch được thực hiện hai chiều đối với các quốc gia có rủi ro cao là tương đối thấp. Tuy nhiên, dù quy định pháp luật hiện hành là khá chặt chẽ, quá trình tuân thủ các quy định của các tổ chức phát hành ví điện tử còn chưa cao. Qua công tác thanh tra, kiểm tra thực tế tại một số tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho thấy, một số tổ chức trung gian thanh toán chưa thực hiện nghiêm túc trong việc nhận biết, xác minh, phân loại, giám sát, kiểm tra các đơn vị chấp nhận thanh toán để có biện pháp quản trị rủi ro phù hợp đối với từng đơn vị chấp nhận thẻ (theo loại hình, ngành nghề kinh doanh), phát hiện kịp thời các giao dịch bất thường, không phù hợp với loại hình kinh doanh, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật. Một số tổ chức trung gian thanh toán chưa tuân thủ tuyệt đối quy định về việc mở và sử dụng ví điện tử, nhận biết khách hàng mở ví điện tử.
Đối với dịch vụ Mobile Money, sản phẩm này chỉ được sử dụng đối với giao dịch nội địa hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam bằng đồng Việt Nam, không được thực hiện thanh toán/chuyển tiền cho các hàng hóa, dịch vụ cung cấp xuyên biên giới. Vì vậy, khó có khả năng các giao dịch được thực hiện hai chiều đối với các quốc gia có rủi ro cao. Mặc dù các quy định khá chặt chẽ, dịch vụ Moblie Money cũng tiềm ẩn rủi ro trong công tác phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố (trường hợp doanh nghiệp thực hiện thí điểm hoặc các điểm kinh doanh không thực hiện đúng các quy trình tác nghiệp, thiếu năng lực, kinh nghiệm trong việc định danh, xác thực khách hàng) dẫn tới các hành vi mạo danh khách hàng để thực hiện các giao dịch giả mạo, giao dịch bất hợp pháp.
Vì vậy, cần tăng cường hiệu lực thực thi của các hoạt động theo dõi, thống kê, thu thập số liệu tình hình phát hành, sử dụng, thanh toán của các sản phẩm tiền điện tử để đảm bảo phát hiện các hoạt động nghi ngờ, cũng như đảm bảo việc thực thi hiệu quả các quy định về phòng chống rửa tiền. Ngoài ra, cần nghiên cứu ban hành quy định về tài khoản theo cấp độ để vừa đảm bảo được các quy định về phòng chống rửa tiền, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm tiền điện tử có thể tiếp cận các đối tượng khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa không có khả năng thực hiện các quy trình thủ tục quá phức tạp. Đây cũng là một nội dung đã được đặt ra trong Chiến lược tài chính toàn diện và hiện đang được NHNN triển khai nghiên cứu, xây dựng.
Trong thời gian tới, các hoạt động thanh toán bằng tiền điện tử sẽ ngày càng phổ biến trong nền kinh tế Việt Nam. Để đáp ứng xu thế phát triển này và góp phần đắc lực vào quá trình chuyển đối số quốc gia, mặc dù đã được chú trọng trong thời gian qua nhưng ngành ngân hàng sẽ luôn phải sẵn sàng với việc không ngừng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cũng như tăng cường các hoạt động thanh tra, giám sát, đảm bảo tính tuân thủ và minh bạch của các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/ung-xu-voi-tien-dien-tu-post346997.html