UNHCR: Hơn 500.000 người đã chạy trốn khỏi cuộc xung đột ở Sudan
Theo người đứng đầu UNHCR, số người tị nạn từ Sudan tìm nơi nương náu tại các quốc gia láng giềng hiện đã vượt mốc nửa triệu người kể từ khi cuộc xung đột bùng phát ngày 15/4.
Ngày 20/6, người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi cho biết hơn 500.000 người đã chạy trốn khỏi cuộc xung đột ở Sudan trong khi 2 triệu người buộc phải di tản trong nước.
Phát biểu tại buổi họp báo ở Nairobi nhân Ngày Quốc tế Người Tị nạn, ông Grandi cho biết số người tị nạn từ Sudan tìm nơi nương náu tại các quốc gia láng giềng hiện đã vượt mốc nửa triệu người kể từ khi cuộc xung đột bùng phát ngày 15/4 tại quốc gia Bắc Phi này.
Ông nêu rõ nếu xung đột không chấm dứt, cuộc di cư của người dân Sudan vẫn sẽ tiếp diễn.
Sudan đã bị cuốn vào cuộc xung đột giữa các phe phái quân sự đối địch trong hơn 2 tháng qua. Giao tranh giữa Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) và nhóm bán quân sự Các Lực lượng Phản ứng nhanh (RSF) đối địch đã khiến hơn 2.000 người thiệt mạng và 2,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, cũng như châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn.
Tại hội nghị các nhà tài trợ diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 19/6, cộng đồng quốc tế đã cam kết viện trợ tổng cộng khoảng 1,5 tỷ USD để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Sudan và giúp các nước láng giềng tiếp nhận những người chạy trốn khỏi cuộc xung đột.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định nếu không có sự hỗ trợ mạnh mẽ của quốc tế, Sudan có thể nhanh chóng trở thành tâm điểm của tình trạng vô pháp, mất an ninh trên toàn khu vực.
Saudi Arabia và Mỹ - 2 nhà trung gian hòa giải cho cuộc xung đột ở Sudan - đêm 17/6 (giờ địa phương) ra thông cáo chung xác nhận các bên đối địch ở quốc gia Đông Bắc Phi đã nhất trí về thỏa thuận ngừng bắn mới kéo dài 72 giờ, bắt đầu từ ngày 18/6.
Các bên nhất trí rằng trong thời gian ngừng bắn, họ sẽ kiềm chế những hoạt động chuyển quân bị cấm, tấn công, sử dụng máy quân sự hoặc thiết bị bay không người lái, pháo kích, củng cố các vị trí và tái bổ sung lực lượng, cũng như không tìm kiếm ưu thế về quân sự”./.