Uniben dùng 17 triệu cổ phiếu VIB bảo đảm cho khoản nợ 500 tỷ đồng
Việc cổ phiếu VIB được dùng để bảo đảm cho lô trái phiếu của Uniben mới đây đã củng cố thêm sợi dây liên hệ giữa chủ thương hiệu Mỳ Ba Miền với nhóm cổ đông lõi của Ngân hàng VIB.
Phối cảnh nhà máy của Uniben tại Bình Dương (Nguồn: Internet)
CTCP Uniben (Uniben) trong khoảng thời gian từ ngày 30/12/2019 - 27/3/2020 đã phát hành xong 500 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có bảo đảm bằng tài sản.
Theo thông tin công bố, lô trái phiếu có kỳ hạn 36 tháng, được một nhà đầu tư tổ chức trong nước (không được tiết lộ rõ danh tính) mua vào toàn bộ.
Số trái phiếu mà Uniben phát hành có mức lãi suất 8,3% năm cho năm đầu tiên (4 kỳ tính lãi). Đối với các kỳ tính lãi sau đó, lãi suất được xác định bằng trung bình cộng của các mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm áp dụng cho các khách hàng cá nhân kỳ hạn 12 tháng từ 4 ngân hàng (BIDV, VietinBank, Vietcombank và Techcombank) và cộng với 4,4%.
Bên cạnh mức lãi suất khá “mềm”, số trái phiếu do Uniben phát hành còn được bảo đảm bằng cổ phiếu VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, VIB cũng là đối tác tín dụng quen mặt của Uniben suốt nhiều năm, hậu thuẫn đáng kể trong việc xây dựng các nhà máy mì gói tại Hưng Yên và Bình Dương.
Cụ thể, nhà máy của Uniben tại KCN Phố Nối A, Hưng Yên có quy mô 6 ha, chuyên sản xuất các sản phẩm: mì, bún, cháo, phở ăn liền, hạt nêm, nước mắm…, với các thương hiệu Reeva và 3 Miền.
Trong khi đó, nhà máy Uniben Bình Dương tại Khu công nghiệp VSIP II-A mới được khánh thành vào tháng 3/2019. Theo đơn vị thi công, tổng diện tích nhà máy giai đoạn 1 là 60.000 m2 trong khuôn viên khu đất rộng 160.000 m2. Nhà máy này có khả năng cung cấp trên 1 tỷ đơn vị sản phẩm mỗi năm.
Mối quan hệ giữa Uniben và VIB không chỉ dừng lại ở đó. Bởi, như VietTimes từng đề cập, Uniben (thành lập từ tháng 6/2010) có nhiều mối liên hệ với gia đình ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch HĐQT VIB.
Số cổ phiếu VIB được dùng bảo đảm cho lô trái phiếu của Uniben mới đây phần nào củng cố thêm về mối liên hệ giữa doanh nghiệp này và các cổ đông của VIB.
Trong bản công bố thông tin, Uniben cho biết giá trị tài sản, tổ chức định giá, cách tính được thực hiện theo quy định tại bản công bố thông tin ngày 7/10/2019.
Theo dữ liệu của VietTimes, ngay trong ngày hoàn tất đợt phát hành (27/3), Uniben đã thực hiện thế chấp 17 triệu cổ phần VIB (tương đương 1,84% vốn điều lệ VIB) tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Techcombank cũng chính là đơn vị nhận quản lý tài sản đảm bảo, quản lý tài khoản cho thương vụ trái phiếu của Uniben. Còn CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) đóng vai trò bảo lãnh phát hành và đại lý đăng ký và lưu ký.
Đáng chú ý, với giá đóng cửa ngày 27/3, số cổ phiếu VIB nói trên chỉ có giá trị gần 233 tỷ đồng, chưa bằng một nửa so với số trái phiếu đã phát hành. Do đó, Uniben nhiều khả năng đã phải “gác” thêm nhiều tài sản bảo đảm khác cho lô trái phiếu này.
Mặt khác, nếu tính theo giá trị thương vụ trái phiếu (500 tỷ đồng), với tỷ lệ cho vay bảo đảm cho cổ phiếu thông thường từ 40 - 50%, Uniben sẽ phải thế chấp khoảng 70 triệu cổ phiếu VIB. Số cổ phần đủ để trở thành cổ đông lớn của VIB với tỷ lệ sở hữu khoảng 7,5% vốn điều lệ.
Ngoài ra, tính đến tháng 7/2016, quy mô vốn điều lệ của Uniben đạt 900 tỷ đồng, trong đó, Unbien Holdings Pte. Ltd nắm giữ 38,59% vốn điều lệ./.