UNICEF kêu gọi Nhóm G7 chia sẻ vắcxin phòng COVID-19

Vắcxin ngừa COVID-19 của AstraZeneca - Ảnh: AFP/TTXVN

Reuters đưa tin, Giám đốc Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) Henrietta H. Fore ngày 17/5 kêu gọi nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) chia sẻ vắcxin dư thừa của họ ngay lập tức như một biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19.

Trước đó, bà Henrietta H. Fore cho biết các nước G7 có thể chia sẻ 153 triệu liều vắcxin COVID-19 trong vòng 3 tháng mà vẫn đảm bảo chương trình tiêm chủng của riêng họ.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 10/5 cũng đã nhấn mạnh: Hợp tác toàn cầu trong vấn đề chia sẻ vắcxin là sự lựa chọn duy nhất để chấm dứt đại dịch COVID-19.

Ông Tedros cho biết: "Sự bất bình đẳng toàn cầu trong việc tiếp cận vắcxin vẫn là một trong những nguy cơ lớn nhất trong việc chấm dứt đại dịch COVID-19”. Theo số liệu của WHO, các nước có thu nhập cao và trung bình cao, chiếm 53% dân số toàn cầu, đã nhận được 83% số vắcxin ngừa COVID-19 của cả thế giới.

Trong diễn biến khác, hãng dược phẩm Bharat Biotech của Ấn Độ ngày 16/5 tuyên bố vắcxin Covaxin phòng bệnh COVID-19 của hãng này có hiệu quả đối với các biến thể của virus SARS-CoV-2, bao gồm biến thể B.1.617 được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ và B.1.1.7 phát hiện tại Anh.

Nghiên cứu liên quan do Viện Virus học quốc gia và Hội đồng Nghiên cứu y khoa Ấn Độ thực hiện đã được công bố trên tạp chí Clinical Infectious Diseases. Theo nghiên cứu này, Bharat Biotech cho biết vắcxin Covaxin "tạo ra hiệu giá trung hòa (có nghĩa là nồng độ của kháng thể) chống lại tất cả các biến thể mới hiện nay”.

Trên mạng xã hội Twitter, Suchitra Ella - đồng sáng lập cũng là Giám đốc điều hành Bharat Biotech - nêu rõ: "Vắcxin Covaxin được quốc tế công nhận một lần nữa thông qua các dữ liệu nghiên cứu khoa học được công bố, cho thấy khả năng bảo vệ trước những biến thể mới".

Trong khi đó, Ả-rập Xê-út ngày 16/5 thông báo rằng du khách nước ngoài nhập cảnh qua đường hàng không từ hầu hết các quốc gia trên thế giới sẽ không cần phải cách ly ở nước này nếu đã được tiêm chủng vắcxin COVID-19.

Tuy nhiên, thông báo cũng cho hay du khách đến từ hơn 20 nước, gồm Mỹ, Ấn Độ, Anh, Đức, Pháp và Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) sẽ bị cấm nhập cảnh vào Ả-rập Xê-út theo các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Theo cơ quan quản lý hàng không dân sự (GACA), từ ngày 20/5, những người nhập cảnh bằng đường hàng không mà không phải công dân Ả-rập Xê-út, nếu đã được tiêm chủng đầy đủ hoặc từng mắc COVID-19 và khỏi bệnh, sẽ không cần phải cách ly 7 ngày tại các khách sạn đã dược chính phủ chấp nhận nếu xuất trình được chứng nhận đã tiêm chủng trước khi đến.

Trước khi có quy định mới, mọi du khách nhập cảnh Ả-rập Xê-út sẽ cần phải cách ly trong khoảng thời gian từ 7-14 ngày, tùy thuộc vào điểm xuất phát và có kết quả xét nghiệm PCR âm tính.

Cùng ngày, Bộ Nội vụ Ả-rập Xê-út thông báo công dân nước này bị cấm đến 13 quốc gia, qua các đường bay trực tiếp hoặc gián tiếp, mà không được phép của của nhà chức trách do nguy cơ về COVID-19.

Những nước này gồm Libya, Syria, Libăng, Yemen, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia, Somalia, Cộng hòa Dân chủ Congo, Afghanistan, Belarus, và Ấn Độ.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/255740/unicef-keu-goi-nhom-g7-chia-se-vacxin-phong-covid-19.html