UOB tiếp tục dự báo Việt Nam không tăng lãi suất điều hành
Báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý II/2024 của Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, UOB vừa phát hành, trong đó tiếp tục giữ quan điểm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ không tăng lãi suất điều hành.
Lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, bao gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng.
Trong hơn 12 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ ổn định các mức lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng ở mức 5%/năm, lãi suất tái cấp vốn ở mức 4,5%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm tở mức 3,0%/năm.
UOB dự báo tỷ giá sẽ giảm từ quý III
Đông Nam Á không còn phụ thuộc nhiều vào các quyết định của Fed
Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay ngắn hạn bằng VND đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp có sản phẩm ứng dụng công nghệ cao) với lãi suất 4,0%/năm.
Lãi suất chính sách của Ngân hàng Nhà nước được UOB dự báo sẽ giữ nguyên ở mức hiện tại cho đến hết năm 2024 nguyên do lạm phát cơ bản của Việt Nam ở mức thấp.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý II/2024 tăng 4,39% so với cùng kỳ, trong khi lạm phát cơ bản tăng 2,69% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà kinh tế cho rằng, trong điều hành chính sách tiền tệ, NHNN nhìn vào lạm phát cơ bản (sau khi đã loại trừ một số mặt hàng thực phẩm, năng lượng và hàng hóa do các cơ quan nhà nước quản lý như giáo dục và dịch vụ y tế) để thấy lạm phát không đến từ yếu tố tiền tệ.
Tổng cục Thống kê cũng cho rằng chi phí thực phẩm và nhà ở tăng là nguyên nhân chính gây ra CPI toàn phần, đặc biệt là do sự tăng giá của thịt lơn (do dịch tả lợn châu Phi cuối năm 2023), điện cũng như các dịch vụ y tế, giáo dục. Trong tương lai, một yếu tố có thể tác động đến CPI là kế hoạch tăng lương tối thiểu 6% kể từ tháng 7/2024, thực tế có thể sẽ có độ trễ nhất định khi mà các cơ quan sử dụng lao động còn đang chờ hướng dẫn cách tính tăng lương từ các bộ ngành liên quan.
Ngoài ra, UOB nhận định Ngân hàng Trung ương Châu Âu đi trước một bước bằng việc hạ lãi suất trong tháng 6 và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu nới lỏng lập trường chính sách trong nửa cuối năm 2024, mở ra cơ hội cho NHNN đi theo xu hướng chung.
Chính phủ Việt Nam đang khuyến nghị hệ thống ngân hàng tiếp giảm chi phí giảm lãi suất, và giảm điều kiện vay vốn cho doanh nghiệp và người đi vay để hỗ trợ phát triển kinh tế. Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý II đạt mức 6,93%, UOB tiếp tục giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2024 của Việt Nam ở mức 6%.
Tuy nhiên, ngân hàng Singapore lưu ý rằng nửa cuối năm nay có thể sẽ chứng kiến hiệu quả hoạt động tăng chậm hơn do đối chiếu với số liệu cơ sở cao hơn trong nửa cuối năm 2023 và những rủi ro vẫn còn hiện hữu, bao gồm xung đột giữa Nga và Ukraine và xung đột ở Trung Đông có thể làm gián đoạn hoạt động thương mại và các thị trường năng lượng toàn cầu.