Ước mơ con chữ ở lớp học ban đêm
Cứ đều đặn vào các buổi tối thứ Hai, Tư, Sáu hằng tuần, lớp học ban đêm tại Trường Tiểu học Bông Sao, Phường 5, Quận 8, TPHCM lại sáng đèn để đón học trò lớp phổ cập.
Đa số học sinh (HS) ở đây đều theo gia đình từ các tỉnh lên thành phố mưu sinh, không có điều kiện đến trường học. Ban ngày các em phải đi bán vé số, đi làm, hay bán hàng phụ gia đình để kiếm sống.
36 tuổi là… học sinh lớp 2
Đều đặn các buổi tối theo lịch, anh Thạch Sơ Khum (36 tuổi, quê ở huyện Châu Thành, Trà Vinh) có mặt tại lớp phổ cập ở Trường Tiểu học Bông Sao, Phường 5, Quận 8, TPHCM để học chữ. Sơ Khum cho biết, gia đình có 5 anh chị em, cha mẹ làm nông khó khăn, anh cũng từng được đi học ở quê nhưng “chữ không vào” nên đành nghỉ. Khum lên TPHCM làm thuê trong một xưởng cắt kính. 4 năm trước, sau nhiều lần ngưỡng mộ những người thợ làm chung có thể đọc báo, viết chữ thoăn thoắt, Khum quyết tâm tìm lớp học phổ cập buổi tối và bắt đầu học lớp 1. Nhưng học mãi vẫn chưa thể đọc thông, viết thạo, Khum mất 3 năm để “tốt nghiệp” lớp 1. Bắt đầu từ tháng 9 năm nay, Khum vào lớp 2.
Cô giáo Trần Thị Châu chia sẻ, Khum rất chăm đến lớp, dù chậm đọc nhưng anh cố gắng theo học. Những từ khó, từ ghép chưa đọc được, cô Châu vẫn phải phụ kèm hướng dẫn cho Khum đánh vần từng chữ một. Nhiều khi cô Châu ra bài tập về nhà để Khum tự tập đọc và tập viết và nhờ bạn cùng phòng chỉ bảo thêm. “Tôi quý Khum như cháu của mình. Khum hiền lành, chăm chỉ, ban ngày đi làm vất vả nhưng tối nào cũng đi học đầy đủ”, cô Trần Thị Châu cho biết.
Cô Trần Thị Châu, kiên trì kèm cặp cho cậu học trò 36 tuổi - Thạch Sơ Khum đánh vần từng con chữ.
Ảnh: TG
Trường hợp HS đặc biệt như Sơ Khum không phải hiếm ở lớp phổ cập điểm Trường Tiểu học Bông Sao. Từ khi hoạt động đến nay cũng 35 năm, điểm lớp này cũng đã lần lượt đón nhiều thế hệ HS đặc biệt. Cô Châu cho biết, trước đó cũng có trường hợp một người đàn ông ngoài 30 tuổi và con trai của mình cùng học lớp 2. Con đi học chậm hơn bạn bè vì thiếu giấy tờ, cha dắt con đi học cũng học luôn vì chưa biết chữ.
Nhiều nhất ở lớp phổ cập là trường hợp HS ở tuổi đi học, có hoàn cảnh cơ nhỡ, không theo được các lớp phổ thông. Cô bé Nguyễn Hồ Anh Thư, quê Cần Thơ, 14 tuổi, đang học lớp 5 là một ví dụ. Cha Thư mới mất, mẹ em sinh được 7 người con, để cho bà ngoại nuôi, bây giờ đi lấy chồng ở nơi khác. 7 chị em Thư sống nương tựa vào bà ngoại, cơm gạo, áo quần, sách vở cũng là các nhà hảo tâm cho. Hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, không thể đến trường học ban ngày, nhưng để có cái chữ, tối nào Thư cũng chăm chỉ đi học. “Học ở đây em được các thầy cô chỉ dạy rất nhiệt tình. Em sẽ cố gắng học tập tốt, để sau này có nghề, kiếm tiền để phụ nuôi bà và các em”, Thư hồn nhiên tâm sự.
Tấm lòng người reo chữ
Ban ngày HS ở đây đều phải mưu sinh kiếm sống nhưng vẫn luôn chịu khó học ban đêm. Ảnh: TG
Thầy Lê Thành Sơn - Hiệu trưởng Trường TH Bông Sao cho biết, đa số các em HS ở lớp học phổ cập đều có hoàn cảnh khó khăn, từ các tỉnh lên TPHCM sinh sống. Do gia đình không có điều kiện cho theo học các lớp phổ thông ban ngày, các em phải theo các lớp học phổ cập ban đêm. Nhà trường, cùng với đội ngũ GV luôn tâm huyết tạo điều kiện để giúp các em học tập, trau dồi kiến thức, vận dụng vào cuộc sống, cũng như học tiếp lên cao. Đầu năm học, nhà trường đều phát đầy đủ cho các em sách vở, bút viết, thước... để các em yên tâm
đến lớp.
Cô Trần Thị Châu, 76 tuổi, đã có hơn 20 năm dạy buổi tối ở đây, rất kiên nhẫn với việc dạy cách đánh vần cho từng học trò. Dạy lớp phổ cập khá vất vả, bởi HS nhiều độ tuổi, đến từ nhiều vùng quê, làm nhiều ngành nghề khác nhau, không phải ai cũng lanh lợi. Thế nhưng tình yêu thương học trò khiến cô Châu khó xa được công việc vất vả này. “Áp lực cơm áo gạo tiền nhiều nhưng trò vẫn quyết tâm học bằng được cái chữ khiến tôi cảm động”, cô Châu tâm sự.
Thầy giáo Lê Thành Trung, 54 tuổi, ban ngày dạy chính khóa ở Trường Tiểu học Bông Sao và 3 tối mỗi tuần, phụ trách dạy lớp 5. Thấy các em có hoàn cảnh khó khăn thầy rất thương. Gắn bó với ngôi trường này cũng như với lớp học phổ cập đã gần 35 năm nay, thầy Lê Thành Trung cho biết các em học tương đối tốt, đa số đều hoàn thành chương trình phổ cập và học tiếp lên cấp 2, có em học lên cả đại học. Ấn tượng nhất với thầy Trung là trường hợp HS quê ở An Giang, không có hộ khẩu, thậm chí không có khai sinh. Do hoàn cảnh gia đình cơ nhỡ em lên TPHCM kiếm sống. Nhà trường đã tạo điều kiện làm lí lịch hồ sơ cho em học lớp ban đêm, sau đó bổ sung khai sinh, và khuyến khích em học lên cao.
“Bây giờ em ấy vẫn tiếp tục theo học các lớp giáo dục thường xuyên ban đêm để nâng cao trình độ, dù em đó đã có gia đình rồi”, thầy Trung tự hào cho biết. Với người thầy hàng chục năm gắn với sự nghiệp phổ cập này, hạnh phúc nào bằng khi có những học trò đặc biệt được khai trí, mở tâm và mạnh mẽ vươn lên trong cuộc sống như thế...
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/uoc-mo-con-chu-o-lop-hoc-ban-dem-xOEbap1MR.html